Nhân viên WHO lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em gái ở Congo

29/09/2021 - 07:10

PNO - Ủy ban điều tra độc lập cho biết hơn 80 nhân viên cứu trợ, bao gồm một số nhân viên thuộc WHO, đã tham gia lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em gái trong cuộc khủng hoảng Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngày 28/9, Ủy ban điều tra độc lập đã chính thức đưa ra bản báo cáo được chờ đợi từ lâu, cho thấy ít nhất 21 trong số 83 người bị tình nghi đã được WHO tuyển dụng, liên quan đến các cáo buộc lạm dụng tình dục, trong đó có 9 cáo buộc hiếp dâm. "Nhóm đánh giá đã xác nhận các nạn nhân được hứa hẹn cho công việc để đổi lấy quan hệ tình dục" - thành viên ủy ban Malick Coulibaly nói trong cuộc họp báo.

Trong số các nạn nhân, 29 phụ nữ đã mang thai, thậm chí một số phụ nữ còn bị kẻ lạm dụng ép phá thai sau đó.

Ít nhất 21 nhân viên WHO tham gia lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái ở Congo.
Ít nhất 21 nhân viên WHO tham gia lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái ở Congo

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đã cam kết không khoan nhượng đối với vấn nạn lạm dụng tình dục, cho biết thật đau lòng khi nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị nhân viên cứu trợ lạm dụng trong đợt bùng phát dịch Ebola tàn khốc (2018-2020) ở Cộng hòa Dân chủ Congo. 

"Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi vì những gì đã gây ra cho các nạn nhân bởi những người được WHO tuyển dụng. Những gì đã xảy ra với bạn sẽ không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai... Ưu tiên hàng đầu của tôi là đảm bảo thủ phạm phải chịu trách nhiệm" - ông Tedros nói.

Tương tự, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đưa ra xin lỗi và cảm ơn các nạn nhân đã can đảm đứng ra làm chứng.

Kể từ khi các cáo buộc lạm dụng tình dục xuất hiện vào năm 2020, Tổng giám đốc WHO đã yêu cầu Aïchatou Mindaoudou, cựu ngoại trưởng của Niger, và nhà hoạt động nhân quyền người Congo Julienne Lusenge, tích cực làm việc với các nạn nhân để điều tra, làm rõ vụ việc.

Một số phụ nữ nói rằng họ bị các quan chức WHO bạo hành và hy vọng những người liên quan sẽ bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Trong khi đó, một số khác cho biết việc kỷ luật các nhân viên của WHO sẽ là một chặng đường dài nhằm hướng tới việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

Julie Londo, một thành viên của Liên minh Phụ nữ truyền thông Congo, tổ chức chuyên chống lại nạn cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục ở Congo, hoan nghênh hành động cương quyết của WHO trong việc trừng phạt các nhân viên, đồng thời cho rằng tổ chức này còn cần phải làm nhiều hơn thế.

“WHO cũng phải nghĩ đến việc đền bù cho những phụ nữ bị tổn thương bởi các vụ hãm hiếp và hàng chục trẻ em mang thai ngoài ý muốn do hậu quả của các vụ việc trên… Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến của mình để chấm dứt những vụ lạm dụng này” - Julie Londo cho hay.

Minh Hương (theo Reuters và Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI