Tại sao phụ nữ luôn bị ngược đãi bằng lời?

01/04/2022 - 10:59

PNO - Tại sao luôn là phụ nữ? Tại sao phụ nữ là “đối tượng” bị ngược đãi bằng lời nhiều nhất? Tôi nhớ từ rất nhỏ, mình đã luôn bị họ hàng cả nội lẫn ngoại đánh giá “vừa đen vừa xấu”, “trán vồ, mắt lộ”, “mũi xẹp lại gãy”, “nó con nuôi hay sao mà không giống chút gì các anh trai”…

Chị bạn tôi kể lại câu chuyện của mình trên Facebook, nhân chuyện diễn viên Will Smith tát Chris Rock tại lễ trao giải Oscar năm nay. Chị kể lúc chị bị ung thư, khi đang ở bệnh viện, tinh thần bối rối thì nhận điện thoại của người bạn. Chị vui mừng bắt máy, nào ngờ bạn hỏi liền: “Trọc đầu chưa?”.

Biết bạn không ác ý, chị đã tha thứ. Nhưng nay đọc tin Will Smith không thể kiềm chế hành động bạo lực ngay ống kính truyền hình trực tiếp, chỉ vì quá bức xúc với lời bình luận khiếm nhã về cái đầu trọc của vợ anh, chị thấy lại cảm giác tổn thương của mình. Hóa ra nó không tan.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tôi cũng nhớ lại cảm giác của chính mình lúc nhận tin mình mang bệnh ung thư: sụp đổ, bất lực. Khi đó, chị bạn đồng nghiệp mà tôi báo tin đầu tiên đã siết tay tôi thật chặt. Chị nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Em làm được mà!”, ngắn gọn nhưng đầy sự tin tưởng. Chị đã khiến tôi tin vào bản thân hơn.

Hóa trị khiến tóc tôi rụng sạch. Hầu hết nhóm phụ nữ cùng đợt chữa trị với tôi đều nghỉ việc không lương để xong phác đồ, bởi ai cũng sợ những lời bình luận, nhận xét, tò mò của đồng nghiệp có thể khiến họ không đủ sức để chịu đựng.

Nhiều chị đã tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi biết tôi vẫn “tỉnh queo” đi làm và duy trì mọi sinh hoạt bình thường nhất có thể. Các câu hỏi ào ạt tuôn ra: “Chỗ em làm không ai nói gì sao?”, “Thấy em đội khăn họ nói gì?”, “Chị không dám đi làm vì giờ thấy mình xấu xí thảm hại”…

Tại sao luôn là phụ nữ? Tại sao phụ nữ là “đối tượng” bị ngược đãi bằng lời nhiều nhất? Tôi nhớ từ rất nhỏ, mình đã luôn bị họ hàng cả nội lẫn ngoại đánh giá “vừa đen vừa xấu”, “trán vồ, mắt lộ”, “mũi xẹp lại gãy”, “nó con nuôi hay sao mà không giống chút gì các anh trai”…

Những nhận xét về cơ thể mình từ miệng người lớn khiến đứa con nít là tôi tủi thân vô cùng. Đáng sợ hơn, tôi nghiễm nhiên nghĩ mình là đứa con xấu xí và dở hơi, là gánh nặng của ba má. Tôi đã từ chối việc kết bạn những năm học cấp II - III vì nghĩ mình không xứng đáng, tôi khổ sở và đầy ghen tỵ với những bạn gái khác.

Mãi đến lúc kết thúc phổ thông, có cậu bạn đã nói: “Bạn biết bạn dễ thương và hay ho lắm không? Nhưng vì bạn luôn né tránh nên các bạn trai trong lớp không ai dám nói thích bạn. Mình biết có người rất thích…”.

Lời chân thành của cậu bạn làm tôi nhìn lại mình, tập tự tin hơn. Như một đứa trẻ học đi chập chững, nhiều lần mất tự tin, bị xô ngã cho đến lúc nhận ra rằng “cơ thể mình không đến nỗi nào” là cả một quá trình cố gắng rất dài, rất khó khăn để vượt qua.

Mãi sau này, chuyện “body shaming” (miệt thị ngoại hình người khác) được đề cập đến nhiều hơn. Nhiều phụ nữ phá hủy sức khỏe bản thân và vắt kiệt tinh thần để đu theo những tiêu chuẩn của truyền thông và xã hội. Những phụ nữ xung quanh tôi đã từng rất sợ hãi, chỉ biết cúi đầu khi ngoại hình của mình bị ai đó đem ra bông đùa, mỉa mai, cố tình một cách ác ý.

Như có lần dự tiệc đứng, một bạn gái đã bật khóc chạy ra khỏi bữa tiệc chỉ vì lời “vô tư” của đồng nghiệp: “Nhìn em ăn biết ngay vì sao em phốp pháp đến vậy”. Những tiếng cười rộ hưởng ứng làm cho vết thương càng sâu, tệ hơn và những ai có mặt trong bữa tiệc đều trở thành đồng phạm. Sau đó, bạn gái nọ đã xóa gần hết các mối quan hệ từng có, cả những người trước đây từng là bạn bè thân thiết.

Việc “gắn chuẩn” cho phụ nữ luôn đẩy họ vào thế phải chịu đựng khiếm khuyết cơ thể: quá mập, quá ốm, đen, phẳng lì, ngồn ngộn… Việc “gắn chuẩn” cho phụ nữ bắt họ phải trở thành tượng đài trong mắt người khác như ngoan, hiền, xinh đẹp, dịu dàng… Và rồi ai lỡ vượt chuẩn đều có khả năng trở thành đối tượng bị chỉ trích.

Với phụ nữ, dũng cảm lật bỏ sự méo mó mà người khác nhìn vào mình, tận hưởng sự tôn trọng mà mình xứng đáng nhận được là một nỗ lực đầy đau đớn. Vết thương của sự tổn thương mãi không bao giờ lành, nên đừng chém nhau chí mạng bằng lời. 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI