NSƯT Phương Quang: Một đời tận hiến

16/07/2018 - 17:07

PNO - Khi phát hiện anh kép trẻ Phương Quang có giọng ca rất giống mình, danh ca Út Trà Ôn (khi đó là bầu gánh Thống Nhất) đã quyết mang Phương Quang về với gánh hát

Ông đặt viết vở Trăng lên ngoài cửa ngục, khai thác lợi thế hai giọng ca giống nhau trong cùng một tuồng hát. Tác phẩm tạo thành cơn sốt ngay khi ra mắt nhờ sự phối hợp rất đặc biệt của Út Trà Ôn và Phương Quang.

NSUT Phuong Quang: Mot doi  tan hien
Nghệ sĩ ưu tú Phương Quang tấu đàn bầu Ảnh: H.K.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chưa có thêm lần nào hai nghệ sĩ có giọng ca giống nhau cùng đứng trên một sàn diễn, trừ vài ca sĩ theo các danh ca học nghề, cố hát cho giống và được “sư phụ” cho song ca, chủ yếu để đẩy tên tuổi.

NSƯT Phương Quang từng nói, chất giọng thiên bẩm của ông đã rất giống NSND Út Trà Ôn, cộng việc tập ca bằng những bài của NSND Út Trà Ôn nên ông chịu ảnh hưởng từ cách ngâm, bộ nhịp và cách sắp câu của thần tượng. Sự khác biệt ở chỗ, Phương Quang đã tìm được dấu ấn riêng cho mình, để không trở thành bản sao.

“Khác biệt lớn nhất trong giọng ca NSƯT Phương Quang so với NSND Út Trà Ôn nằm ở những ca từ có dấu sắc và dấu hỏi. Anh có thể bắn dấu sắc cao vút, nhưng khi xuống xề lại rất trầm ấm” - NSƯT Thanh Tuấn nhắc về người anh đồng nghiệp bằng cả lòng ngưỡng mộ.

Nhiều nghệ sĩ rất sợ thể hiện lại vai diễn đã “đóng dấu” tên tuổi của nghệ sĩ đi trước. Nhưng NSƯT Phương Quang thì không. Quyết định diễn lại nhân vật Tám Khỏe (vở Người ven đô) - vai diễn nổi tiếng của NSND Ba Vân, NSƯT Phương Quang dành cả tháng chỉ để luyện bài Ái tử kê, để khi ông cất tiếng ca, giọng bổng trầm, chất chứa những nỗi đau đớn của nhân vật trong nghịch cảnh, cảm xúc của người xem cũng vỡ òa.

Không nhắc nhiều đến chuyện nghề trong nhà, vì không muốn các con nối nghiệp, nhưng NSƯT Phương Quang không thể giấu tình yêu và nỗ lực ông dành cho cải lương. “Khi tôi đủ lớn để biết nhận thức thì ba đã là một nghệ sĩ tên tuổi, nhưng vẫn không ngừng tập luyện. Mỗi lần nhận tuồng hay bài ca mới, ba tỉ mỉ phân câu, sắp nhịp, lẩm nhẩm ca tới ca lui để chọn cách nhấn từ, nhấn câu, cách luyến láy... Rồi ba thu âm giọng ca vô băng cassette để nghe lại. Cứ vậy cho tới khi ưng ý” - anh Quang Bảo - con trai NSƯT Phương Quang - xúc động kể lại.

NSƯT Phương Quang từng đảm nhận hàng trăm vai diễn. Như ông vẫn nói với các con, mỗi vai diễn lại mở cho ông những cánh cửa để nhìn cuộc sống, con người. Vai Trần Lộ trong vở Tần nương thất có lẽ đã tác động rất lớn đến quyết định hiến xác cho y học của ông.

Khi tập tuồng, ông tỏ ra rất thích câu thoại của nhân vật: “Anh chết rồi, xe tang đi giáp vòng chợ Bến Thành. Anh sống đã không làm được gì có ích mà chết còn gây kẹt xe”. Ông hay bâng quơ nói với các con: “Ngày còn sống mình mang lời ca, tiếng hát để phục vụ công chúng. Liệu khi chết, mình có còn gì để cống hiến được nữa không?”. Mãi sau này, các con ông mới hiểu đó là cách ông nói gần, nói xa, sợ con cái phản đối việc ông hiến xác.

“Ông lão chèo đò” Phương Quang đã nhẹ nhàng chèo đò đi về nơi xa, bỏ lại nhân gian nụ cười thật hiền và hạnh phúc được tận hiến cho y học, phục vụ cho sự sống. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI