Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, nhiều nhà máy Trung Quốc chuyển sang sản xuất khẩu trang

13/02/2020 - 21:50

PNO - Bộ trưởng Y tế Nhật Bản cho biết hôm 13/2, một phụ nữ ngoài 80 tuổi trở thành nạn nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 tử vong tại nước này khi đang điều trị.

Bộ trưởng Katsunobu Kato nói trong cuộc họp ngắn vào đêm 13/2:"Mối quan hệ giữa coronavirus mới và cái chết của nạn nhân vẫn chưa rõ ràng, nhưng đây là cái chết đầu tiên của một người có kết quả thử nghiệm dương tính".

Bộ trưởng cho biết người phụ nữ, sống ở quận Kanagawa, đã xuất hiện các triệu chứng vào ngày 22/1 và phải nhập viện vào ngày 1/2, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính chỉ được xác nhận sau khi người phụ nữ qua đời.

Khách du lịch đeo khẩu trang khi họ đến thăm Đền Sensoji ở Tokyo, Nhật Bản.
Khách du lịch đeo khẩu trang khi họ đến thăm Đền Sensoji ở Tokyo, Nhật Bản.

Vụ việc xảy ra khi Nhật Bản xử lý 218 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận từ một tàu du lịch đang neo đậu ngoài khơi cảng Yokohama kể từ đầu tháng 2.

Trong khi đó, nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã thay đổi công năng để chuyển sang sản xuất khẩu trang, phục vụ nhu cầu khẩn cấp do dịch bệnh.

Một nhà sản xuất tã ở miền đông Trung Quốc đã quay lại hoạt động hết công suất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ trong hơn hai ngày, Tập đoàn New Yifa đã chuyển đổi một dây chuyền sản xuất tã tại tỉnh Phúc Kiến để làm khẩu trang, khai thác một số vật liệu vốn dùng làm sản phẩm vệ sinh.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ không để dịch bệnh làm suy sụp nền kinh tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ không để dịch bệnh làm suy sụp nền kinh tế.

Phó chủ tịch của tập đoàn - Shen Shengyuan - nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Tất cả nhân viên của chúng tôi hiện đang sản xuất khẩu trang”. Ông nói thêm rằng dây chuyền có thể sản xuất tới 600.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày và công ty đang tìm cách sớm chuyển đổi một dây chuyền sản xuất khác.

Các công ty trên khắp Trung Quốc - từ nhà sản xuất iPhone Foxconn đến nhà sản xuất ô tô BYD và các nhà máy may mặc - đã biến những thiết bị tương tự thành thiết bị bảo hộ y tế khi đất nước này vật lộn với sự thiếu hụt thiết bị y tế để ngăn chặn virus lây lan.

Ở công suất tối đa, các nhà máy Trung Quốc chỉ có thể sản xuất khoảng 20 triệu khẩu trang mỗi ngày.

Dù hơn 76% các nhà sản xuất khẩu trang và 77% các nhà sản xuất đồ bảo hộ đã nối lại công việc kể từ ngày 10/2 ở 22 khu vực, hiện vẫn còn tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng và các vật dụng bảo hộ y tế khác.

Tân Hoa Xã đưa tin hôm 12/2, tại các thành phố như Ninh Ba ở phía đông tỉnh Chiết Giang, 14 nhà sản xuất hàng may mặc đang tìm cách sản xuất một triệu khẩu trang trong 20 ngày.

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD cho biết họ đang xem xét chuyển đổi dây chuyền thiết kế và chế tạo đồ bảo hộ thành sản xuất mặt nạ và chất khử trùng. BYD dự kiến ​​sẽ tạo ra tới 5 triệu khẩu trang, mặt nạ y tế và 50.000 chai thuốc khử trùng mỗi ngày vào cuối tháng 2/2020.

Những công ty khác đã tham gia bao gồm một liên doanh của General Motors tại Trung Quốc, SAIC-GM-Wuling và Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec).

Ở công suất tối đa, các nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 20 triệu khẩu trang mỗi ngày. Con số này đang được tăng lên bằng cách chuyển đổi dây chuyền sản xuất.
Ở công suất tối đa, các nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 20 triệu khẩu trang mỗi ngày. Con số này đang được tăng lên bằng cách chuyển đổi dây chuyền sản xuất.

Sinopec cho biết trên Weibo họ đang thiết lập 11 dây chuyền sản xuất với các đối tác và đặt mục tiêu sản xuất hơn một triệu khẩu trang mỗi ngày từ ngày 10/3.

Gã khổng lồ công nghệ Đài Loan Foxconn, nơi lắp ráp các sản phẩm của Apple, cũng cho biết họ đã bắt đầu sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Thâm Quyến, và dự kiến ​​sẽ sản xuất tới hai triệu chiếc mỗi ngày vào cuối tháng 2.

Tấn Vĩ (Theo CNA, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI