Trước khi ly hôn, tôi cũng bao nhiêu người phụ nữ có chồng, cũng phải lo mua sắm trước tết, mua quà nội, ngoại, đồ ăn mấy ngày tết phải đủ các món ăn truyền thống của người miền Bắc.
Dù chồng cũ tôi sinh ở miền Nam nhưng cỗ bàn cổ truyền phải đủ. Tôi thì gốc miền Tây, gia đình tôi từ xưa đã ăn tết đơn giản. Ngày tết chỉ cần món thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, những món còn lại tùy sở thích mỗi người chứ không bắt buộc.
Chị gái tôi từng nói: gái miền Tây, lấy chồng miền Bắc, kê mấy cũng khó mà bằng. Tôi nghĩ thấy đúng thật. Mặc dù bà nội bọn trẻ dễ tính, cũng thương con cháu nhưng mùng Một năm nào cũng chỉ gà luộc, xôi, bánh chưng, miến nấu từ nước gà… năm nào cũng ăn hoài những món ấy, và tôi lại không hảo, nên thành ra cứ mùng Một là tôi… đói.
|
Bao năm tôi mong một cái tết không phải nhìn mặt người khác mà buồn vui - Ảnh minh họa |
Ly hôn rồi mọi thứ rất khác. Tôi phải đi làm sát tết mới nghỉ, con tôi đã về quê rất sớm với ngoại, nên tôi không phải vội, cứ từ từ mà mua. Tùy theo kinh tế mà mua sắm, có ít thì mình mua ít, không phải lo lắng, căng thẳng bất cứ điều gì, không cần phải đủ trà, bánh hay mứt, bia các loại. Tôi chỉ mua các món con thích để con ăn mấy ngày tết.
Mà thật ra, con tôi giống tôi nên cũng không thích mấy món truyền thống. Bánh chưng, giò chả, thịt đông, gà luộc... cũng ăn 1 buổi, 1 ngày rồi ngán. Tết này thực đơn của chúng tôi rất đơn giản: Mùng Một thì cơm, mùng Hai thì cháo, mùng Ba thì bún, con tôi thèm mì gói. Ừ thì, tết mà, thích gì thì chiều mình nấy. Thế là trưa mùng Ba, mấy mẹ con ăn mì gói theo yêu cầu của con.
Tết, trong trí nhớ của tôi khi còn trong hôn nhân là những trận cãi vã, tủi thân vì tôi muốn đi chơi mà chồng cũ tôi lại không thích. Anh thích nằm nhà xem ti vi vì ngại mang 2 con nhỏ quá ra đường. Có hôm, tủi thân tôi khóc ngay từ mùng Ba tết vì đi sang nhà em chồng, ngang đường hoa Phú Mỹ Hưng mà anh nhất quyết không dừng xe để mấy mẹ con chụp hình tết.
Tết này, ba mẹ con tôi không đi đâu vì dịch bệnh. Nhưng chúng tôi rất vui, vì con được chơi thỏa thích. Gần nhà tôi có công viên cát, dưới sân chung cư lại có công viên nhỏ. Sáng bọn trẻ ăn sáng xong đã tót đi chơi, trưa về ăn cơm, ngủ trưa, chiều lại chơi với chúng bạn.
Con bày ra đủ trò chơi, từ “đếm” bài, vì chưa biết đánh, biến gầm bàn thành lều, đọc sách, làm việc nhà… vì tôi không sắm tivi, nên ngày chủ nhật hàng tuần con được xem phim hoạt hình từ YouTube 1 tiếng, tết cũng không ngoại và các con cũng được xem vào ngày Chủ nhật.
Các việc nhà hàng ngày, ba mẹ con chia nhau. Con trai lớn phơi đồ, con trai nhỏ lau nhà, mẹ thì nấu ăn, quét nhà, việc rửa chén đã có máy rửa chén lo. Về cơ bản không phải nhọc vì nấu nướng linh đình, bạn bè chồng bù khú. Thời gian rảnh tôi nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim. Tôi cảm thấy mình thật... hạnh phúc vì mình ly hôn.
|
Gầm bàn làm việc của tôi nhanh chóng biến thành... cái lều cho con |
Chị Trà My (Bà Rịa) bạn tôi cũng vừa ly hôn năm đầu tiên. Thay vì ủ rũ vì gia đình tan vỡ, thì chị chọn một niềm vui khác hơn là về quê với mẹ, điều mà không phải năm nào chị cũng được tận hưởng. Con gái theo chị về ngoại, đến mùng Một thì anh chồng cũ đón về nhà nội. Chị có nguyên một cái tết tưng bừng, dẫu xa con nhưng chị tin rằng, con cũng cần có bố, và bố cũng cần con.
|
Chị My và bé Dâu trong ánh nắng nhà ngoại |
Nhà hàng xóm dẫu đang nhỏ tiếng, vẫn không thể không nghe tiếng tranh cãi. Thì cũng mấy việc, đi đâu chơi, ăn cái gì. Chị vợ vừa sinh thêm đứa nhỏ, con bé khóc oe oe, cậu con lớn hơn thì khóc to, ông chồng lại đang quát tháo cái gì. Thật ra thì cảnh ấy cũng không xa lạ gì với mấy lúc tôi còn có chồng.
|
Tết là mình phải vui! Ảnh bé Dâu chơi trong vườn của ngoại ngày tết |
Nếu nói về áp lực khi phải chăm sóc, nuôi dạy con một mình thì chắc chắn mẹ đơn thân nào cũng phải mang. Nhưng nhìn nhận một điều tích cực, 2 người chia tay, không chỉ 4 người hạnh phúc, nếu tính thêm những đứa con, cha mẹ, anh chị, số người hạnh phúc còn nhiều hơn. Tôi luôn mong có một gia đình đúng nghĩa, một căn nhà mà tôi có đủ quyền quyết định, không khép nép, không sợ hãi, muốn gì cũng phải xin, phải chờ cái gật đầu từ một người gọi là chồng.
Tôi nghĩ, ít nhất với tôi, ly hôn là lựa chọn đầu tiên tôi làm cho mình, dù phải đấu tranh rất nhiều, nhưng tôi cho là xứng đáng, ít nhất là để tận hưởng những cái tết nhẹ nhàng, vui vẻ thế này đây.
Kim Ngọc (Quận 8, TPHCM)