Không phải ai cũng biết yêu thương!

14/01/2021 - 05:20

PNO - Khi một tình cảm trao đi không được đáp lại, hoặc không còn được đáp lại như trước, nhiều người sẽ đau khổ, cay cú, có phản ứng tiêu cực...

Sang Đức nuôi cháu ngoại đã hơn một năm, bà Hoàng Liên (ngụ Q.7, TP.HCM) vẫn chưa trở về Việt Nam vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

Khi biết tin con trai Hoàng Lâm hơn 23 tuổi vừa chấm dứt mối tình khá sâu đậm, bà rất lo lắng, sợ Lâm sầu não, chán chường, dễ có hành động dại dột. Nếu ở bên cạnh, bà sẽ động viên, kéo con đi chơi cho khuây khỏa, để con không phải nghĩ đến chuyện tiêu cực.

Đằng này, bà mãi tận trời Tây, mình Lâm đơn độc ở nhà. Bà liên lạc qua điện thoại, nhờ một đứa cháu thường xuyên đến thăm, hoặc có thể tạm thời dọn đến ở cùng Lâm cho có bạn. Bà dặn cháu đủ điều, nào là canh giữ, không cho Lâm uống nhiều rượu, nào chăm chút sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi, kể cả việc ngăn không cho Lâm một mình lên sân thượng, đề phòng trường hợp Lâm nghĩ quẩn rồi làm liều.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi người cháu đến thăm, Lâm lại chào đón bằng một gương mặt hoàn toàn khác với những gì bà Hoàng Liên tưởng tượng. Không hề có sự ủ ê, quằn quại của một người thất tình, Lâm đang dọn dẹp cỏ rác ở khu vườn nhỏ trên sân thượng, phun xịt mấy chậu lan mới nhú đọt non. Những hình ảnh này được người cháu gửi qua Facebook khiến bà Liên an tâm phần nào. 

Bà Liên bắt đầu mạnh dạn hỏi thăm chuyện tình của Lâm. Dù không thể giấu được tâm trạng sốc và hụt hẫng qua giọng kể trầm trầm, nhưng Lâm khẳng định: “Con trai của mẹ vẫn ổn. Dòng sông thì phải trôi, cuộc sống thì phải tiếp diễn. Mẹ đừng lo. Chia tay sao không buồn, nhưng con tôn trọng sự chọn lựa của cô ấy. Con đang cố gắng thiết kế lại cuộc sống mới, từ ngày không còn cô ấy bên cạnh. Tất nhiên, con vẫn yêu cô ấy, nhưng giờ đây phải đổi cách yêu thôi. Yêu một chiều và từ xa!”.

Bà Liên đáp: “Mẹ cũng hiểu chuyện tình cảm không tranh đoạt mà có được, cũng không thể miễn cưỡng. Mẹ tin và mong con sẽ mau lấy lại thăng bằng. Lúc nào mẹ cũng bên cạnh để chia sẻ các cung bậc cảm xúc với con”.

Khi một tình cảm trao đi không được đáp lại, hoặc không còn được đáp lại như trước, nhiều người sẽ đau khổ, cay cú, có phản ứng tiêu cực. Không hiếm vụ án thương tâm phát sinh trong bối cảnh bị từ chối tình cảm, hay đối phương chuyển hướng. Vì đâu? Họ thiếu điều gì mà không thể đối xử tốt với người khác? Họ thiếu điều gì để không thể vững vàng trong nghịch cảnh và những chuyện xảy đến ngoài ý muốn của mình?

Hồng Lan đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa yên bề gia thất. Cô làm vợ bé nhiều đời, mà kịch bản lặp lại luôn là hầu hạ, phục vụ các thể loại nhu cầu của những tay trăng hoa. Cô phải phá thai nhiều lần, đánh ghen nhiều tập với các bóng hồng mới, và cả vợ chính thức của các ông.

Khi được yêu chiều, cô kiêu ngạo, hả hê; còn khi bị bỏ rơi, cô suy sụp, buông xuôi, bỏ làm bỏ ăn, kể cả hủy hoại thân thể. Cô luôn ganh tỵ với hạnh phúc của người khác, kể cả anh chị em ruột hay đồng nghiệp, và than trách mình sao “hồng nhan bạc phận”. 

Xót con cứ “đâm đầu vào kẹt đá”, ba Hồng Lan vẫn không biết cách nào để giúp. Nương theo thì biết đến bao giờ con chịu sửa đổi, mà la rầy, vạch chỗ sai thì con cho rằng ba không thương không hiểu, cứ đòi chết đi cho ba rảnh nợ. Mỗi khi Lan xuống tinh thần, bỏ việc, quay về nhà, ba đều cưu mang. Nhưng ngược lại, khi ba đau bệnh, Lan viện cớ bận việc, bỏ mặc các anh chị cáng đáng cả việc chăm sóc lẫn viện phí. Người cha không dám khẳng định Lan bất hiếu, nhưng ông cảm nhận rõ rằng Lan không trân quý những tháng ngày hữu hạn ông còn sống trên đời. Trái tim Hồng Lan lạnh như một khối băng.

Giá trị yêu thương ở mỗi con người chính là nguồn dinh dưỡng để nuôi sống và làm cho các mối quan hệ đâm chồi nảy lộc. Đâu đó trong cuộc sống, ta nghe câu nói: “Thằng đó/cô đó không có trái tim. Nó mà biết yêu ai! Nó chỉ biết mỗi mình nó thôi”. Hóa ra, không phải ai cũng biết yêu thương. Tình yêu thương như ngọn lửa, tắt ngóm hay bùng cháy, là do ở bàn tay người khơi. 

Một cô bé tiểu học bị cô giáo xử oan sau tình huống xô đẩy bạn. Cô bé ấm ức về mách mẹ. Mẹ không oán trách, cũng không bênh cô giáo, chỉ lắng nghe và hỏi con vài câu cần thiết. Tối đó, con rón rén đặt lên đầu giường mẹ bức thư viết bằng mực xanh, có trang trí hoa văn rất đẹp.

Bức thư với lời lẽ ngây ngô nhưng chan chứa yêu thương của cô học trò nhỏ dành cho cô giáo - người đã xử oan khiến con tốn bao nhiêu nước mắt. Nội dung thư cho thấy con nhận ra một phần lỗi của mình, đã không trình bày rõ rằng lúc đó con và bạn chơi đùa, con mất thế khiến bạn ngã. Nếu có nhiều thông tin hơn, có lẽ cô giáo sẽ có góc nhìn bao quát, toàn diện và xử lý nhẹ tay hơn. 

Dòng chữ nắn nót, cô bé viết: “Con hết giận cô rồi. Chắc giờ này cô cũng buồn vì đã lỡ phạt con. Lúc cô phạt con, con thấy cô cứ nhìn phía con hoài. Ánh mắt cô tỏ vẻ ngần ngại và lo lắng. Tội nghiệp cô quá!”. Một cảm giác vui sướng lâng lâng ngập tràn lòng người mẹ. Gấp bức thư, chị tưởng nhớ lại thời mầm sống nhỏ là con mới tượng hình trong bụng, chị không mong sau này con sẽ làm được điều gì to tát, chỉ mong con khỏe mạnh, thành nhân và có trái tim ấm áp. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI