Nhật Bản báo động tình trạng mắt lác do xem điện thoại quá nhiều ở thanh thiếu niên

12/07/2025 - 11:42

PNO - Tình trạng mắt lác do lạm dụng điện thoại đang trở thành mối lo ngại ngày càng lớn tại Nhật Bản, đặc biệt phổ biến ở nhóm học sinh trung học cơ sở và phổ thông.

Thanh thiếu niên tại Nhật Bản nghiện điện thoại thông minh làm gia tăng tình trạng mắt lác.
Thanh thiếu niên tại Nhật Bản ngày càng nghiện điện thoại thông minh làm gia tăng tình trạng mắt lác - Ảnh: shutterstock

Tình trạng mắt lác – khi mắt bị lệch vào trong, khiến người bệnh trông như bị lé, đang gia tăng đáng báo động tại Nhật Bản, chủ yếu do thói quen sử dụng điện thoại thông minh sai cách và kéo dài, đặc biệt ở giới trẻ.

Chứng bệnh này được gọi là esotropia mắc phải, một dạng của tật lác mắt (strabismus), trong đó một bên mắt hướng vào phía mũi trong khi mắt còn lại giữ nguyên vị trí bình thường. Theo Japan Today, căn bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở thanh thiếu niên Nhật Bản, với các triệu chứng như nhìn đôi và giảm khả năng cảm nhận độ sâu.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc dùng thiết bị số ở khoảng cách quá gần, trong tư thế nằm hoặc không nghỉ ngơi hợp lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một nghiên cứu của Đại học Kyoto công bố hồi tháng 6 năm ngoái cho biết, cứ 50 người Nhật thì có một người bị tật lác mắt, chủ yếu là mắt lệch ra ngoài. Tuy nhiên, các trường hợp mắt lệch vào trong đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Một nghiên cứu khác do Hiệp hội Lác và Nhược thị Nhật Bản cùng Hiệp hội Nhãn khoa Nhi Nhật Bản thực hiện với gần 200 bệnh nhân bị lác cấp tính cho thấy, sau ba tháng áp dụng thói quen sử dụng thiết bị đúng cách – giữ khoảng cách tối thiểu 30cm và nghỉ 5 phút mỗi 30 phút – vẫn có tới 56% bệnh nhân không cải thiện hoặc thậm chí có triệu chứng nặng hơn.

Nghiên cứu cũng xác định mức lạm dụng là dùng thiết bị điện tử quá một giờ mỗi ngày với trẻ tiểu học trở xuống, và hơn hai giờ với các nhóm tuổi còn lại. Trong số gần 200 người tham gia, chỉ 13% không bị xếp vào nhóm sử dụng quá mức. Học sinh trung học cơ sở và phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất, với độ tuổi phổ biến nhất là 16.

Giáo sư Miho Sato - chuyên gia nhãn khoa tại Đại học Y Hamamatsu - cho biết, esotropia mắc phải có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Với các ca nhẹ, việc giảm thời gian sử dụng thiết bị hoặc điều chỉnh khoảng cách nhìn có thể giúp cải thiện triệu chứng. Trường hợp không cải thiện bằng các biện pháp hành vi, người bệnh có thể phải tiêm vào cơ mắt để điều chỉnh hướng mắt hoặc can thiệp phẫu thuật.

Nhật Minh (theo JT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI