"Người lạ trong nhà": Mỗi người riêng một khoảng sáng

17/10/2015 - 08:11

PNO - Bạn nhắn “Rảnh không? Cà phê. Lâu rồi không gặp”. Nói mấy câu chuyện đã xưa cũ, quanh quẩn thế nào vẫn trở lại chuyện gia đình.

Chớp mắt mà như khói sương, ai cũng đã già.

1. Bạn nói, sao hồi mới yêu mình lại có nhiều chuyện để nói với vợ đến thế. Lấy nhau về, mấy năm đầu vẫn gợi chuyện để tâm sự cùng nhau. Còn giờ thì thôi hẳn.

Tan sở, hôm nào không tiếp khách thì về nhà. Gặp nhau, chào một tiếng. Ngồi vào bàn ăn, nói vài chuyện cơ quan. Xong, giải tán. Giải tán không phải theo nghĩa phòng ai nấy ở, việc ai nấy làm.

Giải tán chỉ là vẫn ở chung phòng, cùng nằm một giường nhưng mỗi người một máy tính bảng, chồng đọc báo, vợ chơi facebook.

“Lúc tôi nhìn qua vợ, thấy hắt lên một khoảng sáng. Rồi nhìn đến mình, cũng hắt một khoảng sáng. Cứ buồn buồn mà không biết giải quyết ra sao”, bạn nói.

“Cuộc sống đô thị giờ như cuốn mất ngôn từ. Điển hình của gia đình thành thị vào buổi tối là vợ máy tính bảng, chồng smartphone, con xem ti vi, cô giúp việc rửa chén”, mình trả lời.

“Chắc là vậy”, bạn đáp.

Lúc trước, mình có đọc ở đâu đấy một nghiên cứu cho rằng, những đôi vợ chồng thường chia tay nhau sau năm đầu tiên chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này đơn giản là bởi cả hai người đều phải thay đổi quá nhiều thói quen thuở còn độc thân để hướng đến cuộc sống chung.

Đã có rất nhiều lời khuyên để duy trì hôn nhân nồng đượm, như vợ chồng phải có khoảng không riêng, phải tạo được cảm giác như hồi mới yêu, phải vĩnh viễn là tân lang tân nương… Tào lao cả!

Những lo toan của đời sống, những lần hụt hơi trước khốn khó, những lúc thắc thỏm nghĩ về áo cơm, sẽ ném hoàn toàn những thứ mà chúng ta tin là lãng mạn xuống vực sâu.

Chỉ còn lại thứ duy nhất là chúng ta phải đối diện, phải làm thế nào để con cái có cuộc sống tốt hơn một chút, làm thế nào để chu tất giữa kinh tế gia đình và phụng hiếu song thân, lại còn cưu mang anh em, bạn bè… Tất nhiên, điều này không đúng với những gia đình có điều kiện.

Ngày qua ngày, chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa, ngoài những thứ vụn vặt mà chính chúng ta cũng không hề muốn nhắc đến. Đáng tiếc, không nhắc không được.

Tuần nối tiếp tuần, tháng nối tiếp tháng, năm nối tiếp năm… hình thành nên một thói quen rất đáng buồn. Những câu nói chỉ quanh quẩn trong nội dung, cơ quan, người thân, đề bạt kỷ luật, ma chay hiếu hỉ, dạy dỗ con cái…

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

2. Bạn hỏi “Ông có vậy không?”. Mình cười cười, không đáp. Vì thú thật, chẳng thể đáp sao cho trọn vẹn.

Từ hồi lập gia đình, mình đã cố gắng duy trì sự thay đổi trong chủ đề bàn luận của hai vợ chồng. Lúc là chủ đề này, khi là chủ đề khác. Thậm chí có lần hai vợ chồng mình còn bàn về một bộ phim dài loằng ngoằng của Hàn Quốc hay Đài Loan gì đấy.

Nhiều lúc lẩn thẩn tự vấn, vợ chồng bàn cái này làm gì nhỉ? Xong lại tự an ủi, bàn để có còn chuyện nói với nhau, còn có chuyện để thủ thỉ với nhau.

Mấy tuần trước trời mưa, hai con trai đã ngủ, mình đọc sách trên máy tính bảng, vợ xem phim trên điện thoại. Tự dưng lại nhớ đến khoảng sáng riêng của mỗi người mà ông bạn kể.

Hoảng quá, bèn nói trống không, “Hồi xưa, mình nấu bò nhúng dấm ngon ghê, ha! Lâu rồi, anh không được ăn lại. Hay cuối tuần này cả nhà mình đi siêu thị mua đồ về làm đi”.

Vợ trả lời, “Ừ. Cuối tuần em nấu”.

Lại tiếp, “Tháng này anh lãnh lương, mua cho mình cái túi xách mới nha. Anh thấy cái túi đi làm của mình sờn da rồi”.

“Tự nhiên thương tui dữ vậy trời”, giọng vợ đã có nét vui.

Cứ vậy, vợ chồng nói hết chuyện cũ này đến chuyện cũ khác, toàn những chuyện tưởng đã quên hóa ra khơi lại là nhớ như mới hôm qua.

Ngay cả trong lúc đang vui ấy, vẫn lo lo vì không biết sẽ mua cho vợ bằng khoản tiền nào, bởi có bao nhiêu tiền đều đưa cho vợ hết, chỉ giữ lại một ít để tiêu vặt.

Nhưng thây kệ đi, sao cũng được. Miễn là thoát khỏi cái cảnh vợ chồng cùng cắm mặt vào màn hình thiết bị điện tử là mừng rồi.

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI