Một mình với con

03/04/2016 - 06:39

PNO - Dạo gần đây, tôi thấy lo thêm việc cháu bắt đầu trang điểm khi đi học, đầu tiên chỉ là chút son bóng, dưỡng môi, giờ thì son đỏ rõ ràng...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Con gái tôi 15 tuổi, đang học lớp 9, là lớp học cuối cấp nên bài vở nhiều, lịch học thêm dày đặc, tôi rất lo lắng cho kết quả học của cháu. Dạo gần đây, tôi thấy lo thêm việc cháu bắt đầu trang điểm khi đi học, đầu tiên chỉ là chút son bóng, dưỡng môi, giờ thì son đỏ rõ ràng, thêm vào đó là kem chống nắng, rồi để ý chuyện ăn mặc... Nếu tôi làm “chặt”, cháu mang đồ đến trường rồi vô nhà vệ sinh trang điểm, thậm chí thay cả áo lót màu, mặc dưới áo trắng đồng phục trông rất phản cảm.

Vợ chồng tôi chia tay, nên việc nuôi dạy con mình tôi cáng đáng. Thời gian mẹ con tâm sự cũng ít, vì việc học chiếm mất nhiều thời gian. Theo dõi trên facebook của cháu, tôi thấy cháu than thở bất hạnh vì cha bỏ rơi, gia đình thiếu thốn, bản thân cháu cô đơn và thiếu tình cảm, trong khi thực sự tôi không để cháu thiếu thốn gì, mà ba cháu cũng thường xuyên cho tiền cháu hàng tháng (anh ấy không đưa cho tôi, mà đưa thẳng cho cháu).

Hôm rồi phát hiện con chụp hình với bạn trai trông rất “người lớn”, tôi rầy la thì cháu dọa bỏ đi. Quan hệ mẹ con rất nặng nề, khó chịu, tôi canh chừng cháu, còn nó tỏ ra bất cần. Tôi chỉ sợ con lỡ có chuyện gì, mẹ con đều mang tiếng “con không cha như nhà không nóc”. Giờ tôi cũng không biết làm sao, vì tôi chỉ có mình cháu…

Bình Mai (TP.HCM)

Mot minh voi con
Ảnh mang tính minh họa

Chị Bình Mai thân mến,

Một mình nuôi con đúng là có những khó khăn đáng kể, nhất là vào lúc này - lúc cháu 15 tuổi, áp lực học hành bài vở là một chuyện lớn rồi, nhưng quan trọng hơn nữa là tâm lý tuổi dậy thì. Tất cả những biểu hiện của cháu: thích làm đẹp, bắt đầu trang điểm, chú ý đến bạn khác phái, thậm chí việc tự mô tả hoàn cảnh của mình nhuốm màu cô đơn, bị kịch… đều là biểu hiện của lứa tuổi này, muốn mình là trung tâm của mọi sự chú ý.

Vì vậy, chị đừng quá chú trọng vào việc phân tích đúng hay sai, rầy la cháu trong những phát ngôn có thể chính cháu cũng còn chưa hiểu hết. Nên thông cảm với độ tuổi, tâm sinh lý của con, để mình rộng rãi hơn trong suy nghĩ và từ đó mà có nhiều cách giải quyết vấn đề.

Chị phải mạnh mẽ lên để con mình nương vào nghị lực của mẹ. Đã chấp nhận chia tay, làm mẹ đơn thân, chị hãy bỏ qua bên những kiểu nói “con không cha…”. Tự mình biết con mình có cha, hãy nói chuyện với con về việc đó. Nói chuyện với con cả về việc mẹ chỉ có một mình con, nhưng mẹ con mình không thiếu thốn. Đừng ngại chiếm thời gian học của cháu, nếu chị không nói chuyện, cháu cũng sẽ nghĩ vu vơ những chuyện khác mà không chú tâm vào chuyện học hành.

Chuyện chồng chị đưa tiền cho con có thể có tác dụng không tốt. Chị nên kêu gọi sự hợp tác của chồng cũ, bằng cách gặp gỡ, nói chuyện với anh ấy về gánh nặng học hành thi cử cuối cấp, về chi phí, về việc con gái mua mỹ phẩm và những vật dụng phù phiếm không cần thiết, việc mua sắm này có thể làm cháu xao lãng việc học hành. Chồng chị không cần cắt hẳn tiền cho con gái, chỉ cần hạn chế bớt, số tiền còn lại có thể gửi vào một tài khoản chung để làm chi phí cho chuyện học hành của con.

Trong cuộc trao đổi này, chị cũng có thể nói về việc con gái đang tuổi cần kèm cặp, cần thấu hiểu, nên anh có thể giúp chị trong việc nói chuyện với con. Dù sống với chị, nhưng cháu vẫn là con anh, vẫn có cha, chứ không phải “con không cha” như thiên hạ nói. Cần vượt qua tự ái, vì con, mình có thể chịu khó trong nhiều việc chứ không chỉ việc này. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn, qua được lúc khó khăn này có thể cháu sẽ trưởng thành hơn, mong chị cố gắng.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI