Nghỉ dịch ở nhà càng thán phục mẹ chồng

09/06/2021 - 06:17

PNO - 6 giờ sáng, lũ trẻ đã nháo nhào quậy phá. Khi tôi ngáp ngắn ngáp dài xuống bếp, đã thấy mẹ chồng đứng nấu cháo, làu bàu nhắc tụi nhỏ.

Vợ chồng tôi sống cùng mẹ chồng từ khi tôi chuyển chỗ làm xa nhà hơn. Tính ra cũng đã hơn 3 năm bà sống cùng con cháu. Thời gian dài đủ khiến mẹ và tôi hòa hợp về sinh hoạt. Bà chẳng phải người khó chịu, xét nét gì, nên chưa từng có tranh cãi, xích mích mẹ chồng - nàng dâu.

Gần đây, chồng tôi hầu như chỉ ở bệnh viện. Anh phải trực nhiều nên cũng hạn chế về nhà vì sợ lây nhiễm cho gia đình. Tôi cũng được công ty cho ở nhà làm việc online. Mẹ chồng biết con dâu tuy có mặt ở nhà, nhưng bận việc cả ngày, bà cũng để cho tôi thoải mái, tự do. Lũ trẻ nghỉ hè mùa COVID-19, chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường, một tay bà lo từ A đến Z.

Tôi là dân kinh doanh, xưa nay tôi bận rộn, lại hiếm khi thủ thỉ tâm tình cùng mẹ, cũng không thể ngọt ngào, hỏi han như những cô con dâu khác. Nhiều khi muốn quan tâm bà, tôi chỉ mua một vài món ngon, ít thuốc bổ để bà dùng.

Tôi cứ nghĩ mình cũng được xếp vào hạng “biết điều, biết ý”, nhưng mấy ngày nghỉ dịch, tôi mới thật sự có cơ hội hiểu thêm về mẹ chồng.

Nhờ ở nhà, tôi mới nhìn thấy những vất vả của mẹ chồng suốt thời gian qua - Ảnh minh họa

Nhờ ở nhà, tôi mới nhìn thấy những vất vả của mẹ chồng suốt thời gian qua (Ảnh minh họa)

Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng là lũ trẻ đã tỉnh như sáo. Đứa thì lằng nhằng mãi không chịu đánh răng rửa mặt, đứa thì không chịu ăn sáng, cứ dán mắt coi tivi. Mẹ chồng tôi hết càu nhàu, trách móc lại ép buộc. Mấy ngày đầu, tôi không khỏi khó chịu vì đang họp trực tuyến mà mấy bà cháu cứ ồn ào với đủ loại thanh âm “sống động”.

Một bữa, lúc tôi bớt việc, xuống nhà lấy nước, thấy mẹ chồng đang ngồi trên ghế dài, hai đứa con tôi thì ngoan ngoãn ngồi học. Tôi không biết bà nghĩ gì khi ấy, nhưng một tay bà buông thõng, một tay còn lại nắn nắn xoa xoa khớp tay kia. Thấy thế, tôi hỏi thăm, đề nghị bữa tối tôi nấu cơm thay bà.

Vậy mà lúc vào bếp, bà vẫn giành làm cùng. Bà trách tôi làm mẹ mà sao không nhớ là thằng lớn thích ăn cơm thịt ba rọi kho, còn thằng nhỏ thì thích tôm rim mặn, sao lại để lẫn lộn đồ ăn của hai đứa.

Tôi nghe mà ngẩn người. Suốt buổi nấu ăn, bà cứ đứng nói, một kiểu nói của các bà các mẹ ngày xưa, nửa dạy dỗ, nửa trách, nhưng không hề gay gắt.

Tự nhiên tôi buột miệng: “Thế mẹ thích ăn gì ạ? Mai con thu xếp đi chợ nấu nhé”.

Mẹ chồng tôi nhanh nhảu: “Ôi ăn gì chả được. Tụi nhỏ ngày nào chẳng ăn dư một mớ, có hôm mẹ ăn vét nồi vét chén tụi nó là thấy no, mùa dịch mua làm gì nhiều hả con, bỏ phí”.

Tôi nghe mà nghèn nghẹn, chẳng nói được lời nào nữa. Vì công việc, tôi cũng thường làm cố cho xong nên thường không xuống ăn cùng bà. Có xuống ăn cùng, một đứa con dâu đểnh đoảng như tôi cũng không để ý bà ăn gì. Đâu ngờ, bà thường túi bụi phục vụ đám cháu rồi ăn hết phần tụi trẻ bỏ thừa.

Tối đó, tôi nói khi hết dịch muốn đưa cả nhà đi du lịch. Tôi hỏi mẹ chồng muốn đi đâu, bà suy nghĩ kỹ rồi bảo: “Nếu hết dịch, mình đi Huế đi con. Ngày xưa, lúc ba tụi con còn sống, mẹ và ba đã đến đó, chưa từng được quay lại”.

Tôi “dạ” một tiếng rồi quay mặt giấu xúc động. Trước giờ, tôi chưa từng để ý đến mong ước nào của mẹ chồng. Tôi cũng chưa từng để ý một ngày bà phải lau nhà 2, 3 lần để sàn thật sạch cho các cháu bò lăn bò toài chơi. Nếu không có lần tình cờ xuống nhà lấy nước, chắc tôi cũng chẳng để ý bà bị đau khớp tay, phải tranh thủ giờ các cháu học để ngồi nắn bóp.

Vợ chồng tôi mải bươn chải bên ngoài, tưởng mua cho mẹ vài món ngon, vài vỉ thuốc bổ là đã đủ đầy, để những vất vả trong nhà mẹ gánh hết. Nhớ lại, tôi thầm trách bản thân vì từng phàn nàn với chồng việc bà hay càm ràm các cháu, hay làm nhà cửa ồn ào. Mùa dịch ở nhà tôi mới biết, nếu bà không nhắc nhở, lũ trẻ còn hư hỗn, còn làm loạn đến đâu...

Tôi tự hứa đợi khi dịch qua đi, sẽ đưa mẹ chồng đến Huế, sẽ trò chuyện, thủ thỉ với bà nhiều hơn. Nhờ những tháng ngày sống chậm tôi kịp nhận ra vài mong mỏi nhỏ nhoi của bà, mới hiểu những khó khăn bao năm bà trải qua, mới bội phần thán phục mẹ chồng vì bà đã không một lời than vãn...

Nguyệt Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI