Nam giới ở đâu?

08/03/2019 - 15:00

PNO - Lần lại những vệt thông tin trên truyền thông về phong trào nữ quyền, Sarah Stankorb nhận ra, khoảng trống quan tâm ấy đã đẩy nam giới về phía đối đầu, khiến hành trình tiến tới bình đẳng phân cực.

Nam giới ở đâu khi câu chuyện nữ quyền ngày càng sôi nổi, chạm vào mọi ngóc ngách cuộc sống?

Sarah Stankorb là người mẹ hai con, đủ trai đủ gái. Góc nhìn nữ quyền của cô là sự đồng cảm và thấu suốt, điềm tĩnh để nhìn thấy con chị đang ở đâu giữa “làn sóng nữ quyền”.

Nam gioi o dau?
 

Tháng 10/2018, khi chính trường Mỹ ồn ào chuyện Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cho ông Brett M. Kavanaugh - người bị tố cáo lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ - vào ghế Thẩm phán Tòa án tối cao, Sarah có mặt tại một hội nghị về nữ lãnh đạo. Chị giật mình với câu hỏi từ một người tham dự: “Chủ nghĩa nữ quyền đang tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho nữ giới, còn nam giới thì sao?”. Chính các con trai của người đưa ra câu hỏi đã phản đối mẹ, khi nghe mẹ mình “hô hào” quá nhiều từ ngữ mang sắc thái nữ quyền mà quên rằng, con mình cũng cần sự động viên, khích lệ, rằng không phải người đàn ông nào cũng là mục tiêu trong tầm ngắm của phong trào #metoo.

Lần lại những vệt thông tin trên truyền thông về phong trào nữ quyền, Sarah Stankorb nhận ra, khoảng trống quan tâm ấy đã đẩy nam giới về phía đối đầu, khiến hành trình tiến tới bình đẳng phân cực. Những câu truyền cảm hứng từ hình tượng ứng cử viên Hillary Clinton ở thời điểm thế giới hướng đến bầu cử Mỹ, các bé gái và phụ huynh có quyền kỳ vọng, tin làn sóng mạnh mẽ sẽ làm nên chuyện, sẽ tạo nên thế hệ trẻ em gái đầy tự tin và bản lĩnh. Nhưng giữa loạt thông tin ấy, những cậu bé trai đã bị bỏ rơi. Không ai biết các em cũng đang từng ngày đối diện với cuộc chiến bình đẳng giới ở góc độ chẳng mấy ai thấu hiểu. Các em, dù có yêu thích màu hồng, màu tím cũng chẳng dám bày tỏ, chỉ biết loanh quanh với lựa chọn màu sắc “nam tính” như xanh, đen, xám; rồi loay hoay với những mẩu lego, trò chơi điện tử mà không phải bé trai nào cũng hứng thú. “Con có thể trở thành bất cứ ai con muốn” là một trong những câu nói ý nghĩa, minh họa rõ nhất tinh thần nữ quyền; thật chẳng may, chỉ hướng đến trẻ em gái mà quên mất những cậu bé trai.

Con trai của Sarah Stankorb đã 11 tuổi và cô không biết làm sao giải thích với con ý nghĩa của câu khẩu hiệu: “Đã đến thời của nữ giới” hay “tương lai là nữ giới”. Nếu con trai của Sarah là cậu bé nhạy cảm, tinh tế thì con gái cô lại mạnh mẽ, nóng tính. Sarah Stankorb không chủ ý dạy con theo hướng thời đại này là thời đại của nữ giới, nhưng cô nhận ra những tác động của phong trào nữ quyền và những ngã rẽ xa với tinh thần nữ quyền ban đầu. Sarah chỉ muốn các con phát huy tối đa tiềm năng của mình. Cô xem thế là bình đẳng. Không nhất thiết bé gái nào cũng mơ thành tổng thống mới là tinh thần nữ quyền.

Sự tự do nội tâm, tự do bày tỏ, thể hiện qua từng lời nói, hành động, lựa chọn… đó chính là bình đẳng mà ở đó, mỗi người đều hạnh phúc, bởi được tự do trải nghiệm hành trình của riêng mình.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI