Không mang tiền về cho mẹ, đừng về quê ăn tết?

28/12/2022 - 10:56

PNO - Trên một diễn đàn, bài viết của một cô gái trẻ nhận về được hàng trăm lượt bình luận chia sẻ, động viên.

Gánh nặng tiền nong của con cái với gia đình là câu chuyện không mới, nhưng luôn khiến dư luận xôn xao mỗi dịp tết đến.

Cô gái trẻ cho biết không muốn về quê ăn Tết vì áp lực tiền bạc từ cha mẹ (ảnh minh họa)
Cô gái trẻ cho biết không muốn về quê ăn tết vì áp lực tiền bạc từ cha mẹ (ảnh minh họa)

Mới đây, trên mạng xã hội, một cô gái chia sẻ rằng, cô là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội học tập. Vừa tốt nghiệp vào cuối năm 2021, cô chật vật kiếm việc. Trong thời gian này, cô làm việc online, kiếm được khoảng 3-4 triệu/tháng. Dành 1,5 triệu đồng cô gái để đóng tiền phòng trọ ở Hà Nội, phần còn lại, cô phải đưa hết cho mẹ để không mang tiếng "ăn bám". 

Từ cuối năm thứ nhất đại học, cô đã không còn phụ thuộc gia đình. Chỉ 1-2 lần khi cần tiền gấp để đóng họ phí mới xin gia đình. Nhưng mỗi lần như thế lại bị gia đình nói tiêu xài hoang phí.

Áp lực chuyện tiền bạc càng nặng nề khi cô tìm được việc chính thức. Gia đình yêu cầu mỗi tháng cô phải gửi về nhà ít nhất 2 triệu đồng. Chưa kể, đám giỗ, đám cưới... đều được "điểm danh" để chia phần gánh vác. Nhiều lần, cô phản đối chuyện này, nhưng cha mẹ lấy lý do: Anh trai mất sớm, cha mẹ chỉ nhờ được con gái vài năm trước khi về nhà chồng. 

Sau nhiều lần vay mượn để làm nghĩa vụ với gia đình, cô quyết định mỗi tháng chỉ gửi 2 triệu đồng cho cha mẹ. Tháng 7 vừa qua, cô mới trả hết tiền nợ mượn để hỗ trợ cho gia đình, trong trạng thái mệt mỏi, chán chường.

Nhưng chưa dừng lại ở đó. Gần tết, cha mẹ lại yêu cầu cô gửi 20 triệu đồng về để sửa sang nhà cửa. Cô thừa nhận số tiền này là quá sức trong thời điểm này vì vừa trả nợ xong, lại phải chi tiêu nhiều thứ để đảm bảo cuộc sống ở Hà Nội. 

Cha mẹ tiếp tục trách cứ. Còn cô gái trẻ quyết định không về quê ăn tết bởi "không phải với ai, gia đình cũng là nơi bình yên để trở về".

Bài viết nhận được sự đồng cảm của hàng trăm người dùng mạng xã hội. Một số ít cho biết họ từng chứng kiến hoặc rơi vào những hoàn cảnh áp lực như thế, khi phải gánh trách nhiệm chăm sóc cho gia đình. 

Một chàng trai giấu tên kể rằng, anh đi xuất khẩu lao động 4 năm qua, dự định tết này mua vé về quê ăn tết, gây bất ngờ cho gia đình. Nhưng theo anh, điều gia đình anh cần chỉ là tiền. Sau một cuộc cãi vã anh quyết định không gửi tiền về và đã cắt liên lạc với người thân 1 tháng qua. 

Nhiều nười trẻ vướng áp lực chuyện tiền nong, chăm lo cho gia đình khi về quê ăn Tết (ảnh minh họa)
Nhiều người trẻ vướng áp lực chuyện tiền nong, chăm lo cho gia đình khi về quê ăn tết (ảnh minh họa)

Một số người ủng hộ cô gái trẻ ở Hà Nội, khuyên cô ăn tết tại nhà trọ, tranh thủ tìm việc làm thêm trong mùa tết. Bởi họ quan niệm ở đâu có bình yên, ở đó mới là nhà. Một số khác lại đề nghị cô không liên lạc với gia đình cho đến những ngày cận tết, hoặc thông báo vỡ nợ, mất khả năng chi trả, để thử xem phản ứng của cha mẹ. 

Một số người an ủi: "Cháu phải cố gắng mạnh mẽ, học tốt để có tương lai tốt", "Việc báo hiếu nên từ tâm, chứ đừng áp lực như thế", "Gửi tiền về cho cha mẹ là báo hiếu là tốt,. Nhưng nếu bị coi là trách nhiệm, là bắt buộc, là áp đặt, thì không hay chút nào"...

Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán 2022, bài hát Mang tiền về cho mẹ đã khiến một bộ phận công chúng không hài lòng, nhiều người phản đối với những ca từ nhạy cảm liên quan tới tiền nong, khi ca khúc ra đời trong bối cảnh áp lực kinh tế đè nặng lên nhiều người sau dịch COVID-19.

Năm nay, tình hình khó khăn chưa có dấu hiệu giảm. Từng dòng người lao động kéo nhau về quê sớm do thất nghiệp, không có lương, thưởng tết đã khiến dư luận "nổi sóng" hồi giữa tháng 11. Chưa kể, theo nhiều cuộc khảo sát, thế hệ trẻ ngày nay (đặc biệt gen Z) phải gánh thêm nhiều áp lực như: thành công sớm, sự so sánh với bạn bè cùng trang lứa... Vì thế, đây dường như là thế hệ dễ tổn thương tâm lý hơn. Gia đình, lẽ ra nên là một trong những bệ đỡ, đồng cảm, sẻ chia...

Ai cũng mong tết gắn liền với sự bình an. Điều đó không thể đổi bằng tiền, mà chỉ có thể xuất phát từ tình yêu thương.

Hà Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Người cô đơn 29-12-2022 09:32:39

    Không phải gia đình nào cũng là nơi bình yên để trở về, nhiều khi làm quần quật suốt bao nhiêu năm trời, cố gắng lo cho gia đình, nhưng khi thất bại trong công việc quay về gia đình thì bị nói là làm phiền gia đình. Quay đi quẩn lại chẳng có nơi bình yên nào để về, nên tết này tui quyết định ở lại sài gòn, mặc dù thiếu hụt nhưng cố mà liệu cơm gắp mắm thôi rồi cũng sẽ qua thôi mà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI