Mẹ 'bòn' tiền con gái

22/02/2020 - 16:22

PNO - Mỗi lần nhận được điện thoại của mẹ là Linh lại thở dài. Mẹ ruột cô đấy, và nội dung những cuộc điện thoại thường giống nhau đến 90%.

Dù Linh đã cố tình không nghe máy, nhưng mẹ vẫn kiên trì, cuối cùng cô đành chịu thua. Mẹ không rào đón: “Mày gửi cho mẹ mười triệu đi!”, không đợi cô nói gì, mẹ chặn ngay: "Mấy lời mày định nói tao nghe nhàm lắm rồi. Mày nhìn coi, trong nhà có mình mày nhà cao cửa rộng, vợ chồng con cái nhà mày xài đồ hiệu, đi xe hơi, ngủ máy lạnh. Trong khi mẹ mày và các anh chị mày cơm còn chưa đủ ba bữa mà mày còn tính toán!"

Linh có ba anh trai, tưởng nhà có mình cô là gái thì được nuông chiều, nhưng không phải. Các anh ai cũng được học hành đàng hoàng và ở lại quê nhà, có mỗi mình cô đi học xa và trụ lại thành phố rồi lấy chồng.

Không biết có phải ở gần mẹ, nhà lại có sẵn đất, mà ba ông anh đã lười biếng còn ỷ lại. Dù có công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng ở tỉnh lẻ thu nhập không được tốt, hết giờ làm các anh chỉ ngồi nhà chơi. Mấy lần Linh nhờ bạn bè giới thiệu việc cho, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn là bỏ, lúc thì chê người ta khó tính, lúc chê việc cực...

Lấy vợ rồi cũng chẳng thay đổi được gì. Mảnh đất của ông bà để lại, mẹ chia cho ba anh làm nhà, nói là ở riêng chứ hàng ngày vẫn sang mẹ cơm nước, con cái quăng mẹ lo, nhà cửa quần áo cũng mẹ.

Tính ra điều kiện của cô khá hơn các anh nên cô thỉnh thoảng lại mua quà cho đám cháu. Mùa tết thì quần áo, bánh kẹo, khai trường thì sách tập, hè còn đưa các cháu vào thành phố chơi. 

Mẹ vất vả với đám con trai lười biếng, ỷ lại. Ảnh minh hoạ
Mẹ vất vả với đám con trai lười biếng, ỷ lại. Ảnh minh hoạ

Năm ngoái, vợ chồng Linh quyết định xây lại nhà, biết mẹ và các anh không dư giả nên cô không hỏi mượn. Lúc mừng nhà mới, mẹ và các anh chị có vào chơi cho biết. Mẹ trầm trồ nói nhà có bốn người mà xây chi ba tầng cho lắm. Các anh thì nói phòng tắm nhà mày bằng nguyên nhà tao.

Sau đó, mọi người như đổi khác. Mẹ gọi điện vào thường xuyên hơn, lần nào cũng nói, mẹ cần tiền đi khám bệnh, cắt thuốc, cần tiền mua ít hạt giống rau củ, cần tiền... Điệp khúc cần tiền đến mức muốn mua đôi dép cũng thành lý do.

Mẹ có lương hưu, rau cỏ quanh vườn đủ dùng, thi thoảng còn mang bán, con cái lại ở quanh. Mỗi tháng Linh biếu mẹ mấy triệu đồng tiêu vặt, nhưng cô không biết mẹ có bao giờ xài đến tiền, những đồng tiền đó cứ lần lượt chui vào nhà các anh.

Nay thì anh Hai cần đổi xe, khi chị Ba muốn mua điện thoại mới, lúc nhà anh Tư đổi tivi, con anh Hai mua xe đạp…

Số tiền hàng tháng Linh gửi dần dà không thấm vào đâu. Không đợi cô gửi, mẹ quay ra xin, lần nào cũng có lý do. Những lần đầu cô không để ý, nghĩ mẹ cần thật, nhưng tần suất cứ ngày một dày thêm, cô không chú ý cũng khó.

Linh còn chồng con. Chồng Linh không quan tâm đến chuyện vợ chi tiêu gì, nhưng cô cũng biết giới hạn. Chuyện hàng tháng biếu mẹ, anh biết nhưng những khoản thêm nếm đột xuất này, Linh không dám nói với chồng. 

Linh bật khóc: “Mẹ ơi, con giàu hơn các anh chị là lỗi của con ạ? Mẹ cũng biết là con đã có gia đình rồi, con còn bao nhiêu thứ phải lo. Mẹ là mẹ ruột, con còn có thêm bố mẹ chồng, con có anh em ruột còn có anh em chồng, mẹ có bao giờ nghĩ cho con không?"

Sau cuộc điện thoại hôm qua, Linh tưởng mẹ sẽ nghĩ lại, nhưng không: "Gửi ngay cho mẹ mười hai triệu, do anh Ba hôm tết đi đánh bài, mắc nợ người ta, nay du côn đến tận nhà tìm, mày nhẫn tâm thấy chết không cứu hả, để mẹ mày mất mặt không dám nhìn ai hả? Đồng tiền nhà mày to quá!"

Linh rắn giọng: "Con không có trách nhiệm với chuyện cá nhân anh chị nào hết, dám làm dám chịu đi. Hẳn mẹ cũng không xài đến số tiền hàng tháng con gửi nên mới cho các anh, giờ con sẽ không gửi nữa. Các anh chị muốn có thêm thu nhập, con kiếm việc cho. Tiền con kiếm bằng mồ hôi nước mắt, sao không to?"

Nói là nói vậy nhưng Linh cũng không đành. Mẹ nào cũng thương con, các anh có phải con nít đâu, thương mù quáng như mẹ là làm hại các anh, làm các chị dâu quay sang ghen tị nhau, rồi đám cháu học theo...

Linh mở máy tính chuyển tiền. Lần này là lần cuối, cô hứa chắc!

Thảo Hân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
  • hb 18-02-2024 23:13:30

    mình thấy mình trong đó. từ bé mình lúc nào chịu thiệt thòi nhất trong 3 chị em. là con giữa nên phải nhường nhịn c gái e trai. bố mẹ bắt mình bắt cgai phụ việc gia đình và nghiễm nhiên mình cũng trở thành lao động từ lúc 5 tuổi. việc nặg trong nhà chị với e trai ko làm là mẹ bắt mình làm. tiền mình biết đi làm thuê từ cấp 2 cấp 3 mẹ giữ.đi học đh mình ở hà nội nhưng mẹ lúc nào cũng trợ cấp cho mình ít hơn chị. quần áo túi xách 2/3 là đồ nhặt lại từ chị gái để mặc. lấy chồng mẹ róc thịt cạo xương con hở ra đòi tiền. gia đình mình còn chưa ổn định vẫn ở nhà cấp 4 lợp pro mưa dột khắp nhà, mẹ thương cgai lấy chồng xa thương thằng e trai ko biết kiếm tiền, mình thực sự ko hiểu mình có phải con giá ruột bà không mà việc đối xử với con cái lại thiếu công bằng như vậy. thông gia chị gái bà lấy tiền nhà mình phô trương với thông gia nhà cgai.nhiều lúc mình tủi thân khóc ròng cả đêm.

  • Yun 26-07-2022 10:59:57

    Có những nơi gắn mác "gia đình", có những người gắn mác "cha mẹ"...

  • Người đồng cảm 23-07-2022 11:15:05

    Khá đồng cảm với bạn ấy, vì chính mình hoàn cảnh cũng tương tự. Bố mẹ mình thì không đến mức kia, nhưng cũng gần 60%, ngoài ra còn có họ hàng nhà ngoại, như kiểu vợ chồng mình phải có nhiệm vụ chăm lo cho họ ấy. Nhiều khi đến vay tiền mình từ chối họ đâm ra chửi ngược lại chồng mình, bảo chồng mình keo kiệt, không biết lo cho họ hàng nhà vợ, đủ kiểu.

  • Thanh 24-02-2020 21:15:23

    Không nên chu cấp cho mẹ bạn dù với bất cứ lý do nào.

  • Dương Minh Hải 24-02-2020 13:42:09

    Người như cô gái này tốt nhất là không nên lấy chồng.

  • Người đồng cảm 24-02-2020 10:45:08

    Nhà chồng tội cũng vậy. Ai cũng nghĩ vợ chồng tôi giàu có nên cứ vòi vĩnh tiền bạc, tôi thật mệt mỏi.

  • Hoai khoi 23-02-2020 19:04:01

    Ai kêu bạn cho làm chi. Được lần 1 có lần 2. Đến lúc gia đình bạn có chuyện mấy a/c đó giúp được bạn đâu.
    Hãy lo cho chính mình đừng hy sinh cho những người đó ko đáng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI