Thái Lan - nơi ẩn náu của tội phạm nước ngoài?

02/03/2022 - 20:58

PNO - Vụ án một trùm xã hội đen Ấn Độ bị sát hại trên đảo Phuket của Thái Lan đã khiến cho các quan chức an ninh cảnh báo rằng, nước này có thể đang là nơi ẩn náu của tội phạm nước ngoài, ngay cả trong bối cảnh đại dịch, khi có nhiều biện pháp hạn chế việc đi lại trên toàn cầu và giám sát sự di chuyển của người dân.

Jimi “Slice” Sandhu, 32 tuổi, đã bị bắn gục khi rời khỏi xe vào đêm ngày 4/2. Hung thủ gồm 2 người, đội mũ trùm đầu và đã nằm phục kích ngay bên ngoài biệt thự mà Sandhu đang thuê.

Du khách nước ngoài đi dạo gần Cung điện Hoàng gia ở Bangkok vào tháng trước. Sự sụt giảm về số lượng du khách trong bối cảnh đại dịch đã khiến bọn tội phạm khó tan vào đám đông hơn.
Du khách nước ngoài đi dạo gần Cung điện Hoàng gia ở Bangkok vào tháng trước. Sự sụt giảm số lượng du khách trong bối cảnh đại dịch đã khiến bọn tội phạm khó "lẫn" vào đám đông hơn - Ảnh: Bloomberg

Sandhu được nhiều người cho là có liên hệ với thế giới tội phạm ngầm ở Vancouver, và đã bị trục xuất khỏi Canada vài năm trước.

Vài ngày sau vụ giết người này, Interpol ở Thái Lan đã đưa ra “cảnh báo đỏ” cho 2 người Canada bị tình nghi đã thực hiện vụ tấn công. Họ được cho là đã ở trên đảo trong vài tuần và theo dõi nạn nhân, bằng cách sử dụng thiết bị GPS gắn vào xe hơi của anh ta, cùng với một số phương thức khác.

Một trong 2 người đàn ông bị tình nghi, Matthew Dupre, đã bị bắt ở Canada vào giữa tháng Hai “và đang chờ dẫn độ”, Prayuth Petchkhun, phát ngôn viên của Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho giới truyền thông biết hôm 28/2.

Hiện vẫn chưa rõ tung tích của kẻ tình nghi là đồng phạm còn lại - Gene Karl Lahrkamp. Cả hai người đàn ông này đã được xác định bằng cách sử dụng video ghi hình từ camera giám sát tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok vào ngày 6/2.

Cảnh sát Thái Lan nói với tờ SCMP rằng, 2 nghi phạm nói trên chỉ là một phần nhỏ trong số đông tội phạm nước ngoài hiện đang sống ở nước này. Những kẻ tội phạm này lợi dụng các mạng lưới giao thông rộng khắp của Thái Lan để trốn tránh lệnh bắt giữ được ban hành ở những nơi khác. Một số người còn thành lập các doanh nghiệp hoạt động phi pháp ở nhiều nơi, từ Phuket, Pattaya, đến Bangkok, và Chiang Mai.

Chỉ trong tuần cuối cùng của tháng Hai, các nhân viên di trú Thái Lan đã bắt giữ một “nhân vật mafia” 29 tuổi người Ấn Độ - người đã bị truy nã về tội giết người, bắt cóc, tống tiền và đã lẩn trốn ở Pattaya từ tháng 6/2019; 3 người quốc tịch Trung Quốc được vận chuyển lậu vào Thái Lan bằng siêu xe; và một người Anh đã bị đưa vào danh sách đen và cấm nhập cảnh, nhưng đã dùng hộ chiếu Israel để vào nước này.

“Thành phần tội phạm ở Thái Lan hiện đang thay đổi. Trước đây từng có nhiều người từ Đông Âu ở Pattaya, chuyên buôn bán ma túy, lưu hành tiền giả và gian lận trong giao dịch ngân hàng.

Nay, người Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang tham gia các hoạt động đánh bạc trực tuyến, giả danh là các trung tâm dịch vụ khách hàng của các công ty để lừa đảo. Họ thuê những căn nhà lớn ở Pattaya để làm cơ sở hoạt động, và sử dụng hàng trăm số điện thoại khác nhau để khai thác các nạn nhân”, một thám tử cấp cao chuyên tham gia săn lùng kẻ gian nước ngoài, người yêu cầu được giấu tên, cho biết.

Theo tờ SCMP, những vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ USD này thường nhắm vào các công dân gốc Hoa ở Trung Quốc. Họ thường bị các băng đảng thu hút bằng những lời hứa cho vay không lãi suất, tham gia vào các giao dịch mua bán cổ phiếu “ảo”, và đầu tư vào các dự án không có thật.

“Thái Lan luôn là nơi mà bạn có thể đến và buôn bán bất chính. Vào những năm 1990, đây là nơi mà rất nhiều nhóm khủng bố ở nước ngoài, nhất là từ Sri Lanka, đã đến để mua vũ khí. Đó cũng là nơi bạn có thể mua một số loại giấy tờ giả với chất lượng cao, chẳng hạn như hộ chiếu”, Paul Quaglia - cựu đặc vụ Cục Tình báo trung ương, và là Tổng giám đốc của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị PQA Associates - cho biết.

Theo SCMP, đại dịch cũng khiến cuộc sống của những tên tội phạm ở Thái Lan trở nên khó khăn hơn, khi số lượng các chuyến bay đến và ra khỏi quốc gia này giảm mạnh, và thủ tục xuất nhập cảnh trở nên phức tạp với nhiều loại giấy tờ hơn. Trong khi đó, sự số lượng du khách giảm mạnh đã khiến cho những kẻ tội phảm ngày càng khó “lẫn vào đám đông” hơn.

Vào tháng 10/2020, chính quyền Thái Lan đã bắt giữ Lee Chung-chak, mang hộ chiếu Hồng Kông, người được cho là chuyên trách khâu hậu cần của nhóm Sam Gor - một trong những mạng lưới ma túy lớn nhất thế giới. Đây cũng là một trong những vụ bắt giữ tội phạm nước ngoài đáng chú ý nhất ở Thái Lan trong thời gian xảy ra đại dịch.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI