Quyền được thi trượt

02/08/2017 - 16:38

PNO - Trước mỗi biến cố của cuộc sống, 90% diễn biến sau đó là do sự lựa chọn của chính chúng ta quyết định, chỉ 10% là ảnh hưởng từ bản thân biến cố và những yếu tố liên quan.

Đã là thi thì luôn có đỗ và trượt. Vậy nên, trượt cũng là một quyền của thí sinh. Trong bài phát biểu tại Trường ĐH Harvard, Mark Zuckerberg - ông chủ facebook đã nói, ông coi thành công lớn nhất là có được quyền tự do thất bại. Nhưng hiện nay nhiều người vẫn không chấp nhận lẽ tất nhiên này.

Quyen duoc thi truot
Rèn bản lĩnh cho con từ nhỏ

Thi trượt cũng là... một món quà

Trước mỗi biến cố của cuộc sống, 90% diễn biến sau đó là do sự lựa chọn của chính chúng ta quyết định, chỉ 10% là ảnh hưởng từ bản thân biến cố và những yếu tố liên quan. Cha mẹ nhìn nhận việc thi trượt như thế nào sẽ ảnh hưởng lên tâm trạng của con.

Cần giúp con hiểu, thất bại chính là một món quà và cuộc sống vừa tặng ta món quà… thi trượt, ta nhấc nó lên và đau khổ hay ta bỏ nó xuống, chấp nhận việc có nó và bước tiếp, nỗ lực để tìm hướng đi thích hợp là do ta lựa chọn, quyết định. Điều này phụ thuộc vào sự mạnh mẽ, sự tự tin của con. Chấp nhận chính mình, chấp nhận cả ưu và nhược, thành công và thất bại… là biểu hiện của sự tự tin. 

Một đứa trẻ tự tin sẽ có sức mạnh nội lực để chấp nhận thất bại và bước tiếp, sẽ không sợ lời bình phẩm, chê bai sau cú trượt. Trẻ nhìn lại chính mình, rút ra những kinh nghiệm vì sao thất bại và nỗ lực thay đổi để “thua keo này bày keo khác”, đi đường thẳng không được ta tìm đường nhánh khác để đi. Cần nhắc con nhớ, đại học không bao giờ là con đường duy nhất thành công. Nhiều tấm gương người thành đạt đã từng trượt đại học nhưng ra đời họ thành công hơn người khác. 

Đối mặt với thi trượt

Trước biến cố thi trượt, trẻ sẽ u sầu chán nản, chán sống hay mỉm cười, chấp nhận thất bại, rút ra bài học rồi lập mục tiêu mới, kế hoạch mới và thực hiện nó? Quyền tự do lựa chọn suy nghĩ, cảm xúc, hành động thuộc về trẻ. Nhưng tất nhiên để trẻ ra quyết định đúng, rất cần sự trợ giúp của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. 

Nhắc trẻ rằng con có một người bạn cực quý giá, đó là thời gian, để cân bằng cảm xúc, nhìn lại, chấp nhận chính mình. Cứ để cho trẻ khóc, làm bất cứ gì cho vơi nỗi buồn cứ làm, miễn không ảnh hưởng đến ai. Đọc sách, xem phim, đi chơi, đi làm, học một môn năng khiếu mới, chơi một môn thể thao hay tính đến đổi mục tiêu mới đi học nghề… Tất cả đều có thể giúp trẻ đẩy lui những cảm xúc tiêc cực …

Rèn bản lĩnh cho con từ nhỏ

Cha mẹ hãy chấp nhận con, tôn trọng con, giúp con xây dựng bản sắc cá nhân từ khi con bắt đầu nhận biết mình là ai, đó là khi trẻ biết nói không, thường là ở độ tuổi lên ba. Cha mẹ lắng nghe con, ghi nhận khen ngợi những gì con làm, con nói, khuyến khích con đóng góp khả năng của mình qua các hoạt động tự chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác… Con tự lập sẽ tự tin. Quan trọng hơn cả là sự tự lập trong suy nghĩ, tình cảm. 

Nếu cha mẹ bắt con vâng lời vô điều kiện, con sẽ ngày càng mặc cảm và đánh mất cá tính. Cha mẹ kìm nén cảm xúc tiêu cực của con, cấm con khóc, la mắng, đánh con sẽ khiến trẻ ngày càng chai lì nhưng yếu ớt về tinh thần. Cha mẹ chiều chuộng con, khen con lên mây, vẽ ra những viễn cảnh kỳ vọng con đạt được cũng là sai lầm nên tránh, cách dạy như vậy cũng khiến trẻ như một trái bóng bay, mong manh dễ vỡ. Đến lúc thi trượt hay gặp bất kỳ một thất bại nào, trẻ dễ suy sụp, buông xuôi.

Sức mạnh nội tâm của con rất cần được cha mẹ vun đắp từ bé để trẻ cứng cỏi, mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời chứ không chỉ là chuyện thi trượt. 

(Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI