Không ôm "trọn gói"

23/03/2016 - 10:10

PNO - Không ít cha mẹ trẻ gửi con cho ông bà ở quê, mỗi cuối tuần về thăm để ông bà được xả hơi. Có người thuê hẳn ôsin chăm con 24/24...

Khong om
Ảnh minh họa - shutterstock

Tùy hoàn cảnh của mỗi người, nhất là điều kiện tài chính mà cả nhà có cách tổ chức cuộc sống phù hợp khi có thêm thành viên nhí. Không ít cha mẹ trẻ gửi con cho ông bà ở quê, mỗi cuối tuần về thăm để ông bà được xả hơi. Có người thuê hẳn ôsin chăm con 24/24, ông bà chỉ việc hướng dẫn, nhắc nhở. Dịch vụ giúp việc nhà - trông trẻ theo giờ cũng được lựa chọn khi cân nhắc với giải pháp gửi nhà trẻ tư nhân khi bé mới sáu tháng tuổi. Không ổn thỏa, nhịp nhàng trong việc nuôi nấng, chăm sóc trẻ, rất dễ gây căng thẳng, xung đột các thế hệ và khiến cho hạnh phúc của vợ chồng trẻ “xuống màu”. Bà Ánh Hồng (Q.2, TP.HCM), 53 tuổi, đã ly hôn, nhất định không chăm cháu vì “con bây đẻ ra mắc mớ gì tao phải giữ”.

Bà có “số sướng”, lúc nhỏ cha mẹ lo, lập gia đình thì chồng chăm, thôi chồng thì con lo. Dù vậy, bà vẫn thường nói: “Má vất vả nhiều rồi, cả tuổi thanh xuân, cha con bây đã “cướp” hết, giờ còn bao nhiêu năm tung tăng nữa đâu, rồi tuổi già ập đến”. So sánh với mẹ mình ở quê đảm đang trong ngoài, chịu thương chịu khó, con rể lầm bầm. Vợ nghe được cự chồng, bênh mẹ, nhưng gặp riêng mẹ mới hờn trách. Bà Hồng cũng không chịu thua, gia đình chỉ bốn người nhưng thường xuyên sôi bùng như nồi canh cua. Con gái bà dọa: “Mẹ không phụ giữ cháu là con cắt tiền tháng của mẹ để thuê người làm”. Bà Hồng đành xuống nước nhưng nhất định chỉ trông cháu một buổi mỗi ngày, còn dành thời gian để đi phượt.

Sau hai năm ròng ôm cháu, được cũng lắm mà mất cũng nhiều, bà Trần Thị Kim ngộ ra mình không thể và không nên thay con làm mẹ mãi được. Từ lúc con gái mang thai được bảy tháng, bà Kim đã bay từ Quảng Trị vào Sài Gòn chầu chực làm bà ngoại như thể sợ ai đoạt "chức". Bà đi bỏ lại ông Kim một mình quản lý hiệu tạp hóa. Là người dẫn chương trình của công ty sự kiện, con bà Kim cai sữa lúc em bé mới ba tháng để ngăn cái đà “bể phoọc”. Cùng với việc dứt nguồn sữa, trách nhiệm làm mẹ của cô lập tức được chuyển toàn bộ cho bà. Từ đút sữa, xay thức ăn, tắm rửa, vệ sinh, ru ngủ đến đưa đi tiêm ngừa, đi công viên chơi… bà Kim đảm nhiệm “trọn gói”.

Xa cách, ông nhớ bà, buồn bã, sinh nhậu nhẹt. Ông kêu gửi cháu đi nhà trẻ để bà được về quê thì bà không nỡ, vì cháu chỉ mới hai tuổi. Buổi chiều tan học không ai rước cháu vì hai vợ chồng bận suốt. Con gái làm lơ trước ý nguyện của ông, cứ chọc “ông ngoại cành nanh với cháu ngoại”.

Dần dần, bà Kim nhận thấy sự hy sinh của mình là vô nghĩa, thậm chí tai hại vì các con càng để nhịp sống cuốn ra ngoài ngạch cửa. Điểm lại những bận rộn, những việc quan trọng của các con có khi chỉ là đánh tennis, tập thể dục thẩm mỹ, đi spa, họp lớp, dã ngoại… Con ị, vợ chồng nạnh nhau, cuối cùng cũng bà ngoại thu dọn hiện trường. Đỉnh điểm của sự vô tâm, thờ ơ và phó mặc là vừa qua, hai vợ chồng trẻ đi Singapore chơi chụ c ngày, để mặc cháu cho bà tha đi đâu thì tha. Tối đó về, chồng ngủ vùi, vợ đi sinh nhật tới khuya. Nhìn cháu cứ bám váy mẹ khóc đòi bế, bà Kim nghẹn giọng: “Lại đây với ngoại, Bin ơi!”.

Gạt nước mắt, bà quyết định về quê với ông dù có thể nhớ thương cháu như cắt ruột. Bà về quê rồi, con gái cứ gọi điện thoại than cực, than “ở tù về đêm” hoặc trách bà quá cưng chiều cháu nên giờ nó bướng bỉnh. Điền vào hồ sơ xin học trường mầm non, con gái cũng điện thoại hỏi bà rằng con mình có đặc điểm gì, thích ăn món chi, thích đồ chơi nào, ngủ ngày mấy giấc, có hay bị dị ứng không? Cúp máy, bà thở dài rồi nói với chồng: “Thôi kệ, tui nghe lời ông, có thăm cháu thì thăm chứ không giữ nữa. Lo từ xa vầy cũng tốt. Để vợ chồng nó tự chăm con thì mới biết thương con!”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI