Sức khỏe tâm thần là điều con người phải đối mặt trong năm 2021

11/01/2021 - 07:31

PNO - Những tiến bộ đạt được trong việc phát triển vắc-xin mở ra hy vọng thế giới có thể khống chế đại dịch COVID-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực về mặt tinh thần vẫn sẽ tiếp tục ám ảnh con người.

Lisa Carlson, cựu Chủ tịch Hiệp hội Y tế công cộng Hoa Kỳ và là quản trị viên điều hành ngành y tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết: “Các khía cạnh vật lý của đại dịch như thiếu hụt nguồn cung cấp và căng thẳng kinh tế, lo sợ bệnh tật... có thể nhìn thấy được, nhưng có một nỗi đau dai dẳng sẽ luôn thường trực, đó là sức khỏe tâm thần. Chúng tôi không có vắc-xin cho sức khỏe tâm thần. Vì vậy, sẽ mất nhiều thời gian hơn để con người vượt qua những thách thức đó”.

Dựa trên những cuộc đấu tranh tinh thần mà hầu hết mọi người phải chịu đựng trong năm qua, đây là những vấn đề mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần dự đoán sẽ xuất hiện vào năm 2021.

Sức khỏe tâm thần là nỗi lo tiềm tàng mà con người phải đối mặt trong năm 2021
Sức khỏe tâm thần là nỗi lo tiềm tàng mà con người phải đối mặt trong năm 2021

Chán nản và ít vận động

Những căng thẳng về gánh nặng kinh tế, việc học trực tuyến tại nhà, làm việc từ xa, đối mặt với bệnh tật và cái chết có thể khiến cuộc sống của nhiều người như rơi vào vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc.

Bị cô lập nhiều ngày trong đại dịch có thể khiến nhiều người ở mọi lứa tuổi rơi vào trạng thái cô đơn, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên phải bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Lisa Carlson cho biết: “Cách bạn quản lý căng thẳng là rất quan trọng trong việc tìm được thời gian để nghỉ ngơi”. Theo bà, mọi người nên tập trung chăm sóc bản thân như ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động, dành thời gian cho thú cưng và những người thân yêu khi bước vào năm 2021.

Khi đại dịch phá hoại giấc ngủ

Tiến sĩ Raj Dasgupta cho biết: Căng thẳng, chấn thương và những thách thức mới là nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ. Những người làm việc ở tuyến đầu trong ngành chăm sóc sức khỏe, thường xuyên chứng kiến cái chết của người bệnh và những người từng mắc kẹt (cách ly) trên tàu du lịch có thể bị căng thẳng sau chấn thương, dẫn đến mất ngủ và gặp ác mộng.

Mọi người thường có tâm lý chán chường khi dịch bệnh kéo dài.
Mọi người thường có tâm lý chán chường khi dịch bệnh kéo dài

Làm việc tại nhà là nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ. Bên cạnh đó, việc ở nhà liên tục do các lệnh hạn chế cũng khiến nhiều người rơi vào tình trạng tăng cân, yếu tố có nguy cơ dẫn đến một số bệnh nguy hiểm như chứng ngưng thở khi ngủ. Được biết, hội chứng ngưng thở khi ngủ xuất hiện cao hơn ở bệnh nhân trầm cảm và lo âu.

Vì chất lượng giấc ngủ có liên quan đến sức khỏe tinh thần, nên việc tiếp nhận đủ ánh sáng mặt trời, duy trì thói quen ngủ đủ giấc và thư giãn sẽ rất quan trọng.

Một số rối loạn phát triển mạnh

Chelsea Kronengold, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Rối loạn ăn uống Hoa Kỳ, cho biết "chấn thương tập thể" do dịch bệnh mà mọi người đang trải qua góp phần làm gia tăng lo lắng, trầm cảm và các yếu tố sức khỏe tâm thần khác liên quan đến chứng rối loạn ăn uống.

Đối với những người chưa phục hồi hoặc vẫn còn triệu chứng rối loạn ăn uống thì quãng thời gian cô lập do phong tỏa có thể khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.

“Rối loạn ăn uống phát triển mạnh khi cô lập, nhiều người luôn có cảm giác lo lắng về khả năng hết thức ăn hoặc có quá nhiều thức ăn”, Kronengold nói.

Bên cạnh đó, tình trạng tái nghiện ma túy cũng tăng đột biến trong đại dịch, khi dịch bệnh kéo dài, tỷ lệ rối loạn sử dụng chất kích thích dự báo còn tăng cao hơn.

Rối loạn giấc ngủ, chán ăn, tái nghiện ma túy là những nỗi lo thường trực do đại dịch gây ra trong năm 2021.
Đại dịch có thể gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, chán ăn, tái nghiện ma túy 

Hết nhiễm virus nhưng vẫn bị bệnh

Ngoài tác động về hô hấp và thần kinh mà một số người gặp phải sau khi khỏi bệnh thì các vấn đề tinh thần cũng tiếp tục ám ảnh người bệnh.

Một nghiên cứu cho thấy tâm lý đau khổ của mọi người trong đại dịch xuất phát chủ yếu do các biện pháp hạn chế và cách ly, còn "một làn sóng tâm lý thứ hai do virus có thể xảy ra sau khi khỏi bệnh".

“Mọi người mong rằng mình chỉ ốm trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó sẽ khỏe hơn. Nhưng những người bị bệnh kéo dài hàng tháng trời sẽ đối mặt với một thách thức thực sự về sức khỏe tâm thần sau đó”, Carlson nói.

Bà nói thêm, những ám ảnh này sẽ gây ra một cuộc xung đột trong tâm trí họ. Để cải thiện tình trạng này, gia đình của người bệnh cần quan tâm đến họ nhiều hơn.

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI