Làm thêm giờ đe dọa sức khỏe người lao động tại Nhật Bản giữa đại dịch

31/10/2020 - 09:40

PNO - Theo nghiên cứu do chính phủ Nhật Bản công bố hôm 30/10, những người lao động thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giao thông ngày càng phải làm việc quá giờ trong đại dịch.

Nhìn chung trong giai đoạn tháng Ba và tháng Tư, tỷ lệ những người làm việc từ 80 giờ trở lên mỗi tuần đã giảm xuống, nhưng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và vận chuyển, bao gồm cả nhân viên bưu chính và chuyển hàng, tỷ lệ này lại tăng lên với khoảng 20.000 trường hợp.

Theo sách trắng mới nhất phân tích các trường hợp tử vong và tự tử do làm việc quá sức ở Nhật Bản, tình trạng làm việc quá sức của công nhân vận tải đã tăng 0,23% so với một năm trước đó lên 2,01% vào tháng Ba. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, con số này đã tăng 0,08% so với năm trước, lên mức 0,68%.

Trong tháng Tư, xu hướng tương ứng vẫn giữ nguyên đối với các ngành.

Những công nhân thiết yếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giao thông ngày càng phải làm việc quá giờ trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Kyodo)
Những công nhân thiết yếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giao thông ngày càng phải làm việc quá giờ trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Kyodo

Dưới áp lực của chính phủ trong việc giải quyết vấn đề làm việc ngoài giờ quá mức, nhiều công ty lớn nhất của Nhật Bản đã tiến hành cải cách nơi làm việc trong những năm gần đây.

Vào tháng 4/2019, một luật mới chính thức được thông qua, thiết lập giới hạn trên cho việc làm thêm giờ, giới thiệu hình phạt đối với các công ty vi phạm giới hạn này nhằm giải quyết nền văn hóa “làm đến chết”.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe và giao thông ở Nhật Bản - vốn gặp nhiều trường hợp tử vong do làm việc quá sức hoặc tự tử - cho đến nay vẫn được miễn thực hiện các quy định hạn chế giờ làm và miễn truy cứu trách nhiệm đối với người sử dụng lao động khi yêu cầu nhân viên làm việc quá giờ.

Trong số 2.280 trường hợp rối loạn não và tim ghi nhận từ năm tài chính 2010 đến 2017 có liên quan đến công việc, các yếu tố căng thẳng phổ biến nhất ngoài làm việc quá sức bao gồm làm việc nhiều giờ liên tục, làm việc ca đêm và công việc bất thường.

Khi xem xét những người tự tử do rối loạn tâm thần liên quan đến công việc theo chương trình bồi thường cho người lao động trong năm tài chính 2015 và 2016, 40,1% làm việc trong các ngành cần kiến ​​thức chuyên môn hoặc kỹ thuật, trong khi 15,0% đảm nhiệm vị trí quản lý.

Linh La (theo Kyodo, Mainichi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI