Nỗi ám ảnh của những bà mẹ vượt biên đi bán bào thai

20/01/2019 - 06:00

PNO - Túng quẫn vì nghèo đói, hàng chục bà mẹ đang mang bầu ở xã miền núi Nghệ An lần lượt nghe theo lời dụ dỗ của kẻ buôn người vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai với giá hàng chục triệu đồng.

Bào thai có giá 40-80 triệu đồng

Từ nương rẫy trở về nhà khi đèn đã lên, chị Lữ Thị P. (38 tuổi, trú bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vội vào gian nhà bếp tạm bợ bằng tre nứa để chuẩn bị cơm tối cho chồng và 4 đứa con. Thấy những đứa trẻ nhao nhác vì đói, người mẹ 38 tuổi này lại rươm rướm nước mắt khi nhớ đến đứa con thứ 5 hiện đang lưu lạc nơi nào đó ở xứ người.

Noi am anh cua nhung ba me vuot bien di ban bao thai
Một góc bản Đỉnh Sơn 2

Cuộc sống nơi “thâm sơn cùng cốc”, nguồn thu nhập của gia đình chị chỉ dựa vào vài sào lúa nương, ngô cùng dăm con lợn thả rông, tiền mặt trong nhà chưa bao có quá 10 triệu đồng. Trong khi gia đình đang nợ hơn 50 triệu đồng vay mướn để xây nhà nên khi được một người phụ nữ trong vùng giới thiệu sang Trung Quốc bán con sẽ nhận được 80 triệu đồng, chị P. liền gật đầu đồng ý.

Một ngày giữa tháng 8/2018, người mẹ 4 con này bắt đầu hành trình vượt biên sang Trung Quốc chờ sinh khi thai nhi đã được 8 tháng. Sau hơn 1 tháng bị giam lỏng tại một ngôi nhà xa lạ cùng một người phụ nữ cùng xã tên Lữ Thị L., đến ngày vượt cạn, P. và L. được đưa đến bệnh viện.

“Sinh con xong, họ bế đi, cả hai về lại căn nhà trọ được vài bữa rồi trở về. Khi về đến nhà, mỗi người được trả 80 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng em đã mua một chiếc xe máy và đem trả nợ”, chị P. nói.

Noi am anh cua nhung ba me vuot bien di ban bao thai
Chị P. ân hận khi nhắc đến việc vừa bán đi đứa con vừa lọt lòng của mình

Cũng như trường hợp của chị P., song chị Moong Thị T. (26 tuổi, trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm) lại chỉ được trả 40 triệu đồng. Hơn 1 năm trước, khi mang bầu lần thứ 3, chị T. được một người phụ nữ cùng địa phương đặt vấn đề rồi dẫn ra trung tâm huyện khám.

“Khi siêu âm thì biết rằng đó là bé trai. Sau đó họ nói nếu qua Trung Quốc sinh con thì sẽ nhận được 40 triệu đồng. Vì nghĩ sinh con nữa sợ không nuôi nổi nên tôi đồng ý. Giờ sợ rồi, có cho trăm triệu cũng không làm thế nữa”, chị T. nói

Vậy nhưng nhiều người vẫn cho rằng như vậy còn may mắn hơn nhiều trường hợp khác bị quỵt luôn cả tiền bán bào thai. Ngồi thất thần bên hiên căn nhà sàn, chị Lương Thị M. (48 tuổi) cho biết, sau khi sang Trung Quốc sinh con như các trường hợp khác, một nhóm người bản địa tới đưa con chị đi nhưng không trả tiền.

Noi am anh cua nhung ba me vuot bien di ban bao thai
Mẹ mất khi trên đường sang Trung Quốc bán bào thai, Dậu phải nghỉ học thay mẹ làm việc nhà, chăm sóc các em của mình ở tuổi 13

“Sau khi bế con đi được vài bữa thì có người quay lại nói đứa bé đã tử vong nên không trả tiền và dọa nếu không về Việt Nam sẽ giết”, chị M. nhớ lại và cho rằng con mình hoàn toàn khỏe mạnh, đây chỉ chiêu trò của kẻ xấu nhằm quỵt tiền. Chị M. đã đâm đơn kiện người môi giới mình đi bán con song chưa có kết quả.

Ánh mắt ngóng chờ mẹ của những đứa trẻ thơ

Con đường dẫn vào bản Đỉnh Sơn 2 chạy men theo hông núi, dốc dựng đứng. Bản này chỉ có 75 căn nhà sàn của người Khơ Mú nằm san sát, lọt thỏm dưới thung lũng nhưng có tới 11 phụ nữ đã sang Trung Quốc sinh con rồi bán. Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết, trong khoảng 2 năm qua, đã có 22 người phụ nữ trên địa bàn xã này vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, hiện 21 người đã trở về địa phương.

Để đến được bên kia biên giới sinh con, những người phụ nữ này phải trải qua một chặng đường khá dài và nguy hiểm bằng đường rừng và đường sông. Ngày 20/9/2018, bốn thai phụ cùng quê huyện Kỳ Sơn đang trên một chuyến xe đến địa điểm chờ sinh thì gặp tai nạn tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Vụ tai nạn khiến chị Moong Thị Lâm (29 tuổi, trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) tử vong tại chỗ. Những người còn lại bị thương, hiện vẫn chưa thể trở về nhà.

Noi am anh cua nhung ba me vuot bien di ban bao thai
Cuối tháng 11/2018, một người mẹ ở huyện Kỳ Sơn đã bán con gái 20 ngày tuổi của mình để lấy 40 triệu đồng nhưng bị công an phát hiện và ngăn chặn kịp thời

Nỗi đau và ân hận về việc vượt biên bán bào thai của những bà mẹ nơi bản rẻo cao này càng thể hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của anh Lương Văn Hồng (35 tuổi) xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khi đã không kịp can ngăn vợ vượt biên sang Trung Quốc để rồi giờ phải chịu cảnh gà trống nuôi con.

Để có thể đưa tro cốt vợ về quê nhà, anh Hồng đã phải bán bò, bán lúa và vay mướn thêm 50 triệu đồng để lấy chi phí sang Trung Quốc lo thủ tục. “Em không biết là vợ đi bán con như vậy, nếu biết thì đã cấm không cho đi rồi. Thà khổ chứ giờ mất vợ, lại nợ nần như thế này khi nào mới trả nổi”, anh Hồng trong ánh mắt đỏ hoe.

Ngồi bệt dưới sàn nhà, cô bé Lương Thị Dậu (13 tuổi, con gái đầu của anh Hồng) vỗ về 3 đứa em lí nhí đang khóc đòi mẹ và cơm vì đói. Từ khi mẹ vắng nhà, cô bé này đã bỏ học để chăm em. Đã có thể làm tươm tất việc nhà nhưng có lẽ cô bé 13 tuổi này vẫn chưa cảm nhận hết nỗi mất mát của gia đình.

Noi am anh cua nhung ba me vuot bien di ban bao thai
Cuộc sống quá khó khăn là một trong những nguyên nhân được xác định dẫn đến tình trạng buôn bán bào thai ở khu vực miền núi Nghệ An thời gian gần đây

“Năm ngoái mẹ ở nhà thì lâu lâu còn có cá với thịt ăn, chứ lâu dừ chỉ còn cà với muối không à. Trước khi đi, mẹ còn dặn giúp cha chăm em rồi mẹ về sẽ mua quần áo mới cho cả 4 chị em. Vậy mà chờ mãi không thấy”, Dậu nói rồi quệt nước mắt.

Nói xong, Dậu chạy vào bếp lấy một hông xôi, một bát cà thái mỏng với nước muối đổ vào để các em chấm ăn. Riêng đứa út được Dậu ưu ái cho em thêm nửa con cá mắm. “Em biết mẹ chết vì tai nạn rồi. Nhưng mà sợ mấy em khóc đòi mẹ nên khi nào em cũng nói dối mẹ đang làm rẫy, chờ Tết mẹ về sẽ cho kẹo”, cô bé quay sang khẽ nói với gương mặt đượm buộn.

Bà Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho hay, từ nhiều năm trước, trên địa bàn huyện này đã xuất hiện tình trạng một số phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng. Sau khi sinh con, những người này được trả một khoản tiền công rồi về nước. “Có nhiều nguyên nhân như mâu thuẫn vợ chồng, đua đòi cho bằng nhà người ta… đặc biệt là do thiếu thốn về kinh tế đã dẫn đến tình trạng trên”, bà Huyền nói.

Bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết toàn huyện có hơn 16.000 hộ thì phần lớn là dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và hơn 50% trong đó là hộ nghèo. Khó khăn của bà con miền núi là đất canh tác lúa và hoa màu quá ít, chủ yếu dựa vào nương rẫy, vì vậy giải pháp căn cơ và lâu dài là phải tìm các mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào thiểu số. 

Để tăng cường các giải pháp phòng, chống mua bán người, nhất là tình trạng mua bán bào thai, ngày 9/1, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn yêu cầu các cấp, ngành huy động sức mạnh hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai.

Năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em; tiếp nhận hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

Hiện toàn tỉnh còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI