Phẫu thuật nội soi 2 cổng điều trị thoát vị đĩa đệm

29/11/2022 - 06:18

PNO - Kỹ thuật này được phát triển khoảng 10 năm gần đây và ngày càng được ưa chuộng ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Rất nhiều người bị đau lưng, hạn chế vận động, khi đi khám thì được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thôi (Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) để giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thôi đang mổ nội soi một ca thoát vị đĩa đệm - ẢNH: N.M.T.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thôi đang mổ nội soi một ca thoát vị đĩa đệm - Ảnh: N.M.T.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu nhận biết tình trạng thoát vị đĩa đệm? 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thôi: Thoát vị đĩa đệm là thuật ngữ miêu tả một bệnh lý ở cột sống khi đĩa đệm bị lệch, trượt làm rách bao xơ khiến phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài gây ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống ở khu vực gần đó. Hai dạng thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Khi bị thoát vị đĩa đệm, tùy vị trí mà bệnh nhân có các triệu chứng điển hình. Ở giai đoạn đầu, người bệnh gần như không cảm thấy gì bất thường. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng ở mức độ tăng dần như đau nhức, tê bì tay chân, rối loạn cảm giác, yếu cơ, bại liệt…

Đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm là người cao tuổi (quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể); người bị chấn thương do tai nạn; người thừa cân béo phì; người có đặc thù nghề nghiệp hay phải ngồi nhiều (làm việc văn phòng); người thường xuyên sử dụng bia rượu, thuốc lá, căng thẳng quá mức, ăn uống thiếu chất. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân được cho là có liên quan tới tình trạng thoát vị đĩa đệm.

Nếu thoát vị đĩa đệm không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ đối diện với các biến chứng nặng nề. Nếu bệnh đã tiến triển ở giai đoạn thoát vị đĩa đệm thực thụ, thoát vị đĩa đệm có mảnh rời sẽ ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở cột sống gây đau nhức, hạn chế vận động. Ngoài ra, người bị thoát vị đĩa đệm còn có thể bị biến chứng rối loạn đi tiêu, tiểu vì các dây thần kinh ở vùng thắt lưng bị tổn thương khiến rối loạn cơ tròn. Không chỉ thế, người bị thoát vị đĩa đệm còn hay cảm thấy nóng lạnh bất thường, rối loạn cảm giác, teo cơ và nặng nhất là tàn phế.

* Thưa bác sĩ, hiện nay, những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm nào được lựa chọn 
nhiều nhất?

- Hiện có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm. Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau nhức tay chân, khó cúi lưng… thì nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Việc điều trị bằng phương pháp nào tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, tránh các tư thế không phù hợp… Tuy nhiên, khi bệnh đã vào giai đoạn nghiêm trọng, bệnh nhân cần được phẫu thuật để điều trị. 

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm bao gồm mổ hở, vi phẫu, mổ nội soi và hợp nhất cột sống. Trong đó, phẫu thuật nội soi 2 cổng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã được Bệnh viện Đại học y dược TPHCM triển khai rất thành công. 

Mới đây, thêm một trường hợp vừa được chúng tôi điều trị thoát vị đĩa đệm thành công bằng kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng. Nam bệnh nhân Đ.V.T. (43 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) bị đau vùng lưng rồi lan ra chân trái khoảng hơn 1 năm nay. Bệnh nhân đã uống thuốc và tập vật lí trị liệu nhưng chẳng những tình trạng không giảm mà các cơn đau ngày càng tăng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc.

Anh đã đến Phòng khám Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM. Sau khi thăm khám và cho bệnh nhân chụp MRI cột sống thắt lưng, bác sĩ chẩn đoán anh T. bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng L4-5, có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi 2 cổng để lấy nhân đệm. Sau khoảng 40 phút, bác sĩ đã lấy ra được mảnh thoát vị rất lớn, giải phóng rễ thần kinh cho bệnh nhân hoàn toàn.

Tỉnh dậy sau ca mổ, anh T. cảm thấy chân trái gần như hết đau, vết mổ ít đau, có thể xoay trở dễ dàng. Ngày thứ nhất sau mổ, bệnh nhân đã tự đi lại bình thường và xuất viện trong ngày.

* Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về kỹ thuật phẫu thuật nội soi 2 cổng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?

- Phẫu thuật nội soi 2 cổng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một phẫu thuật cột sống được thực hiện thông qua 2 điểm rạch nhỏ cỡ 4 - 8mm trên da vùng lưng người bệnh. Qua các điểm này, ống kính nội soi và dụng cụ phẫu thuật sẽ đi qua da rồi đến đĩa đệm cột sống bị hư để tiến hành giải phóng dây thần kinh khỏi sự chèn ép do thoát vị đĩa đệm. 

Kỹ thuật này được phát triển khoảng 10 năm gần đây và ngày càng được ưa chuộng ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tại Việt Nam, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM là nơi đầu tiên triển khai vài năm nay và đạt được những kết quả vô cùng khả quan trên các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có chỉ định phẫu thuật.

 Để phòng ngừa tái phát thoát vị đĩa đệm sau phẫu thuật, hạn chế tối đa bia rượu, thuốc lá và giữ cho mình không bị căng thẳng quá mức
Để phòng ngừa tái phát thoát vị đĩa đệm sau phẫu thuật, cần hạn chế tối đa bia rượu, thuốc lá...

* Thưa bác sĩ, những điểm vượt trội của kỹ thuật phẫu thuật nội soi 2 cổng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng so với các kỹ thuật mổ điều trị thoát vị đĩa đệm khác là gì?

- Phẫu thuật nội soi 2 cổng mang đến rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Đầu tiên, kỹ thuật này hiệu quả với tất cả các loại thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh kiểu thoát vị sau, bên và trung tâm dễ được lấy bỏ bằng phương pháp mổ hở, thoát vị di trú lên cao hoặc xuống thấp, thoát vị ở lỗ liên hợp và ngoài lỗ liên hợp rất khó lấy bằng phương pháp mổ hở bởi phải cắt bỏ nhiều xương và phần mềm mới bộc lộ được khối thoát vị. Trong những tình huống khó khăn này, phẫu thuật nội soi có thể dễ dàng lấy được khối thoát vị mà không phải hy sinh xương và phần mềm như mổ hở.

Thêm nữa, kỹ thuật này rất an toàn đối với các cấu trúc thần kinh khi thao tác. Dưới hình ảnh của ống kính nội soi, các cấu trúc thần kinh được phóng đại lên nhiều lần sẽ giúp bác sĩ phân biệt rõ ràng với các cấu trúc khác như đĩa đệm, mạch máu. Từ đó, bác sĩ sẽ thao tác chính xác và an toàn, tránh được các tổn thương không đáng có trong quá trình phẫu thuật.

Ngoài ra, phẫu thuật nội soi 2 cổng ít đau và có tính thẩm mỹ hơn so với kỹ thuật mổ hở truyền thống do đường rạch da nhỏ, không phải cắt cơ hay vén lâu. Thời gian hậu phẫu, bệnh nhân có thể tập vận động sau mổ nhanh, từ đó mau hồi phục hơn.

Rút ngắn thời gian hồi phục sau mổ là một trong những mục tiêu các phương pháp ngoại khoa đang cố gắng đạt được. Với kỹ thuật này, trung bình khoảng 1 ngày nằm viện sau mổ nội soi lấy nhân đệm, bệnh nhân có thể xuất viện. Chi phí của kỹ thuật này cao hơn so với các kỹ thuật truyền thống do sử dụng hệ thống nội soi và đầu đốt cầm máu nội soi.

Đa số trường hợp được điều trị thoát vị đĩa đệm đều khỏi nhưng vẫn có tình trạng tái phát. Để phòng ngừa tái phát thoát vị đĩa đệm sau phẫu thuật, mọi người nên tuân thủ những nguyên tắc trong sinh hoạt và làm việc.

Cụ thể, không nên mang vác nặng; cố gắng ngồi ở tư thế thẳng lưng; duy trì cân nặng ở mức hợp lý; hạn chế tối đa bia rượu, thuốc lá và giữ cho mình không bị căng thẳng quá mức. Đau nhức do thoát vị đĩa đệm rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng đau lưng do mỏi cơ thông thường, từ đó người bệnh chủ quan bỏ qua khiến bệnh không được phát hiện sớm. Vì thế, khi thấy các biểu hiện bất thường, mọi người cần đi khám để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI