Những người cha bất lực

22/06/2014 - 06:35

PNO - PN - Chính sách một con ở Trung Quốc (TQ) đã khiến cho nhiều người cha – người đàn ông trụ cột trong gia đình – trở nên rúm ró, thảm thương, đến mức phải tự sát vì bất lực trong việc bảo vệ các con của mình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Điển hình như trường hợp của Wang Guangrong, một nông dân mù chữ 37 tuổi, người đã tự tử hồi tháng Ba sau khi bị trưởng thôn liên tục thúc hối về việc đóng góp 22.500 tệ (tương đương 3.600 USD) vào Quỹ hỗ trợ trẻ em. Thực tế, đó là khoản Wang phải nộp phạt vì vợ chồng anh đã sinh đến bốn con. Nếu không đóng khoản phạt này, ba đứa con “ngoài định mức” của Wang sẽ không được… đi học.

Cũng như nhiều người đàn ông khác ở TQ, đặc biệt là ở vùng nông thôn hẻo lánh, việc có được đứa con trai là điều bắt buộc, nếu không muốn mang tiếng bất hiếu với tổ tiên. Ba đứa con đầu đều là nữ, vợ chồng Wang vẫn nhắm mắt đánh liều kiếm đứa con trai. Họ toại nguyện, nhưng Wang đã phải trả giá bằng chính sinh mạng mình.

Chính quyền nơi Wang sinh sống phủ nhận việc anh tự sát là có liên quan đến khoản tiền phạt này, chối bỏ việc họ đã đe dọa không cho phép các con của Wang đến trường. Nhưng, cư dân nơi Wang sống biết rõ đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh.

Trong những ngày cuối cùng của đời mình, ngày nào Wang cũng đến trụ sở thôn để van nài vị trưởng thôn cho các con mình được nhập học. Những lời cầu xin của Wang không được chấp thuận, anh chỉ còn cách tự… kết thúc đời mình.

Nhung nguoi cha bat luc

Những đứa trẻ này phải mãi chịu cảnh thất học? - Ảnh: IHT

“Anh ấy nói không muốn nhìn các con lớn lên trong cảnh thất học như cha mẹ”, Wu Jinmin, vợ của Wang, nói với tờ Jinghua Times. Từ tờ báo này, cái chết của Wang đã tạo ra làn sóng phẫn nộ khắp TQ, chính quyền tỉnh Quảng Châu phải tìm cách xoa dịu dư luận bằng cách cho phép các con của Wang nhập học, đồng thời cấp 60.000 tệ để Wu Jinmin mai táng chồng.

“Trường hợp của Wang đúng là bi kịch. Tôi cũng là một người cha nên rất hiểu nỗi đau khi con không được đi học. Người cha nào cũng muốn con mình được học hành đàng hoàng, nếu chúng không được đến trường vì lỗi của mình thì đúng là không thể chịu đựng được”, giáo sư Li Runfa (Đại học Kinh tế Quảng Châu) nói.

Nhưng còn bao nhiêu đứa trẻ ở TQ không thể đến trường như trường hợp các con của Wang? Chẳng ai thống kê cả. Chỉ biết, mọi trường học ở TQ đều yêu cầu học sinh phải nộp giấy chứng nhận bố mẹ mình đã hoàn thành tốt chủ trương kế hoạch hóa gia đình trước khi nhập học. Nếu không, hoặc bố mẹ chúng phải đóng phạt hoặc chúng không được vào lớp. Những người giàu thì thoải mái sinh con theo ý muốn (và nộp phạt), còn người nghèo có khi phải chọn một kết cuộc bi thương như Wang.

Nhớ lại trường hợp của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu và liên tưởng đến trường hợp của Wang Guangrong. Đạo diễn họ Trương chấp nhận nộp phạt 7,5 triệu tệ vì có đến ba con trong khi Wang đánh mất mạng sống của mình chỉ vì không có 22.000 tệ nộp phạt. “Sức ép trên vai các ông bố nghèo khó ở TQ ngày nay là không thể chịu đựng nổi. Đâu phải ai cũng là Trương Nghệ Mưu!”, giáo sư Li ngao ngán.

Giáo sư Li Runfa gọi chính sách này là “bắt cóc nền giáo dục bằng chính sách kế hoạch hóa gia đình”. Hồi đầu tháng Tư, ông Li đã gửi một thư ngỏ đến Sở Giáo dục và Ủy ban Kiểm soát kế hoạch hóa gia đình của 31 tỉnh trên cả nước, đề nghị bãi bỏ việc “cột” ngành giáo dục với định mức sinh đẻ của các gia đình. Có nơi gửi thư phúc đáp ông Li và có nơi không, nhưng hầu hết đều cho rằng việc giải quyết vấn đề này là ngoài tầm tay họ. Như vậy, có nghĩa là mọi việc sẽ vẫn như cũ.

 THIỆN NGA (Theo IHT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI