Lá ngón cho tử tù dưới quan điểm y khoa

13/05/2019 - 08:53

PNO - Nhiều người vô tình ăn lá ngón mà chết. Nhưng nếu cho tử tù dùng lá ngón thì lại là chuyện đang có những quan điểm trái chiều nhau ở Việt Nam.

Những cái chết vì ăn nhầm lá ngón có lẽ là cái chết mang nét rất đặc trưng ở Việt Nam. Chỉ mới đây, vào ngày 11/5, 4 người ở Bắc Kạn nhập viện cấp cứu vì ăn nhầm lá ngón. Còn dùng lá ngón để tự tử hoặc đầu độc thì chuyện không còn hiếm. Như vào cuối tháng 4/2019,một người cha ở Lào Cai cho 3 con uống nước lá ngón khiến một trẻ tử vong.

Chết vì lá ngón gây ám ảnh như thế nào?

Nhưng nếu dùng lá ngón cho tử từ thì sao? Ý kiến này của một cử tri ở Hà Nội sáng 4/5 ngay lập tức bị nhiều người phản đối. Anh Nguyễn Quốc Anh (quận 10, TP.HCM) cho rằng nếu dùng lá ngón thì có vẻ không nhân đạo với tử tù.

Thử tìm hiểu vấn đề dưới góc nhìn khoa học, chúng tôi đã lắng nghe ý kiến của một số bác sĩ.

La ngon cho tu tu duoi quan diem y khoa
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bay - nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bay - nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết - bà phản đối việc dùng lá ngón cho tử tù: “Lá ngón gây ra phản ứng mạnh, dữ dội và đau đớn khi tử vong. Tử tù đúng là cần phải loại ra khỏi xã hội nhưng phải có đạo đức trong việc gây ra cái chết cho con người”.

Khi ăn lá ngón khoảng 5 phút, theo PGS. Nguyễn Thị Bay, trong cơ thể con người hàng loạt triệu chứng ngộ độc kéo dài đến tận 2 giờ đồng hồ.

Nạn nhân sẽ gặp vấn đề với đường tiêu hoá: nóng họng, khó nuốt, đau bụng, buồn nôn và nôn, đau bụng dữ dội, chảy máu dạ dày, ruột; tác động lên thần kinh gây chóng mặt, loạn thị, mờ mắt, sụp mí mắt, giãn đồng tử, mệt mỏi, co giật, tê, bồn chồn, mất dần ý thức và cuối cùng là ức chế quá trình hô hấp: đau thắt ngực, thở nhanh đi kèm thở bất thường, tím tái. Nhịp tim bị rối loạn, giảm huyết áp và ngừng đập.

Ở 4 nạn nhân mới nhất ăn nhầm lá ngón ở Bắc Kạn cũng có những triệu chứng như trên. Khi đưa vào bệnh viện, 4 người này bị suy hô hấp, tim đập nhanh.

La ngon cho tu tu duoi quan diem y khoa
Cây lá ngón - ảnh internet

Chết vì lá ngón khi áp dụng kỹ thuật y khoa

Không ủng hộ việc tử hình nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho rằng phải nhìn nhận ý kiến của cử tri về tử hình bằng lá ngón ở khía cạnh tích cực.

Nghĩa là cử tri muốn giảm bớt gánh nặng chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho một lần tử hình. Không những  thế, các công ty cũng không mặn mà việc sản xuất các chất độc dùng cho tử tù. Để có thuốc độc tiêm cho tử tù, phải nhập về từ nước ngoài.

Ở góc độ y khoa, việc dùng lá ngón gây tử vong nếu áp dụng sau khi gây mê sâu có thể là một phương pháp hoàn toàn khả thi. Sau khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, việc dùng chất độc nào cũng không hề làm tử tù phải đau đớn.

La ngon cho tu tu duoi quan diem y khoa
Một trong 3 em bé ở Lào Cai bị cha cho uống nước lá ngón. Ảnh: Báo Sức khỏe và đời sống.

PGS.TS. Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng cử tri góp ý kiến như vậy thật ra là xuất phát từ việc chung, cũng là có ý tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng trước khi áp dụng, phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, xem trong lá có chất độc gì, gây chết ra sao, có gây đau đớn cho con người hay không.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay cũng nhận định dùng lá ngón để tử hình khó khả thi còn ở chỗ chưa tìm ra cách bảo quản dược liệu trong thời gian dài; liều dùng chưa được xác định chính xác. Ngoài ra, việc dùng cho tử tù có thể ảnh hưởng đến ý thức cộng đồng về tác dụng của cây lá ngón, vô hình chung tăng lạm dụng đối với những đối tượng có ý định tiêu cực.

Nhận thấy sự nguy hại của  loài cây này, trong phác đồ điều trị ngộ độc lá ngón, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo nên chặt bỏ cây lá ngón. Hiện chưa có thuốc giải độc khi ngộ độc lá ngón. Theo phác đồ điều trị, cách xử trí ban đầu có thể cho gây nôn, rửa dạ dày (khi mới ăn lá ngón trong vòng 6 giờ).

Dễ nhầm lẫn lá ngón với lá cây rau bồ ngót

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bay, độc tính của lá ngón là do các Alkaloids chứa trong toàn bộ cây. Mức độ độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Trong đó Alkaloid độc tính mạnh nhất là gelsenicine.

Loài cây này mọc hoang phổ biến và dễ tìm kiếm ở vùng rừng núi nước ta như ở Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên.

Thường dùng 3 lá ngón là đủ gây tử vong. Đặc biệt, dùng cùng lúc với rượu sẽ tăng khả năng gây ngộ độc. Chưa có thử nghiệm xác định liều độc trên người, tuy nhiên trên chuột đã có nghiên cứu tiến hành tại khoa Sinh, Đại học Đà Lạt: giã lá ngón thành nước (10g lá, 10ml nước) cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút chuột chết vì co giật...

Dễ nhầm lẫn lá ngón với lá cây rau bồ ngót, hình dạng và màu sắc gần như nhau. Tuy nhiên nhìn chung lá bồ ngót có kích thước nhỏ hơn và thân thảo. Cây lá ngón có lá lớn hơn, thân leo. 

Để phân biệt với các loại rau ăn thông thường, người dùng cần phân biệt cây lá ngón bằng các đặc điểm nhận dạng thực vật học đặc trưng như: các thân cây bên ngoài thường có khía, từ đó mọc ra những cành non. Chúng liên tục cuốn chặt lấy bề mặt tiếp xúc và chuyển thành cành già. Các cành màu nâu xám này có chức năng như một giá đỡ cho cây phát triển.

Lá ngón mọc từ cành cây ra, có mép nguyên, màu xanh lá cây tươi và xanh thẫm, nhọn về phía đỉnh, bề mặt nhẵn bóng và không có lông. Chúng dài từ 6-12cm tuỳ vào tuổi thọ của cây. Hoa cây lá ngón có hình phễu, màu vàng tươi, mùi rất thơm. Quả là dạng quả nang (giống như quả hạch, quả bế) màu nâu, kích thước khoảng 1cm, hạt nhỏ và nhẹ.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI