Mùi Chanel & chuyến bay bị trễ

13/06/2013 - 22:53

PNO - PNCN - Chuyến bay đi Điện Biên cất cánh trễ do thời tiết xấu.

Khi nghe Vietnam Airlines thông báo, tôi không mấy ngạc nhiên, bởi hai ngày qua, mây xám bầu trời và cơn mưa rả rích suốt đêm qua. Tuy vậy, tôi vẫn hụt hẫng. Hai ngày cuối tuần ở Điện Biên sẽ phải rút ngắn lại. Những điểm tôi định đến có lẽ không đủ thời gian để đi hết. Tôi gọi báo cho mẹ biết chuyến bay hoãn lại. Bà đang bận cuộc thương thảo làm ăn. “Mẹ sẽ gọi lại cho con!”, bà nói, rồi cúp máy. Tôi gọi cho cha. Qua giọng nói, ông có vẻ vui khi nghe con trai gọi. Ông đang cùng gia đình, dĩ nhiên là gia đình mới của ông, nghỉ cuối tuần ở biển. Ông bảo: “Nếu chuyến bay hủy thì con ra đây với ba!”. Trước khi cúp máy, ông nói: “Cuộc đời luôn gặp những điều bất ngờ con à!”. Khi nghe cha triết lý, không hiểu sao, tôi lại thấy tiếc vì đã gọi cho ông. Tắt điện thoại, tôi uể oải ngồi xuống ghế chờ.

Quanh tôi, hành khách cùng chuyến bay, vẻ bồn chồn hiện rõ trên mặt. Một số người bước đến quầy giải khát, chọn chỗ ngồi rồi gọi nước uống và thức ăn nhẹ. Tôi cũng rảo một vòng, bước đến quầy giải khát mua một hộp cà phê đá, rồi trở về chỗ ngồi, mở ngăn túi, lấy ra quyển sách.

Chỉ ít phút sau, tôi bị cuốn vào nhân vật xưng tôi trong Gió phương nam, trong tập truyện của Le Clézio (*). Đó là tâm trạng háo hức săn lùng, thứ cảm xúc chưa định dạng được trong tâm hồn cậu con trai mới lớn với một người phụ nữ vừa là người giúp việc vừa là người tình lén lút của cha mình, người đàn ông bị vợ rời bỏ. Rồi ít phút tiếp theo, tôi lại nhận ra, dường như “chút rượu” của Le Clézio tuy vẫn còn cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi, đã không đủ nồng khiến tôi chếnh choáng, khi diễn biến của câu chuyện không đi đến đâu. Tất cả nhân vật trong Gió phương nam lần lượt leo lên chuyến tàu thời gian, rồi mất hút.

Tôi lật sang trang mới. Khi vừa đọc qua cái tên của truyện tiếp theo thì mũi tôi hít phải mùi nước hoa quen thuộc, mùi Chanel, mùi nước hoa duy nhất mà mẹ tôi dùng. Tôi không rõ bà dùng loại nước hoa này từ khi nào. Tôi chỉ biết, mình đã lớn lên cùng mùi hương đó. Mùi hương lúc nào cũng dìu dịu tỏa ra từ tóc, từ đôi bàn tay, từ làn da, từ quần áo của bà. Mùi hương thoang thoảng vẫn lưu lại trong ngôi nhà ngay cả khi mẹ đi vắng. Đó còn là thứ quà mà cha tôi luôn mang về tặng mẹ tôi sau mỗi chuyến công cán. Mùi hương ấy còn quyện vào nhiều hình ảnh buồn vui về mẹ, về cha, về cái gia đình đã không còn trọn vẹn của mình. Tôi bỏ trang sách, ngước nhìn cô gái mang theo mùi hương Chanel đang đứng trước dãy ghế tôi đang ngồi. Cô gái đưa mắt tìm chỗ trống.

Sự xuất hiện đột ngột và vẻ đẹp quyến rũ của cô gái mặc quần short, áo thun ôm sát người, kéo tôi ra khỏi trang sách.

Tôi bỏ cái ba lô xuống chỗ chân, định dành chỗ trống cho cô gái. Tôi chưa kịp mở lời, gã to con râu ria rậm rạp ngồi đối diện đã nhanh hơn. Hắn đứng phắt dậy, nhún người, đưa tay chỉ vào chỗ mình vừa ngồi, mời. Cô gái nhìn người đàn ông có cử chỉ lịch sự hơi thái quá, nói: “Cảm ơn!”, rồi tiếp tục kéo chiếc va li đi hết dọc ghế, lưỡng lự một chút, sau đó quay ngược lại, khi đi ngang chỗ tôi, hình như cô gái lia mắt vào quyển sách trên tay tôi, rồi tiến thẳng đến quầy giải khát.

Dường như tất cả con mắt đàn ông đều hướng cái nhìn vào bước đi uyển chuyển và vóc dáng quyến rũ của cô gái.

Khi cô gái đã tìm một chỗ ngồi lẫn với đám hành khách nơi quầy giải khát, tôi và có lẽ nhiều người trong đám mày râu, vẫn bật ngật trước vẻ đẹp ấy.

Ngoài cửa kính, mây xám đã nhường chỗ cho khoảng trời hửng nắng và trên đường băng, một chiếc máy bay đang chuẩn bị cất cánh. Bất chợt, tôi đưa mắt về phía quầy giải khát. Cô gái mang mùi hương Chanel đã không còn ngồi ở đó. Tuy nhiên, tôi vẫn còn thấy rõ vóc dáng tuyệt đẹp, dù chỉ được ngắm nhìn từ phía sau.

Ngắm nhìn từ phía sau, cô gái có vóc dáng giống hệt vóc dáng trong bức ảnh nuy nghệ thuật của Dương Quốc Định mà tôi xem nhiều lần. Tôi mở iPhone. Chỉ vài cú click, bức ảnh nuy lại hiện ra trước mắt tôi. Từ phía sau, một thân hình thanh xuân rạng rỡ với mái tóc thắt bím buông dài đến thắt lưng. Nếu mái tóc dài hơn, cô gái mùi hương Chanel chính là người mẫu trong bức ảnh khỏa thân mê hồn ấy. Mà biết đâu, lúc làm người mẫu chụp ảnh, tóc cô gái được nuôi dài.

Ý nghĩ đó vẫn lởn vởn trong đầu cho tới khi tôi lên máy bay và tìm chỗ ngồi. Lúc tìm thấy dãy ghế và số ghế, tôi sững lại, như không tin vào mắt mình khi thấy cô gái đã yên vị trên chiếc ghế sát cửa sổ, cạnh ghế của tôi.

Vẻ bối rối của tôi không làm cô gái chú ý. Đeo headphone, cô nghe nhạc và đưa mắt ra ngoài cửa sổ. Khi máy bay cất cánh, cô chăm chú, như nhìn từng đám mây cuồn cuộn vút qua.

Chiếc đùi trần thon dài của cô gái gần đến mức tôi có thể thấy được những mao mạch li ti trên làn da mịn. Và mùi hương, vừa mùi Chanel quen thuộc, vừa mùi thơm từ da nàng, tóc nàng, mái tóc uốn lượn buông thả xuống bờ ngực căng tròn. Sợ mình nghệch mặt ra trước mùi hương và cảm giác nhột nhạt trước khoảng cách quá gần với thân thể toát ra mùi hương ấy, tôi với tay lấy tờ Heritage Fashion ở lưng ghế trước mặt.

Tạp chí ra đã vài tuần. Loạt soạt mở hết trang này đến trang khác, cũng không có gì làm tôi chú ý. Tuy vậy, tôi vẫn dừng mắt ở bài viết: “Marc Jacobs, huyền thoại của làng thời trang thế giới”. Loáng thoáng đọc, loáng thoáng xem ảnh, tôi chợt nghe tiếng cô gái:

- Hình như anh cũng để mắt đến thời trang?

Giọng nói già dặn hơn vẻ ngoài và có một từ trường hút lấy người nghe. Suýt nữa tôi buột miệng: “Tôi chỉ để mắt đến bộ đùi của cô!”, nhưng đầu óc vẫn chưa mụ mẫm hoàn toàn, tôi nói:

- Ai mà không để mắt tới thời trang, nhất là khi thời trang tôn vinh cái đẹp.

- Anh thấy Marc Jacobs thế nào?

Tôi ghim mắt vào người đàn ông lừng danh này.

- Rất đàn ông!

- Không, ý tôi muốn hỏi anh về thời trang của ông ấy kia!

- Tôi… không rành thời trang.

- Vậy anh rành thứ gì?

Câu hỏi như móc máy của một người chưa hề quen biết, vừa vô duyên vừa thiếu lịch sự, lẽ ra tôi phải nổi cáu thì lại khiến tôi bối rối.

Rành gì ư? Chưa một ai hỏi tôi câu này và tôi cũng chưa lần nào tự hỏi. Mà thật ra, ở cái tuổi 33, sự trải nghiệm của tôi quả thật cũng chưa là bao, kể cả chuyện yêu đương. Gặp gỡ, hẹn hò, ngủ qua đêm với vài cô nàng, cũng chỉ dừng lại cái cảm giác thinh thích, nhơ nhớ và dễ trôi qua. Chưa cô gái nào khiến tôi say mê, cũng như tôi chưa từng là đối tượng đắm đuối của nhan sắc nào. Ngay cái công việc mà mẹ tôi muốn, là gánh vác thay bà, quản lý một công ty thương mại, tôi cũng chưa sẵn sàng. Chưa có gì khiến tôi đam mê, nhất là đam mê làm giàu. Thứ đam mê đã kéo mẹ, cha tôi đến với nhau và cũng là thứ đã đẩy họ xa nhau.

Mui Chanel & chuyen bay bi tre

Ảnh: Lan Huê

- Hình như tôi chẳng rành thứ gì cả. Còn cô?

- Tôi rành… nỗi buồn!

- Nỗi buồn? Đẹp như cô mà

cũng buồn?

- Đẹp và buồn, dường như đó là định mệnh.

- Hình như cô đang thất vọng…

- Không, chỉ buồn thôi.

- Và cô trốn nỗi buồn bằng một chuyến đi…

- Không, chuyến đi này không dính gì tới tâm trạng của tôi. Tôi chưa lần nào được tận mắt ngắm hoa ban. Mà sao anh hỏi nhiều vậy? Anh là nhà báo à?

- Cô thấy tôi giống nhà báo sao?

- Vừa giống vừa không.

- Nhận xét này lần đầu tôi mới được nghe.

- Giống, vì anh có con mắt tò mò. Không giống vì anh chăm chú đọc sách.

- Vậy nhà báo không đọc sách sao?

- Nhà báo trẻ như anh hình như họ không đọc sách, hoặc có đọc họ cũng chỉ đọc lớt phớt và thường đọc trên màn hình chớ không chăm chú đọc từng trang sách như anh.

- Cô cũng thích đọc sách?

- Đó là người bạn biết chia sẻ và không bao giờ phản bạn.

Chỉ vài phút sau, từ người bạn chung là những quyển sách văn học, tôi và cô gái trò chuyện khá thoải mái. Cô đọc nhiều quyển sách mà tôi đã đọc và có cảm nhận khá sắc sảo, nhiều khi chiều theo cảm tính của mình. Như người đàn bà bỏ chồng bỏ con theo người đàn ông khác trong Gió phương nam mà tôi vừa đọc khi nãy, lại được cô khăng khăng bảo vệ:

- Khi không còn tình yêu, không còn niềm vui mà vẫn phải cam chịu sống trong một mái nhà thì đó không còn là cuộc sống!

- Nhưng cuộc sống đâu chỉ có niềm vui một khi đã làm mẹ làm vợ…

Cô ngắt lời tôi:

- Vậy niềm vui chỉ là đặc quyền của cánh đàn ông các anh?

Trong giọng nói vút lên của cô gái có cái gì đó như sự dồn nén được bật nút và bùng nổ.

Sau cú dội ngược khi máy bay chạm đất, tôi mở điện thoại và thấy sáu cuộc gọi nhỡ của mẹ.

Tôi gọi lại cho mẹ. Bà òa lên mừng rỡ và hỏi đủ thứ chuyện như thể hai mẹ con xa nhau đã lâu lắm. Tôi trả lời từng câu hỏi, dù biết lúc nào cũng vậy, bà thích hỏi hơn là lắng nghe. Cha tôi rời bỏ bà, có lẽ không chỉ vì sự ham mê làm giàu không giới hạn của bà, mà còn do bà không có khả năng lắng nghe người khác, dù người đó là chồng hay con.

Còn lúc này, những câu hỏi liên tiếp của mẹ lại làm tôi sốt rột. Khi cắt được cuộc nói chuyện với bà, cô gái đã rời khỏi máy bay và đang bước xuống sân bay, nhanh chóng lẫn vào đám hành khách. Duy đôi chân thon dài rám nắng cùng vóc dáng đáy thắt lưng ong giống hệt người mẫu trong bức ảnh nuy chụp từ phía sau của Dương Quốc Định, là không lẫn vào đâu được.

Bích Ngân
(*) Nhà văn Pháp, Nobel văn chương 2008.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI