 |
Tàu ma thời kỳ “trai trẻ” trong quân đội Mỹ |
USS Stewart được đóng tại xưởng đóng tàu William Cramp & Sons ở Philadelphia, Pennsylvania, vào tháng 9/1919 và đưa vào hoạt động vào tháng 9/1920.
Là một trong những tàu khu trục “bốn ống khói” (four-stacker) thuộc lớp Clemson, con tàu dài 95,8 mét được thiết kế để chống tàu ngầm và hoạt động cùng hạm đội. Tuy nhiên, nó hoàn thành quá muộn để tham gia Thế chiến I và chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tuần tra ở châu Á trước Thế chiến II. Năm 1941, USS Stewart đóng tại Manila, thuộc Hạm đội Á châu của Hải quân Mỹ, một lực lượng gồm các tàu chiến phần lớn đã lỗi thời, được giao nhiệm vụ đối phó với sự mở rộng của Nhật Bản sau vụ tấn công Trân Châu Cảng.
Những hiện tượng lạ khi bị làm “tù binh”
Đến tháng 2/1942, USS Stewart tham gia trận Badung Strait gần Bali và bị hư hại nặng trong trận chiến với lực lượng Nhật Bản. Trong quá trình sửa chữa tại Surabaya, Java, một tai nạn bất ngờ khiến tàu bị mắc kẹt trong ụ nổi. Với quân Nhật tiến gần, thủy thủ đoàn buộc phải bỏ tàu và phá hủy nó để tránh rơi vào tay đối phương. Ngày 2/3/1942, ụ nổi chứa USS Stewart bị đánh chìm và Hải quân Mỹ tin rằng con tàu đã vĩnh viễn mất đi. Tên của nó thậm chí bị xóa khỏi danh sách hải quân và một tàu hộ tống khu trục mới được đặt tên USS Stewart (DE-238).
Tuy nhiên, câu chuyện của USS Stewart chưa kết thúc. Gần một năm sau, vào tháng 2/1943, Hải quân Nhật Bản bí mật trục vớt con tàu, sửa chữa và đưa nó vào hoạt động với tên gọi Tàu tuần tra số 102 (Patrol Boat No. 102). Với ống khói kiểu Nhật nhưng vẫn giữ đường nét đặc trưng của tàu khu trục Mỹ, Stewart trở thành một hiện tượng bí ẩn. Các phi công lực lượng đồng minh bắt đầu báo cáo về một “tàu khu trục Mỹ” hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của Nhật, từ Biển Nội địa đến ngoài khơi Kyushu. Những báo cáo này bị cho là “ảo giác” vì không ai tin một tàu Mỹ có thể tồn tại ở khu vực đó. USS Stewart từ đó mang biệt danh “Con tàu ma của Thái Bình Dương” trở thành biểu tượng của sự bí ẩn trong chiến tranh.
Không chỉ đồng minh mà ngay cả người Nhật khi chiếm hữu con tàu cũng nhận ra những điều quỷ dị. Các thủy thủ Nhật sau khi tiếp quản và sửa chữa Stewart ở xưởng hải quân Sasebo rỉ tai nhau về “một người đàn ông mặc quân phục Mỹ, đứng lặng lẽ trong phòng máy vào mỗi nửa đêm”. Có những câu chuyện về các đồ vật nhỏ trên tàu tự nhiên di chuyển khỏi vị trí ban đầu của chúng, hoặc biến mất một cách bí ẩn và sau đó xuất hiện trở lại ở những nơi không ngờ tới; rồi một số cánh cửa trên tàu được cho là tự động đóng hoặc mở, ngay cả khi không có gió lùa hoặc chuyển động nào khác…
Trước tin đồn, các kỹ sư Nhật đã nhiều lần ngắt điện toàn bộ hệ thống để kiểm tra, nhưng vẫn có người thấy ánh sáng chập chờn như từ một đèn pin cũ và tiếng bước chân gõ nhè nhẹ trên sàn kim loại. Họ tin rằng đó là linh hồn của một kỹ sư người Mỹ chết trong vụ đánh chìm ban đầu, người vẫn bám theo con tàu dù nó đã đổi quốc tịch.
Sau khi USS Stewart bị Nhật trục vớt và cải hoán thành tàu P-102, một số sĩ quan hải quân Nhật than phiền hệ thống định hướng luôn bị sai lệch, bất kể điều chỉnh ra sao. Một thủy thủ kể, cứ mỗi khi họ cố di chuyển về hướng đông, tức là hướng về lại nước Mỹ, la bàn lập tức “xoay loạn xạ” như thể con tàu từ chối quay về gây hại cho quê hương. Nhiều người gọi đó là “sự phản kháng của linh hồn tàu”.
Một truyền thuyết khác kể, sau khi USS Stewart bị trục vớt, chiếc mỏ neo cũ được giữ lại và bảo quản tại kho quân dụng Sasebo. Một đêm mưa lớn năm 1944, lính canh thấy nước mưa đọng quanh mỏ neo nhuốm màu đỏ như máu, dù không hề có vết rỉ sét. Ngày hôm sau, một tai nạn xảy ra trong xưởng khiến hai kỹ sư thiệt mạng. Người ta cho rằng đó là “điềm báo máu” từ con tàu bị nguyền rủa.
Dưới sự chỉ huy của Trung úy Tomoyoshi Yoshima, tàu Stewart dưới tên tàu tuần tra số 102 hộ tống các đoàn tàu Nhật Bản trong suốt cuộc chiến. Ngày 24/8/1944, nó tham gia một nhóm hộ tống, trong đó tàu chống ngầm CD-22 đánh chìm tàu ngầm Mỹ USS Harder (SS-257) cùng toàn bộ thủy thủ. Tuy nhiên, đến tháng 4/1945, nó bị máy bay Mỹ ném bom và hư hại tại Mokpo, Hàn Quốc. Khi chiến tranh kết thúc, quân Mỹ tìm thấy con tàu bỏ không tại vịnh Hiro gần Kure, Nhật Bản.
 |
Tàu bị bắt làm “tù binh” và phục vụ trong lực lượng Hải quân Nhật |
Số phận cay đắng khi trở về Mỹ
Ngày 29/10/1945, trong một buổi lễ đầy cảm xúc tại Hiro Wan, USS Stewart được tái biên chế vào Hải quân Mỹ với ký hiệu DD-224. Các thủy thủ gọi con tàu là “RAMP-224” viết tắt của “Recovered Allied Military Personnel” (Quân nhân đồng minh được giải cứu), thể hiện sự tôn kính như đối với một đồng đội trở về từ chốn tù đày. Quay lại cố quốc, tàu USS Stewart vẫn mang theo những câu chuyện tâm linh. Một cựu sĩ quan người Mỹ, trong thời gian làm việc tại Sasebo sau chiến tranh, kể lại rằng ông từng nghe tiếng gõ từ dưới đáy tàu USS Stewart khi kiểm tra. Tiếng gõ có tiết tấu rõ ràng như mã Morse nhưng không ai giải mã được trọn vẹn. Người ta cho rằng, đó là tín hiệu SOS bị gián đoạn từ những linh hồn vẫn còn bị mắc kẹt dưới hầm tàu.
Stewart được kéo về San Francisco vào tháng 3/1946 trong một chuyến hồi hương đầy khó khăn do máy móc liên tục trục trặc bất thường. Người ta tin rằng nó không muốn trở lại Mỹ vì “biết trước số phận của mình”. Quả thực, do tình trạng xuống cấp, nó không còn phù hợp để phục vụ trong quân đội và bị khai tử.
Sau khi bị “hội đồng kiểm tra và khảo sát tuyên bố không còn đủ điều kiện phục vụ”, con tàu khu trục già cỗi này bị tháo bỏ trang bị, chuẩn bị cho việc đánh chìm và chính thức rút biên chế ngày 23/5/1946. Sau đó, tàu kéo USS Algorma (ATO-34) kéo nó ra khơi để “hành hình”. Một cuộc tấn công bằng rocket từ trên không đã làm hư hại cấu trúc thượng tầng và thiêu rụi phần cầu tàu – nhưng vẫn không thể đánh chìm được nó. Tàu USS PC-799 liền khai hỏa với pháo 40mm và 4 inch. Phải đến khi trúng đạn pháo lần thứ 18 và lật nghiêng, nó mới chịu chìm hoàn toàn – sau 15 phút vùng vẫy. Nhiều thủy thủ gọi đây là “cuộc phản kháng cuối cùng của linh hồn chiến binh” – một con tàu đã sống qua 2 phe, 2 chiến tuyến và không dễ dàng buông xuôi.
Sau khi USS Stewart bị chìm ngoài khơi California, ngư dân địa phương đôi khi báo cáo đã thấy ánh sáng lập lòe và radar phát hiện “vật thể dài 90 mét” trôi qua lúc rạng sáng, hiện tượng trùng khớp kích thước với USS Stewart. Dù không có bằng chứng xác thực, nhiều người tin Stewart vẫn tiếp tục “tuần tra” dưới đáy biển, giữ đúng bản chất một tàu khu trục, không rời nhiệm vụ cho đến vĩnh viễn.
 |
Tàu bị bắn chìm và “chôn” ngoài khơi California |
Tàu ma trở lại
Có lẽ day dứt về cách đối xử với một con tàu ma có số phận long đong, các cựu binh đã tổ chức tìm kiếm xác tàu từ 10 năm trước. Năm ngoái, một nhóm điều tra dưới nước đa quốc gia đã tìm thấy xác tàu USS Stewart ngoài khơi bờ biển Bắc California trong một chuyến thám hiểm hợp tác do các tổ chức Ocean Infinity, Quỹ Di sản Không/Trên biển (Air/Sea Heritage Foundation), Văn phòng Khu bảo tồn Biển Quốc gia thuộc NOAA và Cục Lịch sử và Di sản Hải quân (Naval History and Heritage Command)… phối hợp thực hiện. Vị trí xác con tàu nằm cách bờ khoảng 30 km, nằm trong ranh giới của Khu bảo tồn biển quốc gia Cordell Bank, trùng khớp với các mô tả lịch sử về nơi con tàu bị tiêu hủy.
Vào ngày 1/8/2024, ba chiếc tàu ngầm mini HUGIN hoạt động 24 tiếng dưới đáy biển và gửi về với dữ liệu sonar độ phân giải cao – cho thấy hình ảnh rõ ràng, không thể nhầm lẫn của một xác tàu đắm đúng kích thước. Xác tàu mang đầy đủ đặc điểm của USS Stewart còn nguyên vẹn. Sau đó, nhóm Island Pride dùng liên kết vệ tinh điều khiển một tàu lặn điều khiển từ xa (ROV) xuống kiểm tra. Chiếc ROV trong 2 tiếng rưỡi kiểm tra và ghi hình chi tiết USS Stewart và kết quả không thể lẫn đi đâu được. Các cựu binh đều nhận ra đó la USS Stewart dù phần thượng tầng đã bị rocket phá hủy, cột buồm đổ sập và ống khói kiểu Nhật bị vỡ nát.
Sau 2 tháng, hải quân Mỹ chính thức thừa nhận dữ liệu thu thập được từ tàu ngầm là hình ảnh của con tàu USS Stewart trứ danh. Quét sonar cho thấy USS Stewart còn gần như nguyên vẹn, thân tàu vẫn thon dài, đồ sộ, nằm gần như thẳng đứng dưới đáy biển. Mức độ bảo quản này là vô cùng hiếm có đối với một tàu có tuổi đời như vậy lại phải nằm dưới đáy biển 1.000 mét trong 60 năm. Đó cũng là một bí ẩn mà tới nay chưa được giải thích rõ ràng.
Anh Tú