Chỉ đường cho hươu…

Phải làm gì khi người bạn hay nói "muốn chết"

18/04/2022 - 12:14

PNO - Bạn con hay nói từ “muốn chết”: chán muốn chết, tức muốn chết, đau muốn chết rồi cho con coi tin tức về các vụ tự sát. Con phải làm sao đây?

Nhỏ ngồi chung bàn với con hồi lớp Chín có cha mẹ ly hôn. Bạn là báu vật của mẹ. Mẹ luôn dạy bạn sống quật cường, phải học giỏi “để nhà nội không coi thường mẹ con mình”, “để ba phải hối hận”, “để mẹ hãnh diện”… Sức học chỉ thuộc loại khá nên bạn ấy chỉ biết lấy “cần cù bù khả năng”.

Gần đây, bạn hay nói từ “muốn chết”: chán muốn chết, tức muốn chết, đau muốn chết rồi cho con coi tin tức về các vụ tự sát bằng túi ni-lông, khí gas, thuốc ngủ, nhảy lầu… Con thấy đáng ngờ quá!

(Một nữ sinh lớp 11 giấu tên)

Gửi nữ sinh đang bối rối,

Tự sát ở tuổi học trò là nguyên nhân gây tử vong ở lứa tuổi 15 - 19 hàng thứ hai hoặc thứ ba sau tai nạn giao thông theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều đáng lo ngại là con “vi-rút tự tử” có thể lây lan sang bạn bè của người tự sát.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố, năm 2020, do COVID-19, thế giới có hơn 1,5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng từ việc trường học bị đóng cửa, phải đối diện với nhiều nguy cơ bất đồng từ các mối quan hệ trong gia đình khi tất cả đều ở nhà và vấn nạn bắt nạt trên mạng khi mọi hoạt động giao tiếp với bên ngoài của trẻ em chỉ có thể diễn ra trên mạng. Báo cáo cho biết, mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên trên thế giới chết do tự tử, để mong chấm dứt trạng thái đau khổ, tuyệt vọng, không thiết sống nữa. Có thể đối tượng đã lên kế hoạch tỉ mỉ nhưng cũng có thể ý nghĩ tự sát mới ập đến trong đầu ít phút trước đó.

Theo vài nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Điều đáng chú ý, phần lớn học trò tự tử đều do hội chứng trầm cảm, đến từ nhiều nguyên nhân: 

- Áp lực học hành, thi cử: sự đôn đốc, kèm cặp của cha mẹ không phải là động lực mà thành áp lực đè nặng lên tâm lý cảm xúc, những lời động viên hóa thành răn đe. Trẻ đặt kỳ vọng quá cao, vượt quá thực lực bản thân. Trẻ không biết chấp nhận thua. 

- Gia đình “có vấn đề” như bố mẹ ly hôn, đi tù; bạo hành bạn đời hoặc con cái; trẻ bị đánh đòn, chửi mắng trước đám đông, tức tối vì cha mẹ đối xử bất công giữa anh chị em.

- Bản thân gặp khó khăn trong quan hệ bạn bè, bị tẩy chay, bắt nạt, vu oan, thất tình, lạm dụng tình dục… Trẻ cảm thấy bị cô lập, đe dọa, tổn thương lòng tự trọng.

- Thiếu kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc và giao tiếp ứng xử nên khi gặp xung đột, mất kết nối trong gia đình thì bất lực, bế tắc, không biết cách xử lý.

- Trẻ mắc bệnh tâm thần hoặc các rối loạn khác ảnh hưởng đến não bộ; gia đình từng có người bị tâm thần hoặc tự tử.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Cháu hãy theo sát bạn, cần nghi ngờ bạn ấy có ý định tự tử nếu thấy các biểu hiện:

- Bi quan buồn chán, đánh giá thấp về bản thân (nghĩ mình tồi tệ, mặc cảm kém cỏi, xem bản thân là kẻ thất bại); hay tủi thân, chạnh lòng; than đau đầu, đau bụng hoặc đau… đủ thứ trên người; mất ngủ hoặc ngủ li bì suốt ngày, ăn vô độ hoặc “tuyệt thực”…

- Cất giấu những “món đồ của thần chết” như thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, dây thừng, lưỡi lam…

- Hành tung đáng ngờ: nói “gở miệng” với bạn bè; bỗng dưng lên đồ đẹp, “lột xác” sau thời gian dài tự nhốt mình, sa sút tinh thần; tìm hiểu các video độc hại trên YouTube hướng dẫn những cách thức “trải nghiệm cận tử” (hít khí gas, tự làm ngạt bằng túi bóng); viết thư tuyệt mệnh hoặc đăng status đầy ẩn ý trên mạng xã hội; tự hủy hoại bản thân (rạch tay, gí điếu thuốc lá đang cháy vào da thịt, đập đầu vào cửa kính…); tham gia nhóm kín có tư tưởng lệch lạc về cái chết trên mạng…

Cháu nên khuyên bạn đừng cố chịu đựng một mình mà hãy chia sẻ với người đáng tin cậy, nếu có mâu thuẫn với phụ huynh thì cũng nên nói ra. Hãy hiểu lòng cha mẹ! “Thâm niên làm cha mẹ” của đấng sinh thành cũng chỉ ngang ngửa thâm niên làm con của bạn ấy nên hai bên cần giúp nhau. Hãy cho bạn biết rằng bạn không đơn độc, bạn xứng đáng được yêu thương.

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI