Malaysia phản đối máy bay Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông

02/06/2021 - 18:53

PNO - Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết nước này sẽ triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc 16 máy bay của không quân Trung Quốc "vi phạm không phận và chủ quyền của Malaysia" ở Biển Đông.

Malaysia sẽ triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc 16 máy bay của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông - Ảnh: Bloomberg
Malaysia sẽ triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc 16 máy bay của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông - Ảnh: Bloomberg

Không quân Hoàng gia Malaysia cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 1/6 rằng họ đã phát hiện các máy bay "khả nghi" của Trung Quốc gần bang Sarawak, miền Đông Malaysia. Máy bay Trung Quốc bay vào khu vực hàng hải của Malaysia sau đó tiến đến gần không phận quốc gia của quốc gia Đông Nam Á này.

Các máy bay phản lực Ilyushin II-76 và Xi’an Y-20 mà lực lượng không quân Malaysia nói là đe dọa an toàn hàng không của nước này sau đó đã bị một máy bay đánh chặn của Malaysia “nhận dạng” sau khi không tuân thủ "một số nỗ lực" yêu cầu hai máy bay liên lạc với kiểm soát không lưu của nước sở tại. Cả hai máy bay của Trung Quốc đều là máy bay vận tải.

Ngoại trưởng Hishammuddin cho biết ông muốn nhận được lời giải thích của các nhà ngoại giao Trung Quốc về các chuyến bay “khả nghi” trên. Trong tuyên bố cuối ngày thứ Ba, ông Hishammuddin khẳng định: “Quan điểm của Malaysia rất rõ ràng: Xây dựng quan hệ ngoại giao hữu hảo với bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa là chúng ta cho phép làm tổn hại đến an ninh quốc gia của đất nước”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm 2/6 cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng nước này đã liên lạc với các quan chức Malaysia về vấn đề trên. Ông Vương cho biết, “quân đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận định kỳ, luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và không vi phạm không phận của bất kỳ nước ngoài nào”.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang căng thẳng với các quốc gia Đông Nam Á - cũng như Mỹ và các đồng minh của Washington – liên quan đến tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Malaysia là một trong số các quốc gia trong khu vực có tranh chấp về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh thường xuyên khẳng định chủ quyền đối với khoảng 4/5 Biển Đông.

Căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang trong những tuần gần đây, khi Philippines liên tục phản đối và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi các khu vực Manila tuyên bố chủ quyền. Hôm 29/5, Philippines phàn nàn việc Trung Quốc "triển khai không ngừng, hiện diện kéo dài và các hoạt động bất hợp pháp" xung quanh Đảo Thị Tứ hiện đang do Philippines quản lý.

Philippines cũng đã phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này nói rằng lệnh cấm ban hành hàng năm đã “vượt quá các quyền lợi hợp pháp” của Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 31/5 ra một tuyên bố chung nêu rõ hai nước “hết sức quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các khu vực tranh chấp và tăng cường các hoạt động gây bất ổn trên biển”.

Quế Lâm (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI