Sinh đủ hai con khó lắm!

23/10/2017 - 10:16

PNO - Với câu hỏi đơn giản “vì sao anh chị không sinh đủ hai con?”, tôi nhận lại 1001 câu trả lời với 1001 nguyên do nhưng có thể tóm gọn: “lười đẻ, ngán nuôi dạy”.

Dư luận đang xôn xao câu chuyện nhiều vùng trong nước mức sinh quá thấp, ảnh hưởng không tốt lên cơ cấu dân số, báo hiệu một tương lai gần của Việt Nam: dân số già đi liền với không đủ lực lượng lao động và tăng gánh nặng phúc lợi xã hội.

Trên các ngả đường TP.HCM, chúng ta có thể gặp nhiều tấm pano “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ hai con!”, nhưng trong từng gia đình, điều đó không hề dễ.

Sinh du hai con kho lam!
Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc khuyến khích mỗi cặp vợ chồng ở TP.HCM sinh đủ hai con

Lười đẻ, ngán nuôi dạy

Với câu hỏi đơn giản “vì sao anh chị không sinh đủ hai con?”, tôi nhận lại 1001 câu trả lời với 1001 nguyên do nhưng có thể tóm gọn: “lười đẻ, ngán nuôi dạy”. 

Chị Minh Anh (kế toán, ngụ Q.1, TP.HCM) mang thai một cặp song sinh trai ngay trong năm đầu kết hôn. Một trong hai bé bị sự cố lúc sinh, đã qua đời, anh chị nuôi đứa còn lại đến nay được sáu tuổi mà vẫn chưa rục rịch chuyện bầu bí dù kinh tế khá giả.

Nhắc đến sinh đứa nữa, chị nhăn: “Sinh một đứa ớn rồi! Thai yếu phải nằm dưỡng, vượt cạn “trần ai”, đẻ ra không tìm được vú nuôi, ông bà hai bên thì ở dưới quê, lại già yếu. Con thì èo uột, nay ốm mai đau. Chị sinh xong bể phoọc, tập thể dục thẩm mỹ mãi mới lấy lại dáng”. Chị đùa, đã từng giục ảnh “ký gửi” cho bà nào khác, chị không kiện. 

Sinh du hai con kho lam!
 

Facebook nối nhịp cầu cho chị Ngọc Hương gặp lại anh giám đốc nơi chị đến thực tập gần hai mươi năm trước. Tình cảm nảy nở khi chị Ngọc Hương quá lứa lỡ thì còn anh là gà trống nuôi hai con. Khi chớm yêu và chuẩn bị tiến xa, anh tuyên bố thẳng là không muốn có thêm con vì anh đã lớn tuổi, việc kinh doanh không còn thuận lợi.

Anh cũng không thể quan tâm, chăm sóc, đưa rước đi học nổi cho “hai dòng” con. Vả lại, anh ngán ngẩm cảnh con anh con em mâu thuẫn, bất hòa… Lời anh chân thành nhưng không khỏi khiến chị Hương chạnh lòng. “Anh có con rồi, còn em thì sao?” - chị thầm nghĩ mà tủi, nhưng vì yêu, cuối cùng chị cũng chấp nhận.

Tưởng anh nói vậy thôi, nào ngờ trong đời sống chăn gối, anh kiểm soát gắt gao… “đầu ra”. Lỡ có sự cố với cái vòng tránh thai hay bao cao su, anh liền giục chị uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Chị buồn giận nghĩ mình như phận vợ bé, nhưng biết làm sao với cảnh ngộ của mình.

Chồng đỡ đần, vợ… đẻ đủ

Cùng với nguyên nhân kinh tế, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… đặc thù nghề nghiệp cũng cản ngại không ít cho người phụ nữ thực hiện hai lần thiên chức của mình. Diễn viên Mỹ Dung chia sẻ, người nghệ sĩ hay đi sớm về khuya, có khi phải xa nhà nhiều ngày, thu nhập không ổn định, thời gian dành cho gia đình và con cái không nhiều.

Vì vậy, khi sinh đứa con thứ nhất, không có người trông bé, chị đã tốn rất nhiều thời gian, bỏ nhiều công việc và thu nhập, mất cả năm trời để ở nhà chăm sóc bé. Khi trở lại phim trường, chị cũng phải tốn thêm thời gian gầy dựng lại các mối quan hệ.

Đi quay, diễn xa thì lại lo lắng cho bé, khó tập trung và không yên tâm. Rất nhiều lý do để chị ngần ngại sinh thêm một đứa nữa. Anh chị thống nhất: “Khi chỉ có một đứa con thì cố gắng nuôi con khỏe mạnh, lo cho nó đầy đủ, ăn học thành tài là vui rồi!”. 

Sau này khi công việc ổn định, con ngày một lớn, cả gia đình quây quần, chị cảm nhận không khí nhà mình có vẻ không náo nhiệt như những gia đình khác. Lúc đó mới thấy sinh một đứa con ít thật, “phải chi con có chị có em” nhưng lúc còn sức khỏe thì công việc chưa ổn định.

Tuy nhiên, không vì thế mà không khí gia đình, tình cảm vợ chồng kém vui. Bởi ý thức, sự quan tâm, tình yêu thương của vợ chồng, con cái sẽ gắn kết gia đình lại với nhau.

Diễn viên Mỹ Dung cho rằng: “Để một cặp vợ chồng yên tâm sinh đủ hai con thì cả hai phải bàn bạc với nhau, tận dụng cơ hội làm việc, tích lũy một khoản tiền nhất định, tìm người giúp trông trẻ và phải cùng nhau thu xếp thời gian để chăm sóc trẻ, chăm sóc nhau. Người chồng hỗ trợ, đỡ đần việc nhà cho vợ. Công ty, đơn vị công tác của người phụ nữ nên hỗ trợ về chế độ thai sản, thời gian nghỉ sinh, lương ổn định, tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc để họ có thể yên tâm chăm sóc con cái. Được hỗ trợ, quan tâm, động viên từ nhiều phía, người phụ nữ mới “dám” sinh đủ hai con”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI