Omicron xuất hiện, thế giới hối hả tiêm vắc xin, nước nghèo lại càng thiếu

08/12/2021 - 07:08

PNO - Nhu cầu tiêm ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã tăng khi biến thể Omicron xuất hiện. Điều này càng khiến cho các nước nghèo “khát” vắc xin hơn.

Biến thể mới xuất hiện, chính phủ các nước trên thế giới gấp rút tăng cường cung cấp vắc xin cho người dân khi các chuyên gia tỏ ra lo ngại rằng biến thể mới có thể làm lây lan COVID-19 nhanh hơn. Điều này càng khiến cho các nước đang thiếu vắc xin lại càng thiếu hơn. 

Tại Mỹ, sau khi các trường hợp Omicron đã được ghi nhận ở ít nhất 15 tiểu bang, các quan chức đã báo cáo về việc người dân xếp hàng dài chờ được tiêm vắc xin tại các phòng tiêm chủng. Tại Anh, số lượng người đi tiêm tăng khi Omicron xuất hiện và Bộ Y tế cũng cho phép rút ngắn thời gian tiêm mũi tăng cường từ sáu tháng xuống còn ba tháng đối với hầu hết người trưởng thành.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin COVID-19 tại một bệnh viện ở Kenya - ẢNH: AP
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 tại một bệnh viện ở Kenya - Ảnh: AP

“Omicron xuất hiện sẽ khiến các nước giàu tích trữ vắc xin nhiều hơn, thậm chí ít hào phóng hơn trong việc đóng góp cho cộng đồng thế giới vì họ để dành ưu tiên cho người dân nước mình. Với tình trạng này, chúng ta sẽ tiêm chủng cho thế giới như thế nào?”, tiến sĩ Madhukar Pai - nhà dịch tễ của Đại học McGill, Canada - đặt vấn đề.

Khi vắc xin bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2020, các chuyên gia y tế vào thời điểm đó cho biết, để chấm dứt đại dịch, cần 11 tỷ mũi tiêm theo phác đồ hai liều để tiêm cho 70% dân số toàn cầu. Ngày nay, đã có 8,14 tỷ mũi tiêm - 74% của mục tiêu 11 tỷ liều ban đầu - đã được thực hiện. Nhưng theo dữ liệu của Our World in Data, chỉ có 44% dân số trên thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi hơn 3/4 số người ở các nước giàu đã nhận được ít nhất một liều vắc xin, con số này chỉ là 6,2% đối với những người ở các nước thu nhập thấp, phần lớn ở châu Phi.

“Điều đó khiến thế giới có nguy cơ cao hơn về các biến thể mới, có khả năng nguy hiểm”, tiến sĩ Tom Frieden - cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ - nói.

Ngoài tình trạng thiếu vắc xin, các nước có thu nhập thấp cũng đang phải đối mặt với một loạt vấn đề khác về tiêm chủng cho người dân. Tiến sĩ Frieden cho hay: “Nguồn cung cấp vắc xin cho các vùng có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp là không thể đoán trước được. Các nước không biết mình sẽ có bao nhiêu liều vắc xin. Một số lô hàng khi đến nơi nhận thì thời hạn sử dụng còn rất ít”.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu các nước và các tập đoàn giàu có kiểm soát nguồn cung và công nghệ vắc xin trên thế giới không khẩn trương hành động để đảm bảo rằng các nước nghèo nhất nhận được sự trợ giúp cần thiết để tăng tỷ lệ tiêm chủng, thì đại dịch còn lâu mới kết thúc. Hôm 6/12, giáo sư Sarah Gilbert - người đồng sáng chế vắc xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca - cũng đã cảnh báo về khả năng xuất hiện một đại dịch khác đe dọa mạng sống của con người, có thể dễ lây lan và gây chết người hơn trừ khi các nước chủ động và ưu tiên cho nghiên cứu cũng như chuẩn bị để chống lại các mối đe dọa dịch bệnh mới. 

Bà Gilbert thúc giục các chính phủ tăng gấp đôi cam kết của họ đối với nghiên cứu khoa học và chuẩn bị cho đại dịch, ngay cả sau khi mối đe dọa của COVID-19 đã suy giảm. Đồng thời, bà nhấn mạnh các nước cần nâng cao cảnh giác và áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron cho đến khi có kết quả nghiên cứu sâu hơn về biến thể mới này. 

Thu Thanh 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI