Một “nữ thần” giận dữ?
Ngay sau phát hiện của nhân viên kiểm lâm, khi nhiệt độ tăng lên và tuyết vừa tan, một nhóm điều tra viên khác chứng kiến cảnh tượng còn ghê rợn hơn: rất nhiều mảnh xương người mới lộ diện dưới đáy hồ.
 |
Sau khi lượng lớn hài cốt được phát hiện, Roopkund nổi tiếng theo cách không mong muốn. Một vài nhóm thám hiểm, du khách tò mò đi bộ đường dài đến đây đã lấy cắp hay phá hoại hiện trạng những bộ xương. - Ảnh: NationalGeographic |
Nơi các thi thể tạm thời chưa định rõ danh tính được tìm thấy, chính là Roopkund - một hồ nước tự nhiên ẩn mình giữa khối núi Trishul, trung tâm Himalaya, thuộc bang Uttarakhand (miền bắc Ấn Độ).
Vài năm nữa trôi qua, thời điểm cả thế giới đang căng thẳng vì Thế chiến thứ hai, chính quyền Anh tại Ấn Độ từng lo ngại, lượng lớn xương người tại Roopkund chính là thi thể các binh sĩ Nhật bỏ mạng sau một cuộc tập kích bí mật bất thành. Thế nhưng, tra xét kỹ hơn về tuổi của những bộ xương nhanh chóng bác bỏ ý kiến này.
Vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Nỗ lực đầu tiên để trả lời câu hỏi ấy diễn ra năm 1956, khi một đội nghiên cứu nhân chủng học từ Calcutta, Ấn Độ, tổ chức chuyến điều tra “vụ án xương người ở Roopkund”.
 |
Giới nghiên cứu chỉ mới thu thập mẫu gen của khoảng 300 bộ hài cốt tại Roopkund. Vì thời tiết quanh năm quá khắc nghiệt, việc khai quật - thu hồi toàn bộ thi thể (ước lượng phải nhiều hơn gấp đôi con số mẫu vật trên), rất khó khăn - Ảnh: AmusingPlanet |
Vì địa thế hồ quá hiểm trở, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, họ phải cố gắng vài lần mới có thể tìm đến hiện trường, thu thập các mẫu xương cho mục đích nghiên cứu. Kỹ thuật giám định tuổi bằng carbon, bấy giờ chỉ mới được phát triển và chưa hoàn thiện như thời nay, chỉ ra rằng số xương thu thập được khoảng từ 500-800 năm tuổi.
Ấn Độ đặc biệt hứng thú với những tử thi bí ẩn của Roopkund. Trên thực tế, một số ý kiến phản ánh góc nhìn văn hóa Ấn Độ cổ cho rằng, nguồn gốc hàng trăm bộ xương có thể liên quan đến một nghi lễ quyên sinh tập thể nhằm mục đích tế thần.
Hoặc, vài sử gia đặt giả thuyết từng có một đội quân trực thuộc Vương quốc Hồi giáo Delhi (thế kỷ XIII) hành quân ngang qua Roopkund với ý đồ xâm chiếm Tây Tạng từ phía nam, nhưng không thành và phải bỏ mạng toàn bộ. Lại có lời đồn hình dung Roopkund như một nghĩa trang kỳ dị chuyên chôn cất nạn nhân xấu số đã qua đời vì dịch bệnh nào đó hàng thế kỷ trước.
Người dân sống ở các thị trấn bên dưới Roopkund đưa ra ý tưởng cổ xưa, cũng lạ lùng nhất về "hồ xương người". Nổi tiếng qua nhiều khúc hát dân ca cho đến thần thoại truyền miệng là câu chuyện về "buổi hành hương vinh danh" Nanda Devi - hiện thân của Parvati, một trong những vị thần tối cao trong Hindu giáo.
Theo niềm tin cổ xưa, lễ hành hương nhân danh Nanda Devi sẽ đi qua các ngọn đồi trùng điệp thuộc cụm núi Trishul (địa phận Himalaya ở phía tây Uttarakhand) - nơi dân chúng tin rằng nữ thần và chồng bà, thần Shiva, chọn làm chốn cư ngụ. Đây được xem như một trong những hành trình tôn giáo "kéo dài lẫn khốc liệt nhất Ấn Độ", với một đoạn đường đặc biệt nguy hiểm băng ngang sườn núi cheo leo ngay phía trên hồ Roopkund.
 |
Tượng thần Nanda Devi trong một sự kiện Raj Jat - Ảnh: Flickr |
Tương truyền, khi còn thường xuyên qua lại nhân gian, Nanda Devi từng đến thăm một vương quốc xa xôi. Đối mặt thái độ thiếu tôn trọng của hoàng gia xứ sở này, nữ thần vô cùng giận dữ. Bà trút lời nguyền khiến hoa màu héo tàn, dịch bệnh lan tràn và lương thực nhiễm bẩn.
Hối hận lẫn kinh sợ, quốc vương nơi đây tổ chức một chuyến hành hương, mong muốn xoa dịu Nanda Devi. Tuy nhiên, là người si mê ca vũ, ông ta mang theo một nhóm vũ nữ hoàng cung nhảy múa mua vui trên đường hành hương, vốn xúc phạm ý nghĩa trang trọng - linh thiêng của sự kiện này. Cơn giận càng dâng cao, vị thần đã trục xuất toàn bộ đoàn người xuống địa ngục.
"Đoạn cuối của 'Tử Lộ' - địa danh truyền thuyết cổ ghi rằng nhóm người bị đọa đày phải bước qua để tiến vào địa ngục Nanda Devi tạo ra, chính là Roopkund".
Lời kết kể trên cho câu chuyện thần thoại, được thuật lại bởi nhà nhân chủng học người Mỹ, William Sax, trong cuốn sách nghiên cứu "Nữ Thần Núi" xuất bản năm 1991.
Hiện công tác tại Đại học Heidelberg (Đức), bí ẩn về hồ băng đã ám ảnh Sax ngay từ thời sinh viên vào thập niên 1970. Vô tình đọc được một số bài viết phản ánh vụ hàng trăm bộ xương người thần bí ở một hồ nước băng giá, ông bị lôi cuốn đến mức quyết định đích thân đến điều tra.
 |
Khi thời tiết đủ ấm, các mảnh xương người mới lộ diện rõ sau lớp tuyết lạnh - Ảnh: Shutterstock |
Những bằng chứng kỳ dị về gen
Cùng một người bạn cũng thích phiêu lưu, Sax đặt chân tới một thôn nhỏ dưới chân Himalaya, khu vực dân cư gần Roopkund nhất ông có thể tìm được. Phải mất hồi lâu thuyết phục, một hướng dẫn viên địa phương mới đồng ý dẫn đường. Họ lần theo lộ trình hành hương cổ xưa để tiếp cận hồ băng.
Xuyên qua rừng sâu, đồng cỏ bạt ngàn, các "bức tường núi" sừng sững xứng danh "nóc nhà thế giới" của Himalaya, con đường họ đi dần hẹp lại, càng ngày càng cheo leo và khắc nghiệt.
"Chúng tôi tiến vào từ phía bắc dãy Himalaya, đi bộ gần như không nghỉ trong điều kiện kham khổ" - Sax nhớ lại - "Tôi nhớ... gần tới Roopkund, qua một đoạn đường núi gồ ghề, lởm chởm đá vụn nữa, sẽ xuất hiện một ngôi miếu cổ xây bằng đá, thờ thần voi Ganesha".
"Rộng gần 40m, sâu hơn 3m, Roopkund - trong ngôn ngữ Hindi nghĩa là “dáng hình xinh đẹp” - là một hồ nước “xanh trong như ngọc lục bảo” - Sax kể. Thế nhưng theo nhà nhân chủng học, “mảnh ngọc” ấy ẩn giấu vẻ đẹp chết chóc.
Ông mô tả: “Ngay khi hồ băng hiện ra trước mắt, sau nhiều ngày chờ đợi và đi bộ mệt nhọc, thứ đón chào chúng tôi lại là một trận bão tuyết bất ngờ. Điều kiện thời tiết chuyển sang tồi tệ chỉ sau một khoảnh khắc. Tuyết rơi mạnh, đột ngột, phút chốc đã trắng xóa bầu trời”.
 |
Raj Jat là tên gọi cuộc hành hương linh thiêng tổ chức 12 năm một lần trong khu vực Uttarakhand nhằm vinh danh Nanda Devi. Hoạt động rước tượng thần, cúng lễ, hành hương quy mô thu hút đông đảo người dân sùng đạo và là nét văn hóa đặc sắc trong vùng - Ảnh: Wikipedia |
Sax có chuyến đi “nhớ đời” năm xưa. Ông và 2 bạn đồng hành suýt nữa đã nằm lại tại Roopkund như những thi thể chưa rõ xuất thân kia. Dẫu phải vất vả thoát khỏi trận bão lớn dị thường và ngã bệnh một thời gian vì vậy, lạ lùng thay, Sax không từ bỏ đam mê dành cho “hồ xương người” và con đường hành hương khổ hạnh nhưng cũng đầy cảm xúc.
Suốt 4 thập niên kế tiếp, khi Sax đào sâu nghiên cứu, viết sách và tham gia cả dự án truyền hình liên quan tới Roopkund, cũng có hàng loạt tổ chức, hội nhóm khoa học khác nhập cuộc với cùng mục tiêu: tìm hiểu nguồn gốc thi thể trong hồ. Và các phát hiện mới nhất của họ mang đến… càng nhiều câu hỏi hơn là lời giải.
 |
Xương người xuất hiện không chỉ dưới đáy hồ, mà còn xung quanh bờ hồ và trên các đoạn đường dốc, lởm chởm đất đá dẫn xuống Roopkund - Ảnh: BusinessInsider |
Thống kê cho thấy, ước tính có tổng cộng từ 300-700 thi thể (hầu hết chỉ còn lại xương trắng), ở Roopkund.
Phân tích khoa học hiện đại “gạt bỏ” gần như toàn bộ đồn đoán trước kia về một vụ thảm sát, đội quân bí ẩn nào đó bỏ mạng tập thể, một cuộc chiến tranh đẫm máu, dịch bệnh hay nghĩa trang thời cổ đại. Tàn tích của một vài món tư trang tìm thấy quanh không ít bộ xương, chẳng phải vũ khí hay trang sức đắt tiền, mà là… dù che nắng làm bằng tre, vòng tay từ vỏ sò và dép da. Tất cả phụ kiện này trùng khớp với mô tả dành cho tín đồ Nanda Devi.
Vậy, phải chăng tất cả thi thể đều là người bản địa sùng đạo, gặp nạn trên đường hành hương ngang qua Roopkund - như tình huống Sax từng lâm vào? Hé lộ mới nhất trên phương diện di truyền học lại phản ánh một câu chuyện kỳ lạ khác biệt.
Không như phương pháp định tuổi bằng carbon chưa thật đảm bảo kết quả những năm 1950, phân tích DNA hiện đại chỉ ra: tất cả nạn nhân bỏ mạng dưới hồ băng không đồng loạt qua đời vì một sự kiện duy nhất. Và rằng, có nhiều hơn 1 nhóm sắc tộc trong số những bộ xương người. Lý do họ tìm tới một địa điểm đặc biệt hẻo lánh, sâu trong Himalaya có thể phức tạp hơn hình dung ban đầu.
Đến nay, nghiên cứu quy mô hàng đầu về "hồ xương người" được dẫn dắt bởi Éadaoin Harney, nữ khoa học gia về gen - giảng viên khoa Sinh học Tiến hóa, Đại học Harvard. Đội ngũ của cô vừa công bố một đáp án khó tin: khoảng 700 thi thể ở Roopkund thuộc về 3 nhóm người khác nhau.
 |
Đoàn người sùng đạo ngày nay vẫn đi ngang qua hồ Roopkund - một điểm dừng quan trọng trên lộ trình hành hương của họ - Ảnh: IndiTales |
Nhóm A mang đặc điểm gen điển hình của người Nam Á, cụ thể là Ấn Độ cổ. Nhóm C, là một thi thể đơn lẻ có gen Đông Nam Á. Dị biệt và khiến cộng đồng khoa học ngỡ ngàng là nhóm B - gồm một số hài cốt nam lẫn nữ không hề có liên quan huyết thống và chứa các đặc trưng về gen... không thuộc châu Á hay châu Âu.
Bí ẩn chưa được giải đáp
Đồng giám sát dự án nói trên, nhà di truyền học kỳ cựu người Mỹ David Reich lý giải sự kỳ diệu, cũng như kỳ quặc của phát hiện này: "Ấn Độ là vùng đất sở hữu nét đa dạng về gen bậc nhất trên Trái Đất. Ấy thế mà, với trường hợp nhóm B, chúng tôi đã so sánh từng mẫu thử với 300 mẫu gen của những nhóm dân cư khác nhau tại Ấn Độ và không tìm thấy bất kỳ điểm tương đồng nào".
Reich và Harney không bỏ cuộc. Họ mở rộng cuộc điều tra ra toàn cầu, khảo sát và so sánh các bộ gen từ châu Âu, phần còn lại của châu Á, kể cả châu Phi. Bộ gen duy nhất họ tìm thấy thể hiện đôi chút điểm giống với những xác người bí ẩn tại Roopkund, thuộc về một cộng đồng dân cư tại... đảo Crete, Hy Lạp.
 |
Dáng vẻ thường thấy nhất của Roopkund là khi nó bị chìm lẫn vào sắc trắng của băng tuyết. Khó tin nổi hồ nước nhỏ bé này đang che dấu một bí mật rùng rợn - Ảnh: NationalGeographic |
Kết luận quá đỗi lạ kỳ ấy lại trùng khớp với một nghiên cứu khác cũng tiến hành tại Harvard, phân tích collagen trong các mảnh xương người thu thập tại Roopkund. Qua thông tin về chế độ dinh dưỡng lưu trữ bên trong xương, nhóm B cho thấy thói quen ăn uống tương đồng nhất định với dân cư vùng Địa Trung Hải.
William Sax, ở góc nhìn xã hội và nhân chủng học, kiên định không tin vào suy luận: một nhóm người từ đảo Crete quyết định gia nhập đoàn người hành hương, hay chủ động tìm đến Roopkund vì bất kỳ lý do gì. "Trong quá trình thu thập và xử lý mẫu vật của họ, không phải không có khả năng xảy ra sai sót hoặc nhầm lẫn" - Sax chia sẻ quan điểm.
Chuyên gia khảo cổ học người Mỹ đã về hưu, Stuart Fiedel, đồng tình: "Niên đại số xương người ở Roopkund trong khoảng năm 1700-1800. Thời gian này, không hề có tài liệu sử học nào gợi ý về sự hiện diện của một nhóm dân gốc Hy Lạp tìm tới Ấn Độ".
Tranh cãi còn đó, và "hồ xương" Roopkund vẫn giữ chặt trong lòng nó bí ẩn rùng rợn nhất. "Thời tiết kinh khủng, mưa đá đã làm chùn chân, thậm chí đẩy nhiều tín đồ Nanda Devi vào thẳng "Tử Lộ" theo nghĩa đen", Sax nói. "Và những hài cốt khác? Đến giờ chúng ta vẫn chưa rõ chính xác chuyện gì, hay thứ gì đã cướp đi sinh mạng của họ".
Như Ý (theo The New Yorker)