Kiểm soát súng đạn ở Mỹ không là ưu tiên?

30/03/2021 - 06:11

PNO - Trong vòng chưa đầy nửa tháng, nước Mỹ chứng kiến ít nhất bốn cuộc xả súng khiến 20 người thiệt mạng. Dù hứa sẽ không chần chừ trong việc cấm vũ khí tấn công nhưng Tổng thống Joe Biden vẫn cho rằng kiểm soát súng là mục tiêu “dài hơi” sau phục hồi do dịch bệnh.

Người dân Mỹ cầm tấm biển ủng hộ việc kiểm soát súng - Ảnh: TWP
Người dân Mỹ cầm tấm biển ủng hộ việc kiểm soát súng - Ảnh: TWP

Các nhà hoạt động kiểm soát súng thất vọng

Hơn bao giờ hết, các nhà hoạt động kiểm soát súng đạn tại Mỹ trong hai tuần qua đã lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi các nhà lập pháp hành động. Nhưng ngay lập tức họ nhận ra rằng, tiến độ giải quyết bài toán này chậm một cách đáng thất vọng. Họ đã đấu tranh để thông qua các đạo luật, nhưng các tòa án đôi khi lại ngăn cản những dự thảo trở thành luật. Ở cấp liên bang, trong hơn hai thập niên đã không có bất kỳ biện pháp kiểm soát súng lớn nào được thông qua, dù gần 20.000 người Mỹ đã thiệt mạng bằng súng năm ngoái.

“Kiểm soát súng đạn không là ưu tiên của các chính trị gia”, ông Manuel Oliver chua chát nghĩ về con trai Joaquin, 17 tuổi, thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại Trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Florida năm 2018. Một nhà hoạt động khác, Cameron Kasky (20 tuổi) cũng bày tỏ sự thất vọng: “Không có tội ác nào đủ sức ngăn súng đạn một cách đáng kể ở đất nước này”.

Sau vụ tấn công ở siêu thị King Soopers hôm 22/3 làm 10 người chết, trong đó có một cảnh sát, Tổng thống Joe Biden hứa sẽ xem xét các đề xuất cấm vũ khí tấn công, cấm đạn dược có sức công phá lớn, siết chặt việc kiểm tra lý lịch tư pháp và bệnh sử khi xem xét cấp giấy mang súng. Thế nhưng, tại cuộc họp báo ngày 25/3, ông Biden lại khẳng định kiểm soát súng là mục tiêu lâu dài hơn trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19.

Tỏ ra lạc quan một chút, Shannon Watts - người sáng lập Tổ chức Hành động vì các bà mẹ - cho rằng, phong trào đấu tranh nhằm kiểm soát súng đã đạt được những thành công nhất định. Cùng liên minh với các nhóm, bà Watts đã thúc đẩy thành công luật buộc phải kiểm tra lý lịch trước khi bán súng ngắn ở 22 tiểu bang và thủ đô. Đồng thời, liên minh còn đạt được “luật cờ đỏ” ở 19 tiểu bang, cho phép tòa án thu giữ súng từ những người có dấu hiệu tự gây hại cho bản thân hoặc người khác. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng các nhà lập pháp cần hành động nhiều hơn.

Cần giải quyết gốc rễ nạn xả súng

Theo các chuyên gia, bối cảnh chính trị xoay quanh vấn đề súng đạn đã thay đổi đáng kể trong 10 năm qua, sau vụ xả súng trong trường học tại Newtown (Connecticut) làm 26 người chết, gồm 20 trẻ em từ 6-7 tuổi. Thảm kịch đã thúc đẩy hình thành phong trào kiểm soát súng được tổ chức tốt với hàng trăm triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang.

Ở cấp liên bang, trong hơn hai thập niên đã không có bất kỳ biện pháp kiểm soát súng lớn nào được thông qua.Trong một cửa hàng bán vũ khí ở Texas
Ở cấp liên bang, trong hơn hai thập niên đã không có bất kỳ biện pháp kiểm soát súng lớn nào được thông qua. Ảnh: Trong một cửa hàng bán vũ khí ở Texas

Adam Winkler, giáo sư Trường Luật UCLA, nói: “Vụ Newtown là khoảnh khắc làm rung chuyển nước Mỹ cũng như cuộc tranh luận về súng đạn. Dù không đủ lay chuyển để đạt được một đạo luật, nhưng vụ việc đã khôi phục phong trào kiểm soát súng mạnh mẽ”. Theo ông, trước vụ Newtown, đảng Dân chủ hiếm khi dám lấy súng ống làm trọng tâm trong các cuộc vận động tranh cử. Họ sợ làm như vậy sẽ khiến đảng rơi vào tình trạng bị cô lập.

Đưa ra cái nhìn khác, Gregory Jackson, Giám đốc Quỹ Hành động công lý cộng đồng, người suýt chết vì vết thương do súng, cho rằng, các nhà lập pháp nên chú ý đến nguyên nhân gốc rễ của bạo lực súng đạn vốn còn phổ biến. “Thông thường, chúng ta cứ loay hoay quanh với khẩu súng về mặt vật lý. Tôi lại muốn đề cập đến sự thờ ơ chăm sóc cho các cộng đồng. Đó là sự thiếu ổn định về nhà ở, tài nguyên và môi trường giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các vấn đề về tâm lý, tâm thần. Chất lượng sống và không gian an toàn đã bị tan biến trong đại dịch và chúng ta đã phải chứng kiến ​​các vụ xả súng gia tăng”, ông nói.

Jackson hy vọng chính phủ và các tổ chức sẽ tăng cường hỗ trợ các chương trình cung cấp thực phẩm và tạo việc làm cho các gia đình và những người sống sót sau đại dịch để họ có thể hồi phục. Kêu gọi người có nguy cơ bị bạo lực cao nhất tham gia các lớp học giải quyết xung đột và liệu pháp sức khỏe tâm thần miễn phí. Nhóm của ông còn đào tạo các nhà hoạt động dựa vào cộng đồng để chống lại các luận điệu bài xích cộng đồng da màu hay gốc Á. 

 Nam Anh (theo The Washington Post, Reuters)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI