Lo ngại dịch bệnh vì phong trào nuôi gia cầm trên sân thượng

23/05/2022 - 06:25

PNO - Nhiều hộ gia đình tại các quận trung tâm TPHCM đang nuôi gà đàn trên sân thượng. Người dân không biết rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Nở rộ “vườn ao chuồng” trên sân thượng

Ông T.V.T. (quận 10, TPHCM) kể, từ sau dịch COVID-19 ông bắt đầu nuôi gà, bồ câu, trồng rau trên sân thượng để có thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho gia đình. Sau nửa năm, đàn gà và bồ câu của ông đã hơn 30 con. Chúng tôi hỏi ông có biết việc chăn nuôi gia cầm này là vi phạm? Ông trả lời, nhiều gia đình tại các quận, huyện vùng ven thành phố nuôi được thì ông cũng nuôi được. Ông nuôi quy mô nhỏ trong khuôn viên nhà, không ảnh hưởng đến ai.

Trên mạng xã hội Facebook, thành viên các nhóm chuyên trồng rau và chăn nuôi đã chia sẻ hình ảnh hệ thống “vườn ao chuồng” trên sân thượng được thiết kế khá hiện đại gồm hồ cá, vườn rau, chuồng gà hoặc bồ câu, chim cút. Chụp hình bầy gà hơn chục con, chị N.K.H. nói: “Rau có rồi, nuôi thêm dăm con gà, tận dụng cơm nguội cho gà ăn, lấy phân ủ bón cho rau, lợi đôi đường. Đạt tiêu chí vườn ao chuồng trên sân thượng”. Theo chị H., gà được nuôi trên đệm sinh học, rào chắn kỹ càng, không làm hôi và mất vệ sinh cho nhà xung quanh. 

Một người dân chia sẻ trên Facebook cá nhân mô hình nuôi gà trên sân thượng ở khu vực nội thành TP.HCM
Một người dân chia sẻ trên Facebook cá nhân mô hình nuôi gà trên sân thượng ở khu vực nội thành TPHCM

Còn chị T.L. thì chụp ảnh khoe “vườn chuồng” với vài chục con chim cút được nuôi đã hơn 20 ngày. Chị nói, hiện mô hình trồng rau và chăn nuôi trên sân thượng đang khá phổ biến vì giúp nhiều gia đình tiết kiệm được chi phí mua thực phẩm, rau dư ra còn đem bán kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình tại TPHCM còn quay clip chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, nuôi gia cầm trên sân thượng trên các kênh YouTube, tạo thành một cơn sốt trong thời gian gần đây. 

Nhiều lo ngại về lây lan dịch bệnh

Bác sĩ Lê Văn Nhân - giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết một số tỉnh, thành đã xuất hiện ổ dịch gia cầm subtype H5N1 - là chủng virus có thể lây cho người. Hiện, dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, phát triển nhiều biến thể độc lực cao như H5N6, H7N9, H5N8…

Theo bác sĩ Nhân, không phải thời điểm này mà ở bất kỳ thời điểm nào, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô TPHCM là trái phép, có thể làm lây lan dịch cúm gia cầm trên địa bàn và góp phần gây ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình lân cận. Căn cứ theo điều 7, Nghị định 167 thì chăn nuôi gà, vịt ở nội thành, nội thị sẽ bị phạt tới 2 triệu đồng. Ngoài vi phạm hành chính, nếu cá nhân chăn nuôi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản có thể bị phạt tù. 

Một cán bộ Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM), cho biết thêm, từ năm 2003, khi dịch cúm gia cầm xảy ra, lây lan nhanh ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, UBND TPHCM đã có quy định không cho nuôi gia cầm ở nội thành.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều dịch nguy hiểm đã xuất hiện và có dấu hiệu lây lan trên diện rộng, nhưng nhiều gia đình vẫn cho rằng, bồ câu và chim cút không phải là gia cầm nên thoải mái nuôi. Tuy nhiên, theo quy định thì bồ câu và chim cút đều là gia cầm, vì mục đích nuôi chủ yếu là để lấy thịt và trứng, nên khi nuôi phải tuân theo các quy định đối với gia cầm.

Thậm chí khi nuôi vài con chim cảnh thì cũng phải được xét nghiệm gia cầm ít nhất sáu tháng một lần. Nếu phát hiện chim cảnh dương tính với virus gia cầm thì phải tiêu hủy toàn bộ chim của các hộ gia đình lân cận trong phạm vi 3km. “Trách nhiệm kiểm tra, xử lý các trường hợp chăn nuôi do UBND, ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương thực hiện, cơ quan thú y sẽ phối hợp” - vị cán bộ chi cục thú y giải thích. 

UBND các quận, huyện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn

Trong một số cuộc họp trước đây, UBND TPHCM nhiều lần đề nghị UBND các quận, huyện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn. Trường hợp phát hiện các điểm nhỏ lẻ nuôi gà đá, nuôi gia cầm không đăng ký tiêm phòng thì phải phối hợp với tổ dân phố xử lý nghiêm từng trường hợp cụ thể.

“Quy định là vậy nhưng với đặc thù nhà phố, mạnh ai nấy ở thì việc kiểm tra, phát hiện các hộ tự ý chăn nuôi trên sân thượng là rất khó. Những gia đình lân cận có phát hiện thì cũng ngại tố giác, vì sợ mất tình làng nghĩa xóm. Các tổ trưởng tổ dân phố phải thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động để người dân trong khu dân cư hiểu rõ việc chăn nuôi này là vi phạm, có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng” - bác sĩ Lê Văn Nhân nói. 

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI