Ly hôn - "nhiệm vụ bất khả thi" của phụ nữ Afghanistan

21/10/2022 - 06:42

PNO - Nộp đơn ra tòa xin ly hôn là một giải pháp giúp giải thoát khỏi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thế nhưng với phụ nữ Afghanistan, đó lại là một "nhiệm vụ bất khả thi".

Sau một thời gian dài bị chồng ngược đãi và đối xử tệ bạc, năm 2021, cô Bano đã lấy hết can đảm để đệ đơn ly hôn ra một tòa án ở vùng đông bắc Afghanistan.

Phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban thường xuyên bị chồng bạo hành ngay trong ngôi nhà của mình - Ảnh:  Ivan Flores/Guardian
Phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban thường xuyên bị chồng bạo hành ngay trong ngôi nhà của mình - Ảnh: Ivan Flores/Guardian

"Trong suốt 4 năm, anh ta đánh đập tôi hàng ngày và cưỡng hiếp tôi hàng đêm. Nếu tôi chống cự hoặc không chịu đáp ứng, anh ta sẽ càng đánh tôi nhiều hơn", cô Bano nói với hãng tin Al Jazeera. 

Người phụ nữ 32 tuổi này còn cho biết, cô bị chồng liên tục sỉ nhục và xúc phạm vì lý do cô không thể mang thai. Và khi được bác sĩ thông báo nguyên nhân không thể có con nằm ở người chồng thì anh ta đã trút hết cơn giận dữ lên người Bano, đổ lỗi cho việc hiếm muộn là do cô gây ra.

Những tưởng mình sẽ được giải thoát khỏi người chồng bạo lực, thế nhưng kể từ khi Taliban quay trở lại nắm giữ chính quyền vào tháng 8/2021, phiên tòa xử vụ ly hôn của cô Bano được lên kế hoạch đã bị hủy bỏ vì các thẩm phán và luật sư của chính quyền trước đó không còn tồn tại. Taliban bổ nhiệm các thẩm phán mới và thực thi luật Hồi giáo Sharia cực kỳ hà khắc.

“Không còn bất cứ luật sư hay thẩm phán nào là phụ nữ được phép tiếp tục hành nghề” - cô Marzia, một nữ thẩm phán của chính quyền Afghanistan trước đây cho biết.

Chính quyền Afghanistan từng có hơn 300 nữ thẩm phán chủ trì các cơ quan tư pháp chuyên xử lý các vụ án liên quan đến phụ nữ, tội phạm và khủng bố. Thế nhưng tất cả họ đã phải lánh sang các quốc gia láng giềng để trốn tránh sự trừng phạt sau khi chính quyền rơi vào tay Taliban.

Chính quyền Taliban áp đặt các luật lệ hà khắc lên phụ nữ - Ảnh: Hussein Malla/AP
Chính quyền Taliban áp đặt các luật lệ hà khắc lên phụ nữ - Ảnh: Hussein Malla/AP

Cô Marzia cáo buộc Taliban có thành kiến ​​với phụ nữ, tước đoạt quyền của người phụ nữ khi không chấp nhận giải quyết yêu cầu được ly hôn của họ.

Ông Kevin Schumacher, phó giám đốc điều hành tổ chức Women For Afghanistan Women (WAW), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ cho biết, trước khi Taliban nắm chính quyền, WAW đã từng hỗ trợ pháp lý cho các gia đình cũng như vận hành các nhà tạm trú cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo hành và xâm hại tình dục. Thế nhưng giờ đây, tổ chức này đã bị buộc phải đóng cửa 16 mái ấm và 12 trung tâm tham vấn tâm lý gia đình.

“Nhiều thân chủ của chúng tôi đang tạm trú tại nhà tạm lánh thì giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở về với gia đình đầy bạo lực của mình hoặc tái hòa nhập vào một cộng đồng không có mạng lưới hỗ trợ xã hội”.

Cô Marzia cho biết, ly hôn ở Afghanistan luôn là một thách thức lớn đối với phụ nữ, và có thể xem như là một “nhiệm vụ bất khả thi”, bởi “các thẩm phán do Taliban bổ nhiệm luôn từ chối yêu cầu được ly hôn của phụ nữ vì họ cho rằng phụ nữ không có quyền đó”.

Hậu quả là những người phụ nữ này buộc phải quay lại với những người chồng đã bạo hành mình - những kẻ sẽ làm họ tổn thương nhiều hơn.

Cô Bano là một trường hợp bị chồng trả thù sau khi tòa án bác đơn xin ly hôn của cô.

“Anh ta đánh tôi liên tục. Thậm chí có lần anh ta còn dùng than củi làm bỏng khắp cơ thể tôi và chỉ dừng lại khi hàng xóm chạy đến can ngăn và đưa tôi đi cấp cứu”, cô Bano kể lại.

Ly hôn là điều tưởng như không thể đối với phụ nữ Afghanistan hiện nay - Ảnh: Wakil Kohsar/AFP/Getty
Ly hôn là điều gần như không thể đối với phụ nữ Afghanistan hiện nay - Ảnh: Wakil Kohsar/AFP/Getty

Khi Bano đến báo cảnh sát Taliban về hành vi bạo hành của chồng cô với những bằng chứng trên cơ thể, cô đã bị đuổi về. Còn các thẩm phán thì nói với cô rằng, người chồng có quyền đối xử với vợ theo bất cứ cách nào mà anh ta muốn bởi vì đó là vợ của anh ta.

“Ngay cả khi anh ta giết bạn, bạn cũng không được quyền ly hôn”, cô Bano lặp lại lời của một thẩm phán.

Nguyễn Thuận (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI