Kinh tế Trung Quốc suy yếu, Mỹ ký hiệp ước thương mại mới với 12 nước Ấn Độ – Thái Bình Dương

23/05/2022 - 16:57

PNO - Hôm 23/5, Tổng thống Joe Biden đưa ra một thỏa thuận thương mại mới với 12 quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm củng cố nền kinh tế chung giữa lúc lạm phát tăng cao và kinh tế Trung Quốc suy yếu.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp song phương tại Cung điện Akasaka vào sáng 23/5
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp song phương tại Cung điện Akasaka vào sáng 23/5

Tổng thống Biden, phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, thừa nhận nền kinh tế Mỹ có "vấn đề" nhưng nói rằng chúng "ít nguy hiểm hơn so với những nơi khác trên thế giới” và bác bỏ ý kiến ​​rằng một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi.

Các bình luận được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Biden ra mắt Hiệp định Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại mới để thể hiện cam kết của Mỹ đối với lĩnh vực kinh tế đang gián đoạn do đại dịch và xung đột Nga - Ukraine.

Các quốc gia tham gia với Mỹ trong hiệp định Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương là Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cùng với Mỹ, nhóm đại diện cho 40% GDP thế giới.

Các nước cho biết trong một tuyên bố chung rằng hiệp ước sẽ giúp họ cùng nhau “chuẩn bị cho nền kinh tế trong tương lai” sau những gián đoạn do đại dịch và xung đột gây ra.

Nhà Trắng nói thêm rằng, khuôn khổ mới cũng sẽ tăng cường hợp tác của Mỹ với các quốc gia khác trong khu vực trên nhiều phương diện, bao gồm chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, năng lượng sạch, bảo vệ người lao động và các nỗ lực chống tham nhũng. Hiện chi tiết cho từng điều khoản vẫn cần được thương lượng giữa các nước thành viên.

Dù vậy, các nhà phê bình nói rằng khuôn khổ này còn những thiếu sót. Nó không cung cấp các ưu đãi cho các đối tác tiềm năng bằng cách giảm thuế quan hoặc cung cấp cho các bên ký kết khả năng tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ.

Những hạn chế đó có thể khiến kế hoạch khó trở thành phương án thay thế hấp dẫn cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn vẫn đang tiến hành sau khi Mỹ rút lui vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Hiệp ước mới được đưa ra vào thời điểm chính quyền tin rằng họ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Bloomberg Economics đã công bố một báo cáo vào tuần trước dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ vào khoảng 2,8% vào năm 2022 so với 2% của Trung Quốc, quốc gia đang chật vật ngăn chặn COVID-19 thông qua các đợt phong tỏa nghiêm ngặt đồng thời giải quyết bong bóng bất động sản.

Sự suy thoái kinh tế theo sau chính sách Zero COVID đã làm suy yếu các giả định rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ với tư cách là nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhận xét: “Thực tế là Mỹ sẽ phát triển nhanh hơn Trung Quốc trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 1976. Đây là một ví dụ khá nổi bật về cách các quốc gia trong khu vực nên nhìn nhận về xu hướng và quỹ đạo kinh tế trong tương lai”.

Việc ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) được Nhà Trắng coi như một điểm nhấn quan trọng trong chuyến công du châu Á của ông Biden, khẳng định nỗ lực không ngừng của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh Thái Bình Dương. Thông qua đó, các quan chức chính quyền cũng theo dõi sát sao và tìm cách cân bằng sức mạnh kinh tế, quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Đầu tháng này, ông Biden đã tập hợp đại diện của 9 trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Washington cho một hội nghị thượng đỉnh, lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô nước Mỹ. Tại hội nghị, ông Biden thông báo rằng Mỹ sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD vào các sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch ở các quốc gia ASEAN.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI