Mạng xã hội đang suy thoái

15/11/2022 - 15:42

PNO - Sau giai đoạn tăng trưởng trong đại dịch, các công ty mạng xã hội dường như đang rơi vào suy thoái. Tình hình này đòi hỏi các công ty có bước chuyển đổi tốt hơn, nhắm vào nhu cầu của người tiêu dùng cũng như lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh.

Mạng xã hội bất ổn

Facebook đang có dấu hiệu suy thoái, Twitter trở nên hỗn loạn. Mới đây, Meta - công ty mẹ của Facebook - phải sa thải 11.000 người, giữa lúc công việc kinh doanh quảng cáo đang gặp khó khăn và kế hoạch phát triển không gian ảo Metaverse bị người dùng ghẻ lạnh. Trong khi đó, việc Elon Musk tiếp quản Twitter đã khiến các nhà quảng cáo và người dùng cảm thấy mông lung trước hàng loạt thay đổi, cùng sự ra đi của hàng ngàn lao động, bao gồm nhiều nhân sự cấp cao. Chưa bao giờ dấu hiệu thoái trào của thời đại truyền thông xã hội lại rõ ràng như bây giờ. Sự bùng nổ kéo dài hàng thập kỷ về quảng cáo trên mạng xã hội đang chậm lại. 

Mạng xã hội dường như đã bước qua thời kỳ đỉnh cao, với việc nhiều người dùng trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi vì những nội dung tiêu cực, thiếu chính xác tràn lan trên đó - ẢNH: ADOBE STOCK
Mạng xã hội dường như đã bước qua thời kỳ đỉnh cao, với việc nhiều người dùng trẻ tuổi cảm thấy mệt mỏi vì những nội dung tiêu cực, thiếu chính xác tràn lan trên đó - Ảnh: ADOBE STOCK

Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), các nhà quảng cáo Mỹ được dự báo sẽ chi 65 tỷ USD cho lĩnh vực này vào năm 2022, tăng vỏn vẹn 3,6% so với năm 2021. Điều này đang tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng tại các công ty như Meta, nơi quảng cáo là nguồn thu chính. Thương mại điện tử cũng giảm so với thời đại dịch, trong khi sự cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tăng. Bản thân các nhà đầu tư cũng không chia sẻ được sự nhiệt tình của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đối với kế hoạch Metaverse. 

Một trong những đối thủ cạnh tranh của Meta là TikTok cũng đang gặp khó khăn khi đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự như các đối thủ của mình. Nền tảng chia sẻ video ngắn này đã cắt giảm mục tiêu doanh thu toàn cầu sau khi thực hiện những thay đổi sâu rộng về vị trí lãnh đạo ở Mỹ, thị trường lớn nhất của ứng dụng. Các nhân viên cũng được thông báo rằng kế hoạch phát hành chứng khoán lần đầu (IPO) ở Hồng Kông (Trung Quốc) của công ty mẹ ByteDance khó có thể diễn ra trong năm 2022.

Lùi lại để tốt hơn

Bản thân phương tiện truyền thông xã hội chưa bao giờ thực sự là nơi thoải mái, tự nhiên để làm việc, giải trí và giao lưu. Dù vậy, viên gạch đầu cho sự phát triển của chúng xuất hiện từ cách đây 20 năm hoặc lâu hơn, khi các máy tính nối mạng trở nên phổ biến đến mức mọi người bắt đầu sử dụng chúng để xây dựng và quản lý các mối quan hệ. Chậm rãi và không phô trương, vào khoảng cuối thời kỳ thịnh vượng của các diễn đàn và trang blog cá nhân, mạng xã hội bắt đầu tìm thấy vị trí của nó và không ngừng phát triển. Ban đầu, toàn bộ ý tưởng của mạng xã hội là nhằm mục đích xây dựng hoặc đào sâu các mối quan hệ, chủ yếu là với những người bạn biết. Bằng cách kết nối mạng cá nhân gồm các địa chỉ liên hệ đáng tin cậy với các mạng lưới tương tự của người khác. Điều đó đã thay đổi khi mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông xã hội vào khoảng năm 2009, giữa sự ra đời của điện thoại thông minh và sự ra mắt của Instagram. 

Thay vì tạo điều kiện cho việc duy trì các kết nối xã hội hiện có, mạng xã hội cung cấp các nền tảng mà qua đó mọi người có thể xuất bản nội dung rộng rãi nhất có thể, vượt ra ngoài mạng lưới liên hệ cá nhân và biến những kết nối cá nhân thành một kênh quảng bá tiềm ẩn. Bỗng dưng hàng triệu người có thể tự coi mình là người nổi tiếng, hay chuyên gia đánh giá và thẩm định của mọi thứ trên đời.

Tệ hơn, hệ thống được xây dựng để cung cấp chuỗi nội dung vô tận cho người dùng mà đôi khi có thể gây choáng ngợp. Dữ liệu do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố cho thấy người dùng từ 18-25 tuổi đã giảm dần việc sử dụng mạng xã hội kể từ năm 2019. Tương tự, theo một khảo sát người tiêu dùng gần đây của ngân hàng đầu tư Piper Sandler (Mỹ) cho thấy thế hệ Z (sinh vào giai đoạn 1997-2012) sử dụng mọi ứng dụng xã hội ít hơn, ngoại trừ TikTok. Kiểu đánh giá được cân đo bởi số lượng “like” trong nhiều thập kỷ cũng như văn hóa đăng bài “câu view” đã khiến thế hệ Z mất lòng tin và cảm thấy mệt mỏi với các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và Facebook. 

Cuối cùng, ngay cả với những rắc rối gần đây, Meta vẫn sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nhưng chính khó khăn của công ty đã tạo ra không gian cho nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Đây là tin tốt cho các công ty truyền thông xã hội mới, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc cách duy nhất để Meta có thể giữ vị trí thống trị của mình là đặt cược lớn hơn vào công nghệ của tương lai. Tỷ phú Mark Zuckerberg tin rằng câu trả lời là “metaverse”, nhưng câu trả lời thực sự thì vẫn còn nằm ở tương lai. 

 

Tấn Vĩ (theo Conversation, FT, the Atlantic, Peta Pixel)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI