Người bạn AI - giải pháp cho “đại dịch cô đơn” toàn cầu

08/05/2025 - 07:10

PNO - Giữa lúc “đại dịch cô đơn” đang lan rộng trên toàn cầu, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn trở thành người bạn của mọi người, giúp họ được giao tiếp và lắng nghe. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về việc cần kiểm soát, tỉnh táo với mối quan hệ này.

Người bạn “ảo”

Đầu tháng Năm, nhà đồng sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg - đã giới thiệu ứng dụng Meta AI, một ngôi nhà dành riêng cho chatbot trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này đã leo lên vị trí số 2 trên bảng xếp hạng tải xuống miễn phí trên iPhone, hứa hẹn với người dùng một AI “cá nhân hóa” với các câu trả lời và lời khuyên được thiết kế riêng. Ứng dụng cũng bao gồm một mạng xã hội mới để mọi người chia sẻ các cuộc trò chuyện và hình ảnh AI của họ. Trong một cuộc phỏng vấn, Mark Zuckerberg cho rằng các trợ lý AI và chatbot (trợ lý trò chuyện ảo) ngày càng tích hợp của công ty Meta có thể bù đắp khoảng trống cô đơn của mọi người do thiếu bạn bè. Ông chia sẻ: “Người Mỹ trung bình có ít hơn 3 người bạn. Trong khi mọi người cần khoảng 15 người bạn hoặc các mối quan hệ có ý nghĩa tương tự”.

Mark Zuckerberg lưu ý mọi người cần tăng cường kết nối trực tiếp ngoài đời thực. Với những người khó kết nối dễ cảm thấy cô đơn, tình bạn giữa con người với AI sẽ càng phát triển. Một cuộc thăm dò vào tháng 10/2024 của tổ chức Gallup cho biết, sự cô đơn đang ảnh hưởng đến 20% người lớn ở Mỹ. Một cuộc thăm dò khác cũng vào năm 2024 của Hiệp hội Tâm thần Mỹ cho thấy: 30% người trưởng thành trải qua cảm giác cô đơn ít nhất một lần mỗi tuần trong năm qua; 2/3 số người được hỏi thừa nhận công nghệ “giúp họ hình thành các mối quan hệ mới”.

Những người cao tuổi ở Punggol, Singapore tương tác với Dexie - một rô bốt hình người giúp tương tác và hỗ trợ vận động cho người cao tuổi  - Nguồn ảnh: Bright Hill Evergreen Home
Những người cao tuổi ở Punggol, Singapore tương tác với Dexie - một rô bốt hình người giúp tương tác và hỗ trợ vận động cho người cao tuổi - Nguồn ảnh: Bright Hill Evergreen Home

Các nhà nghiên cứu từ nền tảng bán lẻ Carewell (Mỹ) đã thăm dò ý kiến ​​của hơn 1.000 người trên 55 tuổi và ghi nhận: 78% thường xuyên sử dụng AI - bao gồm ChatGPT, Alexa và Google Assistant - cho nhiều mục đích; 56% tìm đến công nghệ để được trợ giúp hoàn thành các công việc hằng ngày chẳng hạn như lập kế hoạch bữa ăn; 46% sử dụng công nghệ để tra cứu thông tin liên quan đến sức khỏe; 18% người già cảm thấy thoải mái với những “người bạn số” và 64% người chăm sóc cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhờ những tiến bộ công nghệ. Theo các nhà phân tích từ Carewell, những phát hiện trên cho thấy tiềm năng của AI trong việc giúp người cao tuổi tự chủ hơn và tăng cường sự độc lập của họ.

Tại Singapore, nhiều người cao tuổi sống một mình cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với nhân viên chăm sóc từ các trung tâm chăm sóc người cao tuổi (AAC) qua điện thoại. Từ đầu năm 2025, một giải pháp tự động mới của Hiệp hội Dịch vụ Lions Befrienders đã cung cấp cho 26.000 người cao tuổi sự hỗ trợ nhất quán và kịp thời. Được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh (gen AI), hệ thống đã tự động hóa các cuộc gọi, kiểm tra và theo dõi phúc lợi từ xa cho người cao tuổi. Hệ thống bao gồm một trợ lý giọng nói AI tự nhiên, có thể trò chuyện với cư dân cao tuổi giống như nhân viên chăm sóc. Điều này cho phép người già giao tiếp với hệ thống như cách họ thường giao tiếp với gia đình hoặc hàng xóm. Chuyên gia Muhammad Hazwan Ismail từ Lions Befrienders chia sẻ: “Nhờ hệ thống tự động tích hợp AI, những người cao tuổi sẽ không cảm thấy họ bị lãng quên”.

Còn nhiều phức tạp

Các nghiên cứu về tiếp thị, tương tác giữa người và máy tính cho thấy AI đàm thoại có thể mô phỏng một cách thuyết phục các giao tiếp của con người, mang lại sự hài lòng về mặt cảm xúc cho người dùng. Người bạn đồng hành AI không phải là điều mới mẻ. Các ứng dụng cũng đã mở đường cho mối quan hệ “lãng mạn kỹ thuật số” cách đây nhiều năm, khi người dùng hình thành tình cảm thân mật với “người tình” AI của mình, thậm chí họ còn cảm thấy đau khổ khi bị khước từ.

Nhìn chung, người bạn đồng hành AI có khả năng làm giảm sự cô đơn, nhưng việc sử dụng chúng không kiểm soát cũng gây ra những lo ngại. Một cậu bé 14 tuổi ở Mỹ đã tự sát vào năm 2024 sau khi nói chuyện với chatbot AI mô phỏng nhân vật Daenerys Targaryen từ bộ phim Game of Thrones trên trang Character.ai - nơi người dùng có thể tạo chatbot dựa trên những người ngoài đời thực hoặc hư cấu.

Đáng buồn hơn, vào tháng 3/2025, mẹ của cậu bé xấu số cảm thấy “kinh hoàng” khi phát hiện các chatbot mô phỏng con trai bà đang được lưu trữ trên nền tảng Character.ai. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà các chatbot AI trở nên thiếu kiểm soát. Vào tháng 11/2024, chatbot AI của Google là Gemini đã đe dọa một sinh viên ở bang Michigan (Mỹ) bằng cách bảo anh ta “làm ơn chết đi” khi hỗ trợ làm bài tập. Những sự cố trên làm nổi bật những rủi ro của việc đặt tình cảm vào AI một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là đối với những cá nhân dễ tổn thương như trẻ vị thành niên và người già.

Linh La (theo The Conversation, The Washington Post, Straits Times, Independent, NDTV)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI