Mở lòng để không đòi chia đến từng… đôi đũa

26/03/2023 - 07:06

PNO - Mới đây, trong một vụ ly hôn, khi chia tài sản, cả vợ lẫn chồng đều đòi chia hết số cá trong ao. Với lời phân tích, động viên của vị thẩm phán, người chồng đã đưa lại cho vợ số tiền ứng với giá trị phân nửa ao cá trên cơ sở ước lượng số ký và giá bán; tránh việc phải bắt cá lên chia khi chưa tới lứa xuất. Yêu cầu chia tài sản sòng phẳng, rạch ròi, kể cả những món đồ nhỏ nhặt là chuyện bi hài vẫn diễn ra ở chốn pháp đình.

Từng tiếp cận nhiều vụ ly hôn như thế, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) chia sẻ cảm nhận và trải nghiệm của mình với bạn đọc Báo Phụ nữ TPHCM.


Phóng viên: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Có phải vợ chồng chia sòng phẳng để thực sự dứt tình, không còn dây dưa hay vì những lý do gì, thưa luật sư?

Luật sư Trần Minh Hùng: Mỗi người mỗi tính cách. Có người khi yêu yêu rất dữ dội mà khi ghét thì không muốn có bất cứ thứ gì liên quan đến nhau nữa. Một khi đã xem nhau như “kẻ thù” thì một xu cũng không chịu thiệt. Họ làm những chuyện cho bõ ghét, hoặc cho sòng phẳng, công bằng đến cùng. Hoặc họ muốn làm khó, cố tình kéo dài vụ án để thỏa lửa hận, thỏa được “cái tôi” cá nhân. Cũng có thể nguyên do là về mặt lợi ích vật chất. Mặt khác, chính đối phương cũng yêu cầu chia rất chi tiết, khiến cho bên kia tức giận, phản kháng, trả đũa lại.

Ít người nghĩ cần sòng phẳng để dứt tình. Thực tế, ai cũng muốn mình được nhiều hơn, không bị thiệt thòi. Khối tài sản chung, vì những lẽ đó, không dừng lại ở căn nhà, mảnh đất, xe cộ mà đến chiếc ti vi cũ, bàn ghế, nồi niêu, bình trà, chén bát, con bò heo, vịt gà… cũng được liệt kê để chia. Trong quan hệ này, sự nhỏ nhặt, ích kỷ chiếm lĩnh, họ thiếu đi tính vị tha, quảng đại; ít nghĩ rằng người ấy dù sao cũng từng là vợ chồng mình, cho nhiều hơn chút cũng không sao. 

* Người nghèo có xu hướng “chia đến từng đôi đũa” hơn người giàu không, thưa luật sư?

- Không thể khẳng định nghèo, giàu thì ai tranh chấp tài sản gay gắt, khắc nghiệt hơn. Tùy vào tính cách, thái độ sống, mục đích của mỗi người và tình trạng căng thẳng của mối quan hệ. Có người rất giàu cũng yêu cầu chia rất chi li, chia cả những món đồ giá trị rất thấp, quyết không bỏ sót. Trái lại, có những cặp vợ chồng nghèo, cuộc sống bấp bênh, lại thỏa thuận phân chia tài sản rất êm thắm. Thậm chí vợ chồng cũ còn hỗ trợ tiền bạc cho nhau lúc bệnh tật.

Có những người luôn miệng nói “tài sản đối với tôi không quan trọng” nhưng thực tế cho thấy họ lại là những người sẽ đấu tranh quyết liệt để giành lấy tài sản. Câu nói tôi thường nghe quanh những vụ ly hôn, tranh chấp tài sản là: “Người này không xứng đáng để hưởng một xu, chẳng thà tôi đem cho từ thiện”. Nhưng luật sư không tin một người hành xử như thế lại có cái tâm để làm từ thiện.

* Những câu chuyện “cạn tàu ráo máng” luôn gây sự bất bình, chê trách của dư luận, nhưng rồi kịch bản ấy vẫn tái diễn…

- Thực ra, chúng ta không sống trong gia đình ấy và mỗi gia đình một hoàn cảnh nên đâu thể hiểu hết nội tình. Nếu đứng ở góc độ của họ, có thể ta sẽ phần nào chia sẻ được. Bởi vì họ rơi vào hoàn cảnh đó nên đưa đến những tranh chấp phức tạp và nhỏ nhặt như thế. Cũng có thể họ bị căng thẳng tâm lý về mặt con cái, sắp xếp lại cuộc sống, áp lực về mặt tình cảm, tài chính… Khi một gia đình đổ vỡ, trái tim ít nhiều tổn thương, không phải ai cũng có đủ sự sáng suốt, lòng bao dung, vị tha để có lời nói hay, hành động đẹp, ít nhất là trong chuyện chia tài sản.

* Có bao giờ luật sư khuyên thân chủ của mình cắt giảm “hạng mục” tranh chấp?

- Dù luật sư phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của thân chủ, tôi vẫn thường khuyên thân chủ cân nhắc về những tài sản yêu cầu chia, bỏ qua những gì nhỏ nhặt, nhường được gì thì nhường. Vật chất rất quan trọng, nhưng sa vào tiểu tiết có khi mất nhiều hơn được. Mở lòng hơn thì vụ án sẽ kết thúc nhanh chóng, tốt đẹp và mối quan hệ qua lại, hỏi han sức khỏe nhau hay thăm nom, giáo dục con cái sau ly hôn sẽ được vui vẻ, nhẹ nhàng.

Kinh nghiệm pháp đình cho tôi thấy rõ tỉ lệ thuận giữa chia tay êm dịu và văn hóa ly hôn. Việc tranh chấp đến tận cùng, không khoan nhượng sẽ có sức ám ảnh sâu sắc, dài lâu. Sự xung đột, hằn học của người lớn khiến tâm lý con cái phát triển không ổn định, thậm chí có những hành vi sai lệch, phạm tội, rất xót xa.

Có người thẳng thừng đưa ra yêu cầu chia, không nói lý do nhưng có người diễn giải hoặc đưa ra lời ngụy biện rằng “tôi muốn được chia vì vật đó gắn với kỷ niệm của tôi hoặc vật đó giúp tôi may mắn, khởi nghiệp thuận lợi…”. Giai đoạn ly hôn thử thách rất lớn lòng vị tha, nhân văn của con người. Không phải dễ để thuyết phục một người trút bỏ bớt yêu cầu, mong muốn của họ trong tâm trạng “ghét nhau bồ hòn cũng méo” nhưng tôi vẫn phân tích cho họ bình tâm, nhìn rộng hơn, xa hơn, bớt cứng nhắc. Một tâm thế tốt để lật sang trang mới không gì hơn là nghĩ đối phương dù sao cũng là người từng đầu gối, tay kề, là cha/mẹ của các con mình.

* Xin cảm ơn luật sư.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI