Nửa đêm trực, nhớ con...

13/07/2021 - 06:00

PNO - Trong bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, mẹ thoăn thoắt đi lại giữa các dãy lầu để kịp thời phục vụ nhu cầu của các cô chú đang cách ly tập trung. Khi mọi thứ đã tạm ổn, mẹ thấm mệt, quay về phòng trực, định gọi điện về nhà cho con trai, mới hay đã nửa đêm rồi…

Mẹ yên tâm làm việc là nhờ con 

Mẹ đành ngắm nhìn con trong điện thoại và lần lại những dòng tin nhắn. Mẹ được bệnh viện phân công trực cách ly tại khách sạn, đồng nghĩa với việc không thể về nhà bên con trong thời gian này. Thành phố giữa khuya, yên ắng, tĩnh mịch, ai biết trong bộ đồ màu xanh bít bùng của cô điều dưỡng, có một người mẹ  nhớ con…

Con trai của mẹ chắc đã say giấc, con ở nhà một mình. Tuổi mười lăm đủ lớn để có thể tắt đèn, chốt cửa, tự bảo vệ nhưng chưa đủ lớn để không cần có mẹ trong nhà.

Lâu nay, trước giờ ngủ, mẹ con vẫn thường thủ thỉ với nhau đủ chuyện trên đời, bây giờ mẹ chỉ nhớ chứ không lo lắng. Tự lập, giỏi quán xuyến và luôn cười tươi, từng ngày từng giờ, con đã gửi đến cho mẹ món quà - sự an lòng.

Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Tâm luôn bên nhau
Con trai và chị Nguyễn Thị Thanh Tâm 

Mẹ quyết định điều gì cũng luôn được “chàng trai” ủng hộ. Con thường nói với các cô chú là đồng nghiệp của mẹ: “Có hai điều. Điều thứ nhất: mẹ luôn đúng. Điều thứ hai: nếu mẹ có sai thì cứ xem lại điều thứ nhất”.

Lạ thật, câu nói đùa của con lại giúp mẹ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, để thỏa khát vọng đem chút sức mình đóng góp cho cộng đồng, để chấp nhận mẹ con tạm chia cắt hai nơi cũng như không ngán ngại nguy cơ rủi ro khi làm nhiệm vụ trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Mẹ được ra tuyến đầu chống dịch như một người son rỗi, không hề vướng bận là nhờ con chững chạc, trưởng thành ở tuổi 15.

Từ bé, con đã biết tiếp sức cho mẹ

Tốt nghiệp THPT, thi trượt đại học, lấy chồng sinh con rồi đổ vỡ hôn nhân khi con mới hơn một tuổi, mẹ tạm giao con lại cho ông bà ngoại ở Hà Nội nuôi và vào thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) lập nghiệp, cũng để tìm quên những ký ức đau buồn.

Đành rằng có công việc nuôi sống bản thân đã là diễm phúc nhưng may đồ và bán hàng, bán hàng và may đồ, chuỗi ngày đó lặp đi lặp lại khiến mẹ cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, vô vị và sinh ra tâm lý bức bối, tự ti. Dù vậy, mẹ không hề có chí tiến thủ, không biết bản thân muốn gì hay bắt đầu từ đâu để thay đổi.

Lần đưa con từ Bắc vào, trong một buổi kèm con học chữ và phép tính chuẩn bị vào lớp Một, mẹ đã bất lực, rũ xuống khóc òa khi dạy mãi mà con không tiếp thu. Mẹ tuyệt vọng trước ý nghĩ con không thể theo kịp bạn bè trong lớp.

Vài giây trôi qua, con từ trạng thái bất ngờ, ngơ ngác đã chuyển sang đồng cảm, như thấy mình có lỗi, con vội ôm đầu mẹ áp vào ngực mình.

“Mẹ đừng khóc nữa. Sau này lớn lên, con đi làm sẽ nuôi mẹ” - con an ủi một câu tưởng chẳng ăn nhập gì với bối cảnh lúc đó, nhưng lại là liều thuốc thần nâng đỡ mẹ. Từ thuở bé, con đã biết cách tiếp động lực cho mẹ như thế.

Con lại quay về Hà Nội với ngoại vì mẹ không chắc bảo đảm cuộc sống và việc học tốt nhất cho con. Ngày trở lại Nha Trang không có con, mẹ bật khóc khi nghe con nghẹn ngào qua điện thoại: “Mẹ ơi, sao mẹ không chờ con…”.

Mẹ phải lén trốn con đi, mẹ sợ giọt nước mắt con làm mẹ không đủ dũng khí bước đi. Lúc ấy chắc con trai nhỏ của mẹ không biết rằng, mẹ đã gần như gục xuống nức nở, chắc con cũng không biết rằng, khi không ở gần con mẹ đã khóc nhiều như thế. 

Nhiều lúc ngồi một mình, mẹ tự hỏi: chục năm nữa, nếu cuộc sống của mình vẫn như thế này, liệu có ổn không? Có ổn không khi mẹ chưa bao giờ đưa con đi chơi ngày Chủ nhật, cũng chưa từng dạy con học, chưa từng đi họp phụ huynh cho con?

Mẹ lại trằn trọc, vẫn là những câu hỏi cũ rích nhưng thúc bách hơn, đau đáu hơn. Sau thời gian băn khoăn suy nghĩ, mẹ quyết định trở lại trường học để học trung cấp y. Vừa học vừa làm, thử thách trăm bề với một người mẹ đơn thân, học ngành y lại rất vất vả, tốn kém.

Kỷ niệm khó quên là mẹ đã đoạt giải nhất môn nội của trường vào năm thứ hai, dù ngày thi môn ấy, mẹ tới trễ đến 15 phút vì ngủ quên, vì mới làm xong việc lúc... hai giờ sáng. Chắc nhờ tâm lý vừa là chị cả, vừa là lớp trưởng, mẹ không thể để kết quả tệ hại mà luôn dẫn đầu lớp dù hằng ngày phải làm đến mười mấy tiếng đồng hồ.  

Hai mẹ con luôn bên nhau
Hai mẹ con thân nhau như đôi bạn

Mãi đến lớp Bốn, khi thực sự vào với mẹ, con đã là cậu trai độc lập, rành rẽ, có thể tự chạy xe đạp đi học, giặt quần áo, nấu ăn… Mẹ vẫn bận rộn lu bù với may đồ, bán hàng rồi về sau là làm việc ở nhà nghỉ.

Con trai của mẹ, con chính là người đã cho mẹ niềm tin vào bản thân và động lực để cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Mẹ lựa chọn ở bên con giữa vô vàn lựa chọn khác để có thể thay đổi cuộc sống riêng của mẹ.

Sau tốt nghiệp trung cấp y, nhiều người khuyên mẹ ra nước ngoài lao động, nhưng mẹ sợ con trải qua “tuổi nổi loạn” một mình mà không có mẹ ở bên. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn luôn muốn nói với con rằng, trong cuộc sống này, dù có bao nhiêu lựa chọn thì ở bên con vẫn là lựa chọn đầu tiên của mẹ.

Học hành, tiến thân đâu chỉ vì mình

Sau mấy năm thất nghiệp, phải làm việc khác và không ít lần tự trách mình ăn học chi rồi cũng vô ích, mẹ đã “hét lên như điên” khi nhận thông báo trúng tuyển vào một bệnh viện quốc tế.

Và con có biết không, đó là lần đầu tiên mẹ hạnh phúc sau những tháng năm dài một mình nuôi con. Vì làm giờ hành chính nên mẹ dễ dàng thực hiện giấc mơ “to tát” là đưa con đi chơi ngày Chủ nhật hay dự họp phụ huynh. 

Mẹ lại quyết định tiếp tục sự nghiệp học hành vì một cử nhân điều dưỡng chắc chắn sẽ trụ vững trong nghề hơn người tốt nghiệp trung cấp; mẹ muốn thực hiện ước nguyện của ông ngoại: có một đứa con bước vào ngưỡng cửa đại học; mẹ mong hai mẹ con sớm tậu được nhà, không còn phải đi thuê và muốn là gương soi cho con về nghị lực. 

Hành trình hơn hai năm gian nan đó, mẹ không hề đơn độc vì có thủ trưởng và đồng nghiệp động viên, tạo điều kiện. Mẹ cũng không quên “người hùng” trong bếp là con luôn nấu sẵn những món ngon cho mẹ có ăn ngay sau ca trực, ngủ vùi.

Con học đâu đó trên mạng kỹ thuật massage cho mẹ giảm đau đầu vì căn bệnh viêm xoang kinh niên. Ngày mẹ nhận bằng đại học, con và cô bạn mẹ âm thầm rủ nhau mua hoa tặng mẹ. Nhưng rồi do dịch bệnh nên ngày nhận bằng cử nhân của mẹ đơn giản hơn bao giờ hết, mẹ con chỉ ăn mừng với nhau bằng bữa cơm đơn sơ tại nhà mà vui quá là vui. 

Con chăm chú và như nuốt từng lời mẹ nói: “Mẹ học để vươn lên, con cũng phải học để vươn lên. Con phải có kiến thức, mạnh mẽ và điều kiện mới lo được cho mẹ. Con cần cố gắng học, không cần đạt điểm số thật cao nhưng phải học nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng giáo viên và để hiểu biết, sau này tận tâm tận lực với nghề, sống hữu ích”.

Chẳng biết mẹ có khiến con “già sớm” hay không khi chia sẻ với con hầu hết những nỗi niềm, những câu chuyện mà mẹ nghe thấy. Như trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, rất khó tính nhưng cận kề chăm sóc bà, mẹ mới hiểu tất cả khó chịu, khó chiều đấy đều do bệnh tật sinh ra, nhân viên y tế càng phải gần gũi, thấu cảm thay vì e dè, tránh né.

Nhìn bà gồng mình trong các thủ thuật đau đớn, mẹ không cầm được nước mắt. Sự thấu cảm này làm cho ta xích lại như người thân. Mẹ đã dắt con đến nhà thăm bà, con ngây thơ bày tỏ ước mơ lớn lên làm bộ đội, con đem nụ cười xoa dịu cơn đau cho bà những ngày cuối đời. 

Tác giả với bộ đồ bảo hộ kín mít, chuẩn bị cho công việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Tác giả với bộ đồ bảo hộ kín mít, chuẩn bị cho công việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Có nhiều hoàn cảnh bi đát được đăng trong nhóm của các bà mẹ đơn thân, mẹ cho con đọc và tự cảm nhận. Con dần hiểu mình có cuộc sống ấm no hiện tại là phép cộng của cơ may và nỗ lực từ bản thân. Có khi mẹ con san sẻ một ít để giúp người đồng cảnh, mang đến cho họ một tia nắng mai. Hạnh phúc của hai mẹ con nơi đất khách quê người gắn với những cái tên quen - lạ... 

Nguyễn Thị Thanh Tâm 

(TP. Nha Trang, Khánh Hòa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI