Mỹ và EU cáo buộc Trung Quốc dùng chính sách “ngoại giao bẫy nợ” với châu Phi

14/11/2020 - 16:07

PNO - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 12/11 cho biết Trung Quốc sẽ giúp tài trợ phát triển khu vực thương mại tự do toàn châu Phi (AfCFTA), khu vực này sau khi hoàn thành sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 55 quốc gia với tổng GDP là 3,4 nghìn tỷ USD và khoảng 1,3 tỷ người tiêu dùng.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại Moscow, Nga, ngày 11/9/2020 - Ảnh: EPA-Yonhap
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại Moscow, Nga, ngày 11/9/2020 - Ảnh: EPA-Yonhap

Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 20 năm Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) hôm 12/11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh hoan nghênh việc phát triển Khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) và "sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo nâng cao năng lực cho ban thư ký điều hành".

Ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp ở châu Phi thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đồng thời mở cửa thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc đối với các sản phẩm từ châu Phi. Bộ trưởng Vương Nghị nói Trung Quốc và châu Phi cần tăng cường hợp tác thương mại tự do sâu rộng và cải thiện tính kết nối của các chuỗi cung ứng và công nghiệp “để châu Phi có thể tiếp cận tốt hơn thị trường rộng lớn của Trung Quốc và tham gia vào lưu thông kinh tế quốc tế".

Khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa Châu Phi (AfCFTA) - có trụ sở chính tại thủ đô Accra của Ghana - dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào năm 2021, sau khi đã bị đại dịch COVID-19 trì hoãn. Tất cả các quốc gia châu Phi - trừ Eritrea, một trong số 55 thành viên của Liên minh châu Phi - đã ký thỏa thuận AfCFTA, trong đó 30 quốc gia đã phê chuẩn tham gia khu vực thương mại tự do.

David Shinn, giáo sư Trường Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington và là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cho biết cam kết rõ ràng của Trung Quốc đối với AfCFTA là một bước phát triển tích cực, nhưng phía sau lại  nó nằm ở những chi tiết.

Ông Shinn nói: "Chính xác thì Trung Quốc sẽ cung cấp những gì để hỗ trợ AfCFTA và họ sẽ làm được điều gì khác với những nước khác có thể làm?”. Ông cho biết trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Phi rất quan trọng và có tăng trưởng, nhưng con số này vẫn khá khiêm tốn. Theo ông Shinn, “tổng nguồn vốn FDI của Trung Quốc ở châu Phi thấp hơn so với Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí còn ít hơn tổng vốn đầu tư của Mỹ”.

Theo Bộ trưởng Vương Nghị, FDI của Trung Quốc vào châu Phi năm ngoái đạt 49,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với thương mại 2 chiều đạt 208,7 tỷ USD vào năm 2019. Ông Vương Nghị cho biết các công ty Trung Quốc cũng đã xây dựng hàng chục khu hợp tác kinh tế và khu công nghiệp trên khắp châu Phi. Kể từ khi ra đời Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC), Bắc Kinh đã giúp xây dựng và tài trợ hơn 6.000km đường sắt, một độ dài tương tự đường bộ, gần 20 bến cảng, hơn 80 nhà máy điện quy mô lớn, hơn 130 cơ sở y tế, 45 sân vận động và khoảng 170 trường học.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tài trợ cho việc xây dựng trụ sở mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi ở Addis Ababa, Ethiopia. Theo số liệu Sáng kiến ​​Nghiên cứu châu Phi của Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins ở Washington, Bắc Kinh đã ứng trước khoản vay trị giá 148 tỷ USD cho châu Phi từ năm 2000 đến năm 2018.

Tại hội nghị thượng đỉnh FOCAC 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết hỗ trợ tài chính và cho Lục địa Đen vay 60 tỷ USD. Sự hào phóng của Bắc Kinh lập tức bị Mỹ và các nước châu Âu cáo buộc là Trung Quốc đang dùng chính sách “ngoại giao bẫy nợ” đối với châu Phi.

Thanh Hải (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI