Lời tạ ơn từ cánh đồng làng cổ Đường Lâm

04/02/2019 - 12:00

PNO - Hình như chỉ ở làng cổ Đường Lâm mới có một nghi lễ vừa lạ lẫm, vừa đượm những chất chứa, ngẫm ngợi về kiếp nhân sinh; vừa khơi dậy trong mỗi người lòng tri ân Đất Mẹ.

Nói khác đi, có lẽ đó là sự nhắc nhớ con người về mảnh hồn làng. Nghi lễ ấy được gọi tên: Tạ ơn cánh đồng!

“Ngày hội” trên khắp xứ đồng

Ba mươi Tết, như bao làng quê khác, người Đường Lâm cũng đi tảo mộ, mời ông bà tổ tiên về sum vầy cùng con cháu. Tuổi ngoài thất thập, nhà văn Đỗ Doãn Quát vừa bước vừa “giới thiệu” chủ nhân của từng ngôi mộ với đàn con cháu của mình; rằng người nằm dưới đó có quan hệ ra sao với gia đình nhà ta. Ông bảo ở làng ông, nhiều người rất sợ nếu không có nghi thức đó thì đến một ngày, người sống sẽ chẳng thể nào biết được người dưới mộ - ngay cạnh bước chân mình liệu có phải là thành viên của gia tộc, có quan hệ máu mủ ruột rà với gia đình mình hay không.

Loi ta on tu canh dong lang co Duong Lam
Từng dòng họ - dòng người tụ về các cánh đồng.
Loi ta on tu canh dong lang co Duong Lam
Từng dòng họ - dòng người tụ về các cánh đồng.

Ông đi trước, các con theo sau, cuối cùng là đàn cháu lớn bé. Mỗi dòng họ đi trên một con đường hay một bờ ruộng dẫn đến nơi yên nghỉ của gia tộc mình. Nhìn từ flycam (máy ảnh bay), đoàn người như những dòng chảy của mạch ngầm văn hoá đại diện cho cả xứ Đoài này.

Đó là “nhiệm vụ” của trai đinh các dòng họ. Còn với các bà, các mẹ, cũng buổi chiều ấy, họ cùng nhau đi cúng các xứ đồng (cánh đồng). Mỗi người phụ nữ xách một cái làn nhựa đỏ, bên trong có nhang, tiền vàng mã, chiếc bánh chưng hoặc đĩa xôi, khẩu thịt chừng nửa ký và cút rượu. Bên trên là voi giấy hoặc ngựa giấy tuỳ theo mỗi xứ đồng.

Loi ta on tu canh dong lang co Duong Lam

Có bà cụ một tay xách làn, một tay cắp theo cả đàn voi, ngựa đủ màu sắc. Cụ chia những món đồ ấy làm hai phần, một bày trước mồ mả của người thân, một phần bày ra ngoài ruộng – nơi người nằm dưới mộ đang yên nghỉ. Cánh đồng làng cổ ngày hôm ấy như có hội, tiền vàng nhuộm đỏ các bờ cỏ, lối đi.

Loi ta on tu canh dong lang co Duong Lam

Lời tri ân đặc biệt

Đồng Lăng, đồng Gậy, đồng Áng… bà con tin rằng mỗi xứ đồng làng mình đều do một ông lý trưởng cai quản (theo quan niệm trần sao âm vậy), có ông thích cưỡi voi, có ông thích cưỡi ngựa, nhưng ông nào cũng thích uống rượu và ăn thịt khẩu. Là lý trưởng, nhưng các ông đều công tâm và lành hiền, ông và cả cánh đồng cùng cai quản mùa màng cũng như những mộ phần nằm dưới cánh đồng ấy.

Loi ta on tu canh dong lang co Duong Lam

Không rõ ông lý trưởng kia có từng sinh sống giữa làng cổ cùng tổ tiên những người đã khuất? Chỉ biết rằng bao đời nay bà con đều tường tận ông lý trưởng ở cánh đồng này tên là gì, tính nết ra sao. Những cánh đồng không chỉ cho mùa màng tươi tốt, cánh đồng còn ấp ôm mồ mả biết bao đứa con của làng, cánh đồng là nơi để người sống được “gặp” những người đã khuất; và cánh đồng là chốn bình đẳng của mọi kiếp phận trên cõi đời – dù khi sống họ giàu sang hay kẻ ăn mày, thì khi đã đi hết cuộc đời, tất cả cùng về nằm lại dưới cánh đồng làng, vậy thôi.

Nhiều dân tộc coi Thần Nông là một ông sao trên trời, bên cạnh ông có chiếc gầu sòng và đàn vịt đang lội tung tăng (hình ảnh trong tưởng tượng khi nhìn chòm sao Thần Nông); và các nghi lễ trong nông nghiệp cũng đa màu, nhân ái: Nhiều nơi có lễ mừng cơm mới, lễ cúng các vị thần cai quản chuyện nắng mưa để cầu thuận hoà cho mùa màng tươi tốt; nhiều vùng, bà con còn mang bánh chưng cho con trâu – đầu cơ nghiệp nhà mình cùng ăn Tết… Nhưng không biết trên dọc dài đất Việt này, có nơi nào mang trong mình nghi lễ “Tạ ơn cánh đồng”, khiến người ta thổn thức, ngẫm ngợi và trăn trở như ở làng cổ xứ Đoài này không…

Ông Quát bảo đất trăm người ở, ruộng trăm người cày, chuyện đời lớp sau chất chồng lên lớp trước; mỗi tấc đất, mỗi luống cày ở châu thổ bốn nghìn năm lịch sử này là dấu cộng của biết bao kiếp người… Nhân sinh thất thập cổ lai hy, ông đã mua đất sinh phần cho mình và vợ, đã tính đến chuyện ông bà sẽ nằm ở đâu trên cánh đồng làng.

Loi ta on tu canh dong lang co Duong Lam

Lửa hoá vàng và nhang khói nhập nhoà giữa thời khắc hội ngộ của người sống và người đã khuất.

Cánh đồng làng cổ vẫn tụ về những dòng người. Trai đinh từng dòng họ cầm theo cuốc xẻng, phụ nữ xách làn lễ vật, họ xếp hàng bước trên bờ ruộng rồi toả về các xứ đồng có mồ mả ông bà tiên tổ nhà mình. Những người thành danh trên phố thị, vừa bước xuống từ chiếc xe hơi láng coóng đều đã tháo giày, chân trần lội ruộng dọn cỏ ở các phần mộ. Trời chiều nhá nhem, chỉ còn lại những bóng người lom khom vung cuốc in thẫm trên nền trời; xung quanh, lửa hoá vàng và nhang khói nhập nhoà giữa thời khắc hội ngộ của người sống và người đã khuất. Những lời cảm ơn cánh đồng cứ rầm rì, lê thê và như có điều gì siêu nhiên kỳ lạ.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI