Hàn Quốc khẩn cấp xử lý khủng hoảng “bọ tình yêu”

04/07/2025 - 13:50

PNO - Để ngăn chặn "cuộc khủng hoảng bọ tình yêu", Bộ Môi trường Hàn Quốc đã triển khai hoạt động kiểm soát dịch hại khẩn cấp vào ngày 4/7 tại khu vực Núi Gyeyang của thành phố Incheon.

Gyeyangsan, một ngọn núi ở Incheon, Hàn Quốc, tràn ngập bọ tình yêu vào ngày 3/7 -. Ảnh: Jintak Han/The Washington Post
Gyeyangsan - một ngọn núi ở Incheon, Hàn Quốc - tràn ngập "bọ tình yêu" vào ngày 3/7. Ảnh: Jintak Han/The Washington Post

Hàng trăm bài đăng trên Instagram và video trên YouTube gần đây cho thấy một mối phiền toái đang gia tăng trên khắp Hàn Quốc: sự bùng phát đột ngột và nghiêm trọng của “bọ tình yêu”.

Sự bùng nổ chưa từng có của loài côn trùng giống ruồi có tên chính thức là Plecia nearctica này khiến chính phủ phải vào cuộc, cùng với 10 viên chức địa phương từ Văn phòng Quận Gyeyang, thành phố Incheon.

Họ triển khai các thiết bị như máy thổi, lưới chống côn trùng và bình phun thuốc, nhằm kiểm soát dịch hại toàn diện. Chính quyền cũng đang ưu tiên thu gom xác côn trùng, vốn có mùi hôi thối gây khó chịu cho người dân.

Để tăng cường nỗ lực kiểm soát, 3 bẫy đèn đã được bổ sung, thiết kế để dụ bọ, và được lắp đặt tại khu vực bị ảnh hưởng.

Theo Bộ, các thiết bị do Viện Tài nguyên Sinh học Quốc gia phát triển đã cho thấy kết quả khả quan trong các thử nghiệm thực địa sơ bộ vào đầu tuần qua. Từ đó, họ có kế hoạch mở rộng việc sử dụng các bẫy đèn trong tương lai.

Chiến lược dài hạn của chính phủ không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn ngay lập tức. Bộ Môi trường đã công bố kế hoạch tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, mở rộng hệ thống ứng phó hiện có, được thành lập vào năm 2023 giữa bộ, chính quyền đô thị Seoul và Viện Tài nguyên Sinh học Quốc gia.

Một nhóm ứng phó khẩn cấp 24 giờ cũng đã được kích hoạt. Đồng thời, một nhóm cố vấn gồm các nhà côn trùng học và nhà sinh thái học cũng đang làm việc để đảm bảo áp dụng nhanh chóng các phát hiện khoa học mới nhất vào nhóm biện pháp phản ứng tại chỗ.

Các quan chức đang tích cực chuẩn bị cho các đợt bùng phát trong tương lai của những loài gây hại khác, có khả năng phát triển mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, bao gồm sâu, ruồi, rầy mềm.

Hiện nay, các loài côn trùng như "bọ tình yêu" không được xếp loại là loài gây hại theo quy định của quốc gia, nên Bộ đang xem xét các cải cách pháp lý để chính thức chỉ định các loài côn trùng này là "loài cần được quản lý", hỗ trợ cho chính quyền địa phương và tạo điều kiện triển khai nhanh hơn các biện pháp kiểm soát.

Ông Kim Tae-oh - Tổng giám đốc Cục bảo tồn thiên nhiên thuộc Bộ Môi trường - cho biết: "Tình hình năm nay đặc biệt nghiêm trọng, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng sự biến động của hệ sinh thái. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các đợt bùng phát và phối hợp với chính quyền địa phương để hành động nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ nhân lực, thiết bị và ngân sách khẩn cấp".

Linh La (theo The Korea Herald/Asia News Network)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI