Sử dụng vắc-xin bừa bãi, chủng dịch tả heo châu Phi mới xuất hiện ở Trung Quốc

22/01/2021 - 12:19

PNO - Những người trong ngành cho biết, một dạng dịch tả heo châu Phi mới được xác định tại các trang trại nuôi heo Trung Quốc rất có thể là do vắc-xin bất hợp pháp gây ra.

Yan Zhichun - Giám đốc khoa học của công ty New Hope Liuhe - cho biết, 2 chủng dịch tả heo châu Phi mới đã lây nhiễm hơn 1.000 con heo giống tại một số trang trại thuộc sở hữu của New Hope Liuhe - nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 4 của Trung Quốc, cũng như nhiều con heo được các nông dân hợp đồng nuôi bán cho công ty.

Mặc dù các chủng này - thiếu 1 hoặc 2 gen quan trọng có trong virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi hoang dã - không giết chết heo như căn bệnh đã tàn phá các trang trại của Trung Quốc vào năm 2018 và 2019, chúng gây ra tình trạng mãn tính làm giảm số lượng heo con khỏe mạnh.

Giai đoạn Tết Nguyên đán đến gần, việc chủng dịch tả heo mới xuất hiện là một vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng đến thị trường thịt heo
Tết Nguyên đán đến gần, việc chủng dịch tả heo mới xuất hiện  có thể ảnh hưởng đến thị trường thịt heo

Tại New Hope và nhiều hộ chăn nuôi lớn, những con heo nhiễm bệnh được tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan, khiến căn bệnh này gián tiếp gây tử vong.

Mặc dù hiện nay số trường hợp nhiễm bệnh đã giảm, nhưng nếu các chủng mới lây lan rộng rãi, chúng có thể làm giảm sản lượng thịt heo ở quốc gia sản xuất và tiêu dùng hàng đầu thế giới; 2 năm trước, dịch tả heo đã quét sạch một nửa đàn heo 400 triệu con của Trung Quốc.

Giá thịt heo vẫn ở mức kỷ lục và Trung Quốc đang chịu áp lực tăng cường an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tái bùng phát.

Ông Yan cho biết: “Tôi không biết căn bệnh đến từ đâu, nhưng chúng tôi nhận thấy một số trường hợp nhiễm trùng nhẹ do một số loại virus được xóa gen gây ra”.

Wayne Johnson - bác sĩ thú y tại Bắc Kinh - cho biết, ông đã tìm thấy một dạng bệnh tả mãn tính, ít gây chết ở heo vào năm ngoái. Virus này thiếu các thành phần di truyền nhất định, được gọi là gen MGF360. Riêng New Hope đã tìm thấy các chủng virus thiếu cả gen MGF360 và gen CD2v.

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc xóa một số gen MGF360 khỏi virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi có thể góp phần rèn luyện khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, loại virus đã biến đổi không được phát triển thành vắc-xin vì sau đó nó có xu hướng quay về trạng thái có hại.

Lucilla Steinaa - nhà khoa học chính tại Viện nghiên cứu International Livestock (Nairobi, Kenya) - cho biết: “Bạn có thể xâu chuỗi những thông tin trên, việc xóa gen 2 lần giống hệt như mô tả trong phòng thí nghiệm, đó khó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vì bạn sẽ không bao giờ có được tỷ lệ chính xác đó trong tự nhiên”.

Trung Quốc là nơi sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới
Trung Quốc là nơi sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới

Không có vắc-xin nào được phê duyệt cho bệnh dịch tả heo châu Phi. Nhưng nhiều nông dân Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ đàn heo của mình bằng việc sử dụng các sản phẩm không được chấp thuận. Những người trong ngành và các chuyên gia lo sợ vắc-xin bất hợp pháp đã tạo ra các ca bệnh mới, và hiện đang lây lan.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters, nhưng đã đưa ra ít nhất 3 cảnh báo chống lại việc sử dụng trái phép vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, rằng chúng có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng và người sản xuất lẫn người sử dụng đều có thể bị buộc tội hình sự.

Vào tháng 8, Bộ cho biết họ sẽ kiểm tra heo để tìm các chủng virus khác nhau như một phần của cuộc điều tra toàn quốc về việc sử dụng vắc-xin bất hợp pháp. Bất kỳ chủng virus nào bị xóa bớt gen đều có thể cho thấy một loại vắc-xin đã được sử dụng. Cho đến nay, chưa có kết quả nào được công bố về vấn đề này, vốn rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Báo cáo về các đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi gần đây phần lớn đều được che đậy.

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI