Nhiều lo ngại về đấu thầu thu gom rác

28/08/2017 - 16:54

PNO - Nhiều quận, huyện vẫn đang loay hoay xây dựng đề án và tiêu chí đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, dù việc này đã được UBND TP.HCM chấp thuận triển khai từ ngày 1/5.

Nhiều quận, huyện vẫn đang loay hoay xây dựng đề án và tiêu chí đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, dù việc này đã được UBND TP.HCM chấp thuận triển khai từ ngày 1/5.

Nhieu lo ngai ve dau thau thu gom rac
Phương tiện đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật là yếu tố quan trọng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cho TP

Còn chờ đơn giá mới

Theo yêu cầu của UBND TP, ngoại trừ Q.1 do tính chất đặc thù nên chưa xem xét triển khai công tác đấu thầu trong giai đoạn này, các quận 2, 3, 4, 9, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè sẽ tiến hành đấu thầu nhằm nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển rác, góp phần tiết kiệm ngân sách.

Các địa phương cho rằng, cái khó khi tổ chức đấu thầu là chưa thể triển khai đồng bộ từ khâu thu gom đến vận chuyển và xử lý rác, bởi có đến 60% tuyến đường trên địa bàn TP do lực lượng thu gom rác dân lập hoặc nghiệp đoàn đảm trách. Số ít lực lượng này ký hợp đồng trực tiếp với phường, xã, số còn lại không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Do đó, theo yêu cầu của UBND TP, trước mắt các địa phương chỉ tổ chức đấu thầu đối với công tác thu gom từ điểm tập kết về trạm trung chuyển và từ trạm trung chuyển về khu xử lý tập trung. 

Đại diện UBND H.Nhà Bè cho rằng, hiện huyện này đã xây dựng lại lộ trình vận chuyển, khối lượng rác cũng như cự ly cụ thể cho từng khu vực thu gom, nhưng cái khó là TP chưa ban hành đơn giá vận chuyển mới (đang áp dụng đơn giá từ năm 2015 trở về trước), gây trở ngại cho việc mở thầu, bởi khi mở thầu thì không thể áp dụng đơn giá tạm tính.

Theo vị đại diện này, TP cần sớm ban hành đơn giá mới để công tác đầu thầu triển khai đúng tiến độ. “Thực tế, địa phương chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu. Hầu hết công tác thu gom, vận chuyển trước đây đều chỉ định, giao cho công ty dịch vụ công ích địa phương thực hiện nên cán bộ phải tự mày mò, “vừa làm vừa  học”, chưa kể tiêu chí gói thầu rất quan trọng, nếu thiếu và yếu sẽ chọn nhầm các đơn vị thiếu chuyên môn, máy móc... Có thể huyện sẽ cân nhắc thuê tư vấn bên ngoài”, vị này nói. 

Tại Q.12, việc thu gom rác đường phố vẫn đang thực hiện theo hợp đồng cũ (do chưa hết hạn). Q.12 đang xây dựng kế hoạch, tiêu chí để đưa ra đấu thầu trong năm 2018. “Chúng tôi sẽ thuê tư vấn bên ngoài xây dựng tiêu chí để đảm bảo tính khách quan. Riêng lực lượng thu gom rác dân lập, quận đang dần đưa vào các hợp tác xã để dễ quản lý và dễ tổ chức đấu thầu trong thời gian tới. Một trong những tiêu chí quan trọng khi đưa ra đấu thầu thu gom rác là phương tiện thu gom phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật”, ông Đậu An Phúc, Phó chủ tịch UBND Q.12 cho biết. 

Cần chế tài và giám sát

GS-TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho rằng, ngoài thiếu công khai minh bạch, nhiều gói thầu trúng giá thấp dẫn đến hệ lụy tiêu cực về chất lượng thực hiện và dịch vụ công ích. Thực tế tại Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM…thời gian qua cho thấy, một số đơn vị trúng thầu không đủ năng lực đã thuê lại các đơn vị khác hoặc trúng thầu nhưng trang thiết bị, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng chất lượng dịch vụ.

Ông Dũng cho rằng, để công tác đấu thầu trong lĩnh vực môi trường thực sự hiệu quả, trong hồ sơ mời thầu cần quy định rõ năng lực của nhà thầu, yêu cầu chuẩn kỹ thuật, công nghệ đối với dịch vụ, đặc biệt tránh coi trọng yếu tố giá chào thầu thấp. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP - đơn vị hơn 10 năm thực hiện hai gói thầu vệ sinh đường phố và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Q.Bình Tân và Tân Phú - cho biết, qua đấu thầu không những nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường mà còn giúp tiết kiệm cho ngân sách TP hàng tỉ đồng mỗi năm, bình quân khoảng 15%/năm.

Thế nhưng, vướng mắc hiện nay là công tác đấu thầu chưa được các địa phương triển khai đồng bộ. Ngoài ra, khi triển khai còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, hầu hết các địa phương đều tồn tại song song hai hệ thống thu gom rác (đơn vị dân lập và đơn vị công ích), chưa có sự phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển rác nên nảy sinh tình trạng “da beo”. Nhiều nơi xảy ra tình trạng ngừng thu gom rác, dồn rác nhiều ngày, nhưng không có cơ quan nào giám sát, xử lý. 

Nhiều ý kiến cho rằng, gói thầu hiện nay chỉ thực hiện trong ba năm, khó thu hồi vốn khiến doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ. Việc quản lý vẫn còn cứng nhắc theo quy trình được duyệt, định mức và khối lượng công việc… sẽ triệt tiêu tính sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp, bởi nếu làm khác, dù chất lượng, công nghệ tốt hơn, nhưng không đúng quy trình, định mức, khối lượng vẫn không được thanh toán.

Bên cạnh đó, một số địa phương vận dụng ưu đãi, chia nhỏ gói thầu, tạo sân chơi không bình đẳng, loại bỏ những doanh nghiệp có máy móc, thiết bị hiện đại… Hình thức này chẳng khác nào sự móc nối thông thầu giữa các đơn vị tham gia đấu thầu, làm tăng giá dịch vụ, gây lãng phí ngân sách. 

Để công tác đấu thầu thực sự hiệu quả, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP kiến nghị, TP cần có cơ chế làm rõ trách nhiệm cũng như có chế tài thật nghiêm đối với những đối tượng làm ảnh hưởng chất lượng môi trường. bên cạnh đó, nhà thầu phải có kinh nghiệm thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn đấu thầu; tăng thời gian thực hiện gói thầu.

Một yếu tố khác rất quan trọng được ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP kiến nghị là thu nhập của người lao động phải đảm bảo phù hợp với thu nhập bình quân theo từng địa phương, không áp dụng mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định và yếu tố này cũng cần xác định là tiêu chí xét duyệt hồ sơ thầu. 

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI