Cậu bé 12 tuổi sáng lập dự án âm nhạc cho thú nuôi bị bỏ rơi

05/07/2025 - 16:16

PNO - Tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ), một cậu bé 12 tuổi đang thử thách quan niệm “âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại” – không phải chỉ với con người, mà còn với… động vật.

Yuvi Agarwal tin rằng âm nhạc có thể vượt qua cả ranh giới loài và mang đến sự chữa lành – không chỉ cho động vật mà cả người chơi nhạc.
Yuvi Agarwal tin rằng âm nhạc có thể vượt qua cả ranh giới động vật và mang đến sự chữa lành, không chỉ cho động vật mà cả người chơi nhạc - Ảnh: SCMP

Yuvi Agarwal bắt đầu chơi đàn organ từ năm lên 4. Một lần tình cờ, cậu nhận ra chú chó trong gia đình trở nên dịu lại mỗi khi nghe cậu chơi đàn. Từ đó, Yuvi tự hỏi: ''Liệu âm nhạc có thể giúp những con vật đang sống trong lo âu ở trại cứu hộ không?”.

Năm 2023, với sự hỗ trợ từ bố mẹ làm việc trong lĩnh vực tiếp thị, Yuvi sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Wild Tunes, nhằm kết nối các nhạc sĩ tình nguyện đến biểu diễn tại các trung tâm chăm sóc động vật. Chỉ sau hơn 1 năm, dự án đã quy tụ gần 100 tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi và trình độ, biểu diễn tại 9 trung tâm cứu hộ ở Houston, New Jersey và Denver, Colorado.

Yuvi chia sẻ: ''Tôi nghĩ bạn không cần hiểu lời bài hát mới có thể tận hưởng âm nhạc. Âm nhạc vượt qua ranh giới ngôn ngữ – thậm chí cả ranh giới loài''.

Cậu bé kể lại khoảnh khắc xúc động khi chơi nhạc cho một chú chó cứu hộ tên Penelope ở Houston – ban đầu quá sợ hãi để ra khỏi chuồng. ''Chỉ sau một lúc tôi chơi đàn, nó bước ra, đi đến bên cạnh tôi như thể cảm ơn'', Yuvi tâm sự.

Một tình nguyện viên khác là Sarah McDonner – nhạc công chuyên nghiệp và bạn của Yuvi thường chơi các bản nhạc Mozart và Bach bằng sáo cho những chú chó tại trung tâm chăm sóc động vật ở Colorado. Các chú chó nghiêng đầu mỗi khi cô chơi các nốt cao. McDonner nói: ''Âm nhạc mang lại cho chúng tương tác tích cực với con người, giúp ngày của chúng trở nên khác biệt. Và về lâu dài, điều đó khiến chúng dễ được nhận nuôi hơn''.

Dù tác động của âm nhạc đến con người đã được nghiên cứu sâu rộng nhưng tác dụng lên động vật vẫn còn gây tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy nhạc cổ điển có thể giúp chó bình tĩnh hơn trong môi trường căng thẳng như trại cứu hộ hay phòng khám thú y. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chưa đủ dữ liệu để khẳng định điều này.

Giáo sư Lori Kogan, chuyên gia tương tác người – động vật tại Đại học Bang Colorado, nhấn mạnh: ''Không thể đơn giản kết luận rằng âm nhạc làm dịu động vật. Cần nghiên cứu sâu hơn''. Bà cho biết, phản ứng của chó với âm nhạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường, thể loại, âm lượng, nhịp độ và cả tiền sử tiếp xúc âm nhạc.

Tuy nhiên, bà khuyến khích người nuôi thử nghiệm: ''Nếu bạn bật nhạc và thấy thú cưng thư giãn, điều đó là tích cực. Đó là một hình thức làm phong phú môi trường sống của chúng''.

Yuvi tin rằng những gì cậu chứng kiến ở các trại cứu hộ là bằng chứng rõ ràng cho sức mạnh của âm nhạc. Cậu hy vọng sẽ mở rộng dự án Wild Tunes ra toàn nước Mỹ.

Cậu bé 12 tuổi cũng nhận ra, âm nhạc không chỉ giúp động vật, mà còn là cơ hội quý giá cho những người chơi nhạc: ''Đây là nơi tuyệt vời để luyện tập và biểu diễn trước khán giả không phán xét. Điều đó giúp bạn tự tin hơn'', Yuvi nói.

Nhật Minh (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI