Những kỷ niệm khó quên với tờ Phụ nữ Sài Gòn

16/05/2025 - 07:06

PNO - Đã 18.000 ngày và tròn 50 năm trôi qua, nhưng 1 năm ở Báo Phụ nữ Sài Gòn đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Cố Tổng biên tập Phương Điền (hàng trên, thứ tư từ phải sang) điều hành cuộc họp giao ban hằng tuần vào năm 1977 - ẢNH TƯ LIỆU: PHÙNG HUY
Cố Tổng biên tập Phương Điền (hàng trên, thứ tư từ phải sang) điều hành cuộc họp giao ban hằng tuần vào năm 1977 - Ảnh tư liệu: Phùng Huy

Năm 1975, sau những ngày cùng hành quân theo cánh quân dọc Quốc lộ 1 giải phóng Huế, Đà Nẵng, tôi trở về Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tức Ban CP72 của Trung ương Đảng, lòng vẫn bồn chồn vì đã 20 năm xa quê, sống trên đất Bắc. Nỗi nhớ ấy sâu lắng và da diết lắm.

Bỗng có điện của nhà thơ Bảo Định Giang - Trưởng tiểu ban miền Nam của Đảng đoàn Văn nghệ - gọi. Tôi tự hỏi: “Lại đi công tác nước ngoài sao? Nếu vậy thì…”. Nhưng khi gặp Bảo Định Giang thì khác. Anh nói: “Cậu sướng rồi nghen. Lên ban tổ chức nhận quyết định đi Nam”. Tôi vui quá, ngồi trên ô tô của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đang chạy rất nhanh nhưng tôi vẫn thấy chậm. Đến số 10 Nguyễn Cảnh Chân, tôi gặp đồng chí Phan Triêm - Phó ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí quê Quảng Nam, hỏi tôi vài nét về việc giải phóng Đà Nẵng rồi giới thiệu tôi với chị Bảy Huệ (vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh) và nói: “Có nhiệm vụ mới cho đồng chí đấy”.

Chị Bảy Huệ - khi đó là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - vui vẻ tiếp tôi: “Ban quyết định tăng cường đồng chí vào Thành ủy Sài Gòn - Gia Định để trở về nghề báo, cậu có vui không?”. Tôi đáp: “Dạ, vui lắm ạ”. Chị Bảy Huệ cho biết: “Chị Huỳnh Tấn Phát (tức Bùi Thị Nga - bí danh Tám Chí, Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng Sài Gòn - Gia Định) có thư xin tăng cường cán bộ có nghề, có nhiệt tình và sức khỏe cho Báo Phụ nữ Sài Gòn. Ban Tổ chức Trung ương và Đảng đoàn Văn nghệ chọn cậu làm nhiệm vụ này”.

Tôi nhận quyết định và theo chuyến máy bay vận tải quân sự từ Gia Lâm vào Sài Gòn. Xuống máy bay, tôi được đón về Thành ủy và 1 giờ sau thì xong thủ tục để đến 194 Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng) - trụ sở của Hội Phụ nữ giải phóng thành phố - để nhận công tác mới. Chị Vân Trang - nữ văn sĩ, là Ủy viên Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ TP Sài Gòn (tôi đã quen thân khi chị ở Đoàn 69) - cùng chị Tám Chí tiếp tôi mấy phút. Tôi nhận chỗ ở và ngay sau đó lên xe do chính chị Vân Trang lái cùng xuống nhà in, vừa đi đường vừa trao đổi công việc. Ngày ấy, báo chí cách mạng ở Sài Gòn không nhiều, mới có tờ Sài Gòn Giải Phóng, Tin Sáng, Đối Diện, Phụ nữ Sài Gòn.

Ở Báo Phụ nữ Sài Gòn, chị Vân Trang là chủ bút, các chị phân tôi làm Thường trực Ban Biên tập. Chị Vân Trang nói: “Tòa soạn có 5 em mới vào nghề nên tôi với chú bao sân. Chú làm nhiệm vụ Thường trực Ban Biên tập, là người chủ chốt thứ hai của tòa soạn, cùng chị lo cho các số báo và chú phụ trách các phóng sự khi có sự kiện, đồng thời giúp kèm cặp, đào tạo các em mới vào nghề”. Tôi tham gia từ số báo thứ năm.

Trong tòa soạn ngày đó, họa sĩ kiêm lái xe là Hoàng Anh; lo chuyện nhà in, phát hành là chị Mười Mai (chiến sĩ ở nhà tù Mỹ ngụy trở về), các phóng viên nữ dù mới vào nghề cũng rất xông xáo. Mỗi khi có sự kiện, tôi hay đưa các em đi theo, trong số này có Ngọc Tuyết (Lê Đăng), Thanh Thanh, Lê Thanh Bạch Mai, Hồng Quỳnh và vài em nữa. Sau này, các em đều nhanh chóng trưởng thành. Các em là con em các chị phong trào phụ nữ bị tù đày hoặc hoạt động trong lòng địch, tất cả rất nhiệt tình, hăng hái.

Tôi vừa hướng dẫn các em viết, vừa đi thực hiện các phóng sự, lo phần nhiếp ảnh cho báo và biên tập bài của cộng tác viên, cùng chị Vân Trang tổng duyệt bài cho mỗi tuần báo, nhiều khi phải ở nhà in để thay đổi bài mới do tình hình thay đổi, xuất hiện chuyện mới thường xuyên. Sang năm 1976, tòa soạn có thêm các chị Phương Điền, Thế Thanh… Ngày đó, Thế Thanh - con một đồng chí sư đoàn trưởng sư đoàn anh hùng - vừa tốt nghiệp đại học, được điều về báo là một vốn quý.

Báo ra mỗi tuần 1 số, nhưng cứ tíu tít vì thiếu người. Tôi cố xây dựng mạng lưới cộng tác viên và ngay năm đầu, đã có sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Minh Khuê, Hoàng Lại Giang và cả ảnh của Võ An Ninh, Trần Phượng… Trong số các cộng tác viên đó, có các chị luật sư Ngô Bá Thành, Nguyễn Phước Đại và người kiêm nhiệm giữ chuyên mục gia chánh là chị Quốc Việt.

Tôi cũng không thể không nhắc đến Lam Giang và Trần Thế Tuyển. Ngày đó, Trần Thế Tuyển là chiến sĩ của sư đoàn 5, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ cánh Tây Nam. Anh viết đều thơ và ký, gần như tuần nào cũng có. Chúng tôi đăng thơ của Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu. Các anh gửi những bài thơ mới sáng tác cho Phụ nữ Sài Gòn in trước nhằm góp phần tạo thanh thế cho tờ báo. Lão nghệ sĩ Võ An Ninh gần như tuần nào cũng đạp chiếc xe mini đến thăm tôi và góp ảnh với tờ báo.

Ngày đó, tòa soạn chỉ là 2 phòng nhỏ trên gác của ngôi nhà số 194 Lý Chính Thắng. Sau đó, anh Lưu Hữu Phước giao cho tôi căn biệt thự 188 Lý Chính Thắng của dược sĩ Lưu Kim Tuyến (em gái của anh Phước). Tôi chỉ ở ít lâu, thấy nó to quá, bèn đề nghị tổ chức cho làm tòa soạn của báo và chúng tôi đã hình thành một tòa soạn khá khang trang tại số 188 Lý Chính Thắng.

Ngọc Tuyết, Thanh Thanh tiến bộ rất nhanh chóng trong việc viết tin và tường thuật. Lê Thanh Bạch Mai, Hồng Quỳnh đã có ký, truyện ngắn. Chúng tôi quây quần làm việc không kể ngày đêm, Chủ nhật. Cơm tập thể với cá khô, gạo mốc nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. Chúng tôi có lương, còn các em phóng viên chỉ có phụ cấp, nhưng tất cả đều vui vẻ vì ai cũng hoan hỉ bởi niềm vui trước chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tôi nhớ ngày ấy, chị Ba Định (Nguyễn Thị Định) ở Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã mấy lần thăm tòa soạn và có bài cho báo, chị Tám Thanh - Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ thành phố - thường xuyên viết xã luận cho báo.

Hôm nay ngồi nhớ lại thì chị Ba Định, chị Tám Thanh, chị Tám Chí, chị Vân Trang và nhiều người không còn nữa, lớp chúng tôi tuổi đã ngoài 80. Đã 18.000 ngày và tròn 50 năm trôi qua, nhưng 1 năm ở Báo Phụ nữ Sài Gòn đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi đã có nhiều bài với nhiều bút danh khác nhau trên 50 số báo của tờ này.

Ngày nay, chúng tôi vui mừng thấy Báo Phụ nữ TPHCM đã không ngừng phát triển, trở thành tờ báo có uy tín, mỗi tuần ra 3 kỳ báo in, rồi còn báo online. Chúng tôi vui trong sự lớn lên của tờ báo và vui hơn khi Báo Phụ nữ TPHCM ngày càng được nhiều người trong nước và Việt kiều ở nước ngoài yêu thích.

Giáo sư, tiến sĩ Trình Quang Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI