Mạng xã hội và câu chuyện gia đình thời đại số

25/01/2023 - 11:44

PNO - Khi mạng xã hội ngày càng được sử dụng rộng rãi, chúng ta phải nhìn nhận mặt tích cực cũng như chuẩn bị cho những tác động tiêu cực đối với hạt nhân của xã hội là gia đình.

Tác động nhiều mặt lên giá trị gia đình

Từ khi các con lên cấp II, cấp III, buổi tối nhà chị Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ quận 6, TPHCM) thật “tĩnh lặng”. Bữa cơm tối không còn quây quần mà mỗi người ăn vào mỗi khung giờ khác nhau. Hai con gái lớn thường ăn trước để đi học thêm. Còn lại hai vợ chồng với cậu út cũng “chia ca”: chị cho con ăn, anh vẫn mải lo công việc trên máy vi tính.

Sau 9 giờ tối, khi cả 5 người cùng có mặt ở nhà, thì mỗi người đều có phương tiện riêng để… tương tác. Ti vi vẫn bật nhưng chồng và các con đều cắm mặt vào điện thoại. Chị thừa nhận rằng khi muốn trao đổi gì thì tiện nhất là nhắn tin qua “group chat” dù cả nhà đang ở cách nhau vài bước chân. “Nhiều đêm tôi khó ngủ vì cảm thấy các thành viên trong nhà ai cũng như một thế giới bí ẩn. Riêng tôi thấy cô đơn như đang ở một căn gác trọ” - chị Hà tâm sự.

Điều hay là qua mạng xã hội, những hình ảnh gia đình đoàn tụ ấm áp, yêu thương được lan tỏa
Điều hay là qua mạng xã hội, những hình ảnh gia đình đoàn tụ, ấm áp, yêu thương được lan tỏa

Cũng phải thừa nhận, việc ngày càng nhiều người lập “group chat” gia đình đã mang đến những tác động tích cực. Anh Phạm Phú Hòa (ngụ quận 11, TPHCM) cho rằng công cụ này rất hữu ích cho các thành viên gia đình trong suốt một ngày lao động, học tập. Anh và vợ thường tranh thủ lúc nghỉ trưa tìm những câu chuyện hay, bài học quý, danh ngôn sống động… để đưa lên “group chat” gia đình. “Đây là một cách giáo dục con cái thú vị vì chúng ta ngày càng bận rộn” - anh Hòa nói.

Theo anh Hòa, “group chat” gia đình cũng khá tuyệt vời, vợ chồng, con cái có thể trao đổi bằng những ngôn từ tình cảm, sâu sắc nhất dành cho nhau mà bình thường mình không thể nói với nhau. “Tôi đã viết lời xin lỗi các con vì nóng giận mà lớn tiếng mắng chúng. Cô con gái lớn thả tim và đáp lại bằng những lời xin lỗi bố mẹ” - vợ anh Hòa tiếp lời chồng.

Chỉ vài năm kể từ khi ra mắt, mạng xã hội TikTok đã thu hút hơn 1 tỉ người dùng. Nhưng các chuyên gia đã cảnh báo tác động của sự bùng nổ những đoạn phim ngắn cười cợt kém văn hóa, hài hước thái quá đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta. Người trẻ thế hệ gen Z, thậm chí giờ đây được gọi là “thế hệ tiktok” ngày càng thích nền tảng này hơn bất cứ phương tiện truyền thông xã hội nào khác, với gần 6/10 thanh thiếu niên tự coi mình là người dùng hằng ngày.

Các thuật toán về thói quen, sở thích của người dùng để đề xuất các video clip đã tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần với lứa tuổi teen, trong đó có rối loạn ăn, bị các nội dung cực đoan chi phối… Năm 2020, một nội dung lan truyền rất mạnh mẽ trên tiktok với tên gọi “Thử thách Benadryl” đã khuyến khích người xem sử dụng liều lượng lớn thuốc kháng histamine để gây ra ảo giác. Benadryl là loại thuốc không kê đơn mà chúng ta thường gọi là “siro ho”. Nhưng các chuyên gia y tế cho biết việc dùng Benadryl quá liều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Và trên thực tế đã có một trường hợp tử vong vì tham gia “thử thách” này.

Vào tháng Bảy vừa qua, tiktok còn phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ các bậc cha mẹ khắp nơi trên thế giới tố cáo rằng con họ chết vì bị siết cổ khi thực hiện “thử thách mất điện” - cũng là một nội dung do các video trên nền tảng này truyền tải. Một đơn khởi kiện tại châu Âu mô tả rằng các đoạn phim ấy đã “khuyến khích người dùng tự thắt cổ mình bằng thắt lưng, dây ví hoặc bất cứ thứ gì tương tự cho đến khi ngất đi”. Các nạn nhân đều dưới 15 tuổi.

Cần được huấn luyện trước khi tham gia mạng xã hội

Tại Việt Nam, TikTtok đang là ứng dụng có mức tăng trưởng mạnh nhất với tỷ lệ người dùng từ 49% lên 62%. Lượng người dùng hằng ngày là 74%. Người dùng TikTok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30. Không thể phủ nhận TikTok đang trở thành điểm đến giải trí cho hàng triệu người dùng Việt Nam. Thế nhưng, ở đó vẫn nhan nhản những video có nội dung khiêu dâm, trang phục hở hang, mời gọi hẹn hò… cùng các lời kêu gọi “sáng tạo” đến lố bịch, cổ xúy bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân - nguyên tham vấn viên tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) - cho biết, các nghiên cứu tác động của mạng xã hội đối với các giá trị gia đình đã xác định các tác động tiêu cực đang lấn át và ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi của gia đình. Việc nghiện mạng xã hội hầu như bao phủ tất cả các nhóm tuổi, nền văn hóa và quốc gia đã trở thành “con ngựa” để những tác động tiêu cực này “cưỡi lên”. “Ngày càng trở nên khó khăn đối với nhiều gia đình vốn có nền tảng trong việc truyền lại các giá trị từ thế hệ này sang thế hệ khác” - bà Tuyết Xuân nói.

Theo chuyên gia này, mạng xã hội đang thỏa mãn những nhu cầu nhất định về nhận thức, tình cảm, hòa nhập cá nhân, cộng đồng hội nhập và nhất là nhu cầu tương tác, giải tỏa căng thẳng của con người. Nhưng đừng quên, những nhu cầu ấy đều đã được xác định từ rất lâu, trước khi mạng xã hội ra đời hay sự phát triển của thời đại truyền thông. Do đó, các giá trị gia đình ngay lập tức trở thành nạn nhân của mạng xã hội bởi hoạt động căn bản của gia đình đã bị chiếm đoạt bởi người sử dụng mạng, nghiện mạng.

Những hình ảnh, câu chuyện gia đình hôm nay được mọi người tự chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.
Những hình ảnh, câu chuyện gia đình hôm nay được mọi người tự chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội

Để đưa ra lời khuyên, bà Xuân nói: “Nếu người dùng mạng xã hội không hiểu biết, thì rõ ràng họ cần được thông báo hay huấn luyện trước khi sử dụng. Và nếu mạng xã hội là để phục vụ nhu cầu truyền thông của người dùng, thì nên có hướng xây dựng, truyền tải nội dung nhằm hỗ trợ gia đình, đặc biệt là các giá trị truyền thống của gia đình”. Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên có các chuẩn mực hướng dẫn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong gia đình theo hướng tích cực. Nói cách khác, xã hội loài người phải đánh giá thường xuyên về việc dùng mạng xã hội để có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực. Trên hết, giáo dục truyền thông là bắt buộc.

Riêng đối với các bậc phụ huynh, bà Tuyết Xuân cho rằng, các gia đình nên lấy lại vị trí đặc biệt của mình như là nền tảng của xã hội bằng cách điều chỉnh phương tiện mạng xã hội thành một công cụ cho mục đích gia đình. Ví dụ như ứng dụng tích cực của “group chat” gia đình thành nơi cha mẹ chia sẻ với con cái và có nhiều cơ hội hơn để kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của các con. Về mặt xã hội, các chuyên gia truyền thông nên xây dựng hướng dẫn sử dụng “tốt nhất” để giúp các gia đình sử dụng mạng xã hội thân thiện. Các nội dung thân thiện nên được khuyến khích sản xuất, lan tỏa. Các chuyên gia và cá nhân tài năng nên tạo ra các clip nghe nhìn với thông điệp đề cao các giá trị gia đình. Bằng cách này, cơ chế của mạng xã hội sẽ được sử dụng để thúc đẩy các giá trị quan trọng của gia đình.

Cuối cùng, kỷ luật tự giác là một điều cần thiết trong cuộc song hành của cuộc sống thật và ảo, ở đây là mạng xã hội. Quy định thời lượng chơi game, tương tác trên mạng hoặc tạo ra những đêm chiếu phim gia đình… là một số cách mà các gia đình có thể ứng dụng công nghệ để tạo ra tác động tích cực. “Thật đáng sợ khi nghĩ đến việc con em của chúng ta đang ngày ngày đối mặt với việc truy cập quá nhiều nội dung nguy hiểm trên internet. Nhưng nếu cha mẹ, thầy cô trò chuyện cởi mở và trung thực với con cái, học sinh của mình về sự nguy hiểm của mạng xã hội và cùng nhau thảo luận những cách thức giúp bảo đảm an toàn, tôi nghĩ các băn khoăn, lo lắng sẽ có lời giải” - bà Tuyết Xuân nói.

Vệ Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI