Thái Lan nỗ lực chăm sóc sức khỏe tâm thần khi số ca tự tử tăng mạnh trong đại dịch COVID-19

18/10/2021 - 05:32

PNO - Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến đời sống và sức khỏe tâm thần của nhiều người dân Thái Lan, đẩy số ca tự tử tăng mạnh và khiến nhiều tổ chức ở nước này phải vào cuộc để cải thiện tình hình.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cục Sức khỏe tâm thần (MHD) Thái Lan, số ca tử vong do tự tử ở nước này đã tăng từ 5.768 vào năm 2018 lên 5.870 năm 2019, và 6.597 năm 2020.

Tỷ lệ tự tử
Số vụ tự tử ở Thái Lan tăng mạnh trong đại dịch COVID-19

Điều này có nghĩa là chỉ riêng năm ngoái, Thái Lan, đất nước có khoảng 66 triệu dân, đã ghi nhận khoảng 10 trường hợp tử vong do tự tử trên 100.000 người.

Bác sĩ Amporn Benjaponpithak - Tổng giám đốc MHD - cho biết đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng ngày càng có nhiều người dân Thái Lan tự tìm đến cái chết.

“Mọi cuộc khủng hoảng đều ảnh hưởng đến tinh thần. Những người không thể thích nghi với khủng hoảng hoặc đang gặp nhiều khó khăn sẽ bị ảnh hưởng nặng, dẫn đến suy sụp tinh thần, và nghiêm trọng nhất là tự sát”, bác sĩ Amporn giải thích.

Theo bà Amporn, đại dịch đã gây ra cho Thái Lan nhiều tổn thất về con người cũng như kinh tế xã hội. Nhiều người đã mất đi những người thân một cách đột ngột. Một số người khác thì bị mất việc làm hoặc ngập trong nợ nần.

Trước xu hướng trên, Thái Lan hiện đang mở ra nhiều kênh để hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho người dân. Trong đó, MHD cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí qua đường dây nóng 24 giờ 1323, trên Facebook và qua tài khoản @1323forthai trên ứng dụng nhắn tin Line.

Cơ quan này cũng cung cấp một ứng dụng trên trang web có tên gọi Kiểm tra Sức khỏe tâm thần, giúp người dân tự đánh giá sức khỏe tâm thần của bản thân hoặc những người khác. Người dùng ứng dụng này có thể nhanh chóng nhận được kết quả đánh giá và lời khuyên để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình.

Từ đầu năm 2020 đến nay, hơn 2,4 triệu người đã được đánh giá sức khỏe tâm thần qua ứng dụng nói trên. Phần lớn trong số này là công chúng (chiếm tỷ lệ 33%), kế đến là các tình nguyện viên y tế ở nông thôn (17%) và người cao tuổi (16%). Dữ liệu chính thức cho thấy hơn 240.000 người dùng ứng dụng có nguy cơ bị trầm cảm, khoảng 205.000 người bị căng thẳng cao độ và hơn 132.000 người khác có nguy cơ tự tử.

Tư vấn có sẵn qua nhiều kênh khác nhau ở Thái Lan
Thái Lan lập nhiều kênh tư vấn khác nhau  để hỗ trợ bệnh nhân

Tuy nhiên, MHD hiện chỉ có 20 đường điện thoại dây tư vấn, và bà Amporn cho biết các số điện thoại này thường xuyên bận, nhất là vào buổi tối và nửa đêm.

Ngoài MHD, Thái Lan còn có một số tổ chức tư vấn sức khỏe tâm thần khác. Trong số này có Samaritans, được thành lập năm 1978 với mục đích ngăn chặn tình trạng tự tử trong nước.

Bà Sriaroon Thanarattikannon, Giám đốc của Samaritans cho hãng tin CNA biết số lượng người tìm đến các đường dây trợ giúp và các kênh truyền thông xã hội để được tư vấn về sức khỏe tâm thần đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu ở Thái Lan, lên con số khoảng 1.500 người/tháng từ 700 người/tháng trước đó.

“Mất việc làm một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khủng hoảng tinh thần. Ngoài ra, khi mọi người phải làm việc ở nhà, họ cũng có thể bị căng thẳng, nhất là khi họ không có mối quan hệ tốt với các thành viên trong gia đình”, người đứng đầu Samaritans cho biết.

“Khi được người khác lắng nghe, những người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ thoải mái nói về những gì đang làm phiền tâm trí họ, và đôi khi tự bản thân họ sẽ nhận ra rằng thực sự vẫn còn có một lối thoát cho mình.

Tôi cũng muốn nói với họ rằng họ không đơn độc. Các tình nguyện viên của Sarimatans luôn rất vui khi được trở thành những người bạn và lắng nghe những vấn đề của họ. Tôi muốn họ biết rằng trên thực tế, cuộc sống của họ vẫn có giá trị. Cho dù họ có thể gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện tại, nhưng nếu có thể vượt qua giai đoạn này, thì họ vẫn có thể có một cuộc sống tốt đẹp phía trước”, bà Sriaroon chia sẻ.

Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hiện có hơn 13% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 19 trên toàn cầu đang được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần, nhất là lo âu và trầm cảm.

Báo cáo năm 2021 của Tổ chức Trẻ em thế giới, được công bố vào đầu tháng này, cũng cho biết có gần 46.000 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi tự kết thúc cuộc sống của chính mình mỗi năm, tức là cứ sau 11 phút lại có 1 trẻ em tự tử.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 29. WHO cũng cho biết, mặc dù chi phí điều trị sức khỏe tâm thần tương đối thấp, nhưng nhiều người dân đang gặp phải các vấn đề này ở một số nước trên thế giới không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được các dịch vụ tư vấn và chăm sóc hiệu quả.


Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI