 |
Trong số các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc được bán tại Hoa Kỳ, kem chống nắng được cho là phổ biến nhất, được đánh giá cao vì công thức nhẹ và hiệu quả - Ảnh: BLOOMBERG |
Trong chuyến đi đầu tiên đến Hàn Quốc vào ngày 17/4, du khách người Mỹ Jonathan Ko đã đi thẳng đến cửa hàng chính của hãng Olive Young tại Myeongdong - khu phố mua sắm thời thượng của Seoul.
Tại đó, anh đã dành 500.000 won để mua kem chống nắng, mặt nạ, kem dưỡng da để sử dụng cá nhân và tặng cho bạn bè ở Mỹ.
Người đàn ông 34 tuổi sống tại Los Angeles, bang California thường đặt mua các sản phẩm chăm sóc da của Hàn Quốc trực tuyến.
Nhưng với "mức thuế quan đẩy giá mọi thứ lên cao", anh Ko nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để tích trữ vì anh đang tận hưởng kỳ nghỉ 1 tuần ở Seoul.
Theo phương tiện truyền thông tại Mỹ, người tiêu dùng nước này đang hoảng loạn mua các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc trước khi giá tăng cao, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào ngày 2/4 về một đợt áp thuế mới đối với nhiều quốc gia.
Một báo cáo của tờ Washington Post vào ngày 10/4 đã đưa kem chống nắng do Hàn Quốc sản xuất vào danh sách các mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ đang điên cuồng thêm vào giỏ hàng.
Tạp chí Atlantic đã đăng một báo cáo vào ngày 5/4 có tiêu đề "Chất nhầy ốc sên của tôi bị kẹt trong một cuộc chiến thương mại", ám chỉ đến chất nhờn mà ốc sên tiết ra, một thành phần phổ biến của các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc.
Trên nền tảng truyền thông xã hội Reddit, kem chống nắng do Hàn Quốc sản xuất được xếp hạng cao trong một chủ đề dành riêng cho "các sản phẩm làm đẹp đáng mua ngay bây giờ", với một số người nói rằng họ đã tích trữ các sản phẩm "yêu thích" để phòng ngừa khan hiếm.
Trong số các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc được bán tại Mỹ, kem chống nắng được cho là phổ biến nhất và được đánh giá cao vì công thức nhẹ, hiệu quả mà người dùng tin rằng sản phẩm nội địa không thể sánh kịp.
 |
Các cửa hàng Olive Young là một trong những nơi tốt để mua các sản phẩm làm đẹp hiệu quả nhưng giá cả phải chăng tại Hàn Quốc - Ảnh: WENDY TEO/Straits Times |
Việc mua sắm hoảng loạn diễn ra khi Hàn Quốc bị áp mức thuế quan đối ứng là 25% - một trong những quốc gia có các hiệp định thương mại tự do với Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mỹ đã tạm dừng mọi đợt tăng thuế quan, ngoại trừ khoản thuế đối với Trung Quốc, trong 90 ngày cho đến ngày 8/7.
Seoul sẽ cử cả Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Choi Sang-mok và Bộ trưởng Thương mại Ahn Duk-geun đến Washington vào tuần tới để bắt đầu các cuộc đàm phán về thuế quan.
Dựa trên dữ liệu từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm K-beauty đã đạt mức kỷ lục 10,2 tỷ USD vào năm 2024, vượt mốc 10 tỷ USD lần đầu tiên, với mức tăng trưởng xuất khẩu hằng năm hơn 20% kể từ năm 2020.
Mỹ là điểm đến lớn thứ hai của các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc sau Trung Quốc.
Một báo cáo do Samsung Securities công bố vào tháng 1/2025 dự đoán doanh số thương mại điện tử tăng trưởng 43% chỉ riêng đối với các sản phẩm kem chống nắng do Hàn Quốc sản xuất.
Tờ Korea Herald đưa tin vào ngày 17/4, do nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc, hai nhà sản xuất mỹ phẩm lớn của Hàn Quốc là Kolmar Korea và Cosmax đang tăng cường sản xuất tại các nhà máy của họ ở Mỹ ít nhất gấp hai lần. Các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ sẽ không phải chịu các biện pháp thuế quan.
Quay trở lại Seoul, hai nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước lớn nhất là LG Household and Health Care và Amorepacific, những công ty không có nhà máy sản xuất tại Mỹ, cho biết họ vẫn đang theo dõi tình hình trước khi quyết định có tăng giá các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ hay không.
Một quan chức của LG, công ty đứng sau các thương hiệu như The Face Shop và The Whoo, cho biết thuế quan chắc chắn sẽ tác động đến doanh số bán hàng, đồng thời cho biết họ sẽ hiệu chỉnh phản ứng dựa trên kết quả đàm phán thuế quan.
Đối với Amorepacific, công ty đứng sau các thương hiệu như Sulwhasoo, Laneige và Innisfree, Mỹ đã trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của công ty vào năm 2024, vượt qua Trung Quốc.
Phó giáo sư kinh tế Lee Mun-seob từ Đại học California San Diego (Mỹ) nói với tờ Straits Times rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ “tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên nhiều ngành công nghiệp, bất kể sản phẩm cuối cùng có nguồn gốc từ đâu”. Tuy nhiên, ông không mong đợi nó sẽ “gây tổn hại không cân xứng đến các nhà sản xuất Hàn Quốc”.
Giáo sư Lee nói thêm rằng gánh nặng tài chính của thuế quan sẽ được phân bổ cho các nhà sản xuất Hàn Quốc, các nhà phân phối Mỹ và người tiêu dùng Mỹ.
“Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải gánh chịu phần lớn chi phí, vì các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc cung cấp các tính năng đặc biệt không dễ thay thế trên thị trường” - ông nhận xét.
Riêng anh Ko cho biết việc phải đối phó với giá cả cao hơn là hệ quả tất yếu của cuộc chiến thuế quan. Anh chia sẻ: “Thật không may là chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả nhiều tiền hơn cho quần áo, giày dép… mọi thứ! Mọi người sẽ phải chịu khổ”.
Linh La (theo The Straits Times)