Không ly hôn để có… đạo đức?

11/04/2023 - 10:32

PNO - Một phụ nữ hơn 60 tuổi ngậm ngùi nói với chúng tôi: "Giá như mỗi người có 2 cuộc đời thì vì sai lầm có thể bỏ đi 1 để rút kinh nghiệm cho cuộc đời sau. Nhưng tiếc rằng mỗi người chỉ sống có 1 lần nên đến bây giờ mới thấy tiếc đời".

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đã trót làm người hạnh phúc 

Ông Trần T. (52 tuổi) làm giám đốc một xí nghiệp nhỏ. Hơn chục năm nay ông sống tách khỏi gia đình. Vì vợ chồng không hợp nhau nên tuy cơ quan chỉ cách nhà độ chục cây số, chỉ cuối tuần ông mới về nhà thăm mẹ đã gần 80 tuổi. 

Một hôm ông về, có người hàng xóm mách nhỏ: "Bà cụ nhà anh thèm ăn trầu lắm nhưng không có lá trầu, phải hái lá hồng xiêm ăn thay". Ông ngượng quá liền vào trách vợ. Người vợ thanh minh là không biết chuyện đó và trách lại chồng sao anh không tự mua trầu cho mẹ. Lời qua tiếng lại, 2 người cãi nhau căng thẳng. Bà cụ đang bệnh lập cập đứng dậy chắp tay: "Thôi tôi xin anh chị đừng cãi nhau vì chuyện ấy nữa, người ta cười". Bất đồ bà cụ đột quỵ ngã sụp xuống, đưa được đến bệnh viện thì cụ mất.

Trước hết, phải thấy rằng ly hôn là sự chia tay của những người không đem lại được hạnh phúc cho nhau, trái lại chỉ làm khổ nhau. Cũng có khi cả hai đều tốt nhưng không hợp nhau. Thực tế, có những người chẳng hề ly hôn nhưng sống nhịn nhục hoặc giả dối thì có hay gì. 

Từ đó ông T. cho rằng vì vợ mà mẹ mình chết. Gần 10 năm, vợ chồng không muốn nhìn mặt nhau nữa, nhưng vẫn không ly hôn. Người tư vấn hỏi: "Nếu không thông cảm được cho nhau, sao không tìm một giải pháp? Ông định cứ sống vậy suốt đời à?”. Ông T. thở dài: "Muộn rồi, con gái lớn đang có người yêu. Tuần sau nhà trai đến ăn hỏi. Bây giờ người ta biết vợ chồng mình ly hôn còn ra thế nào?". Ông còn 1 cô con gái nhỏ đang học lớp Bảy. 

Chị Ngọc M. (43 tuổi) chồng nhiều lần bỏ nhà đi theo nhân tình cả năm không về. Chị vẫn nhẫn nại nuôi con. Nỗi đau dồn nén, chị không dám ngỏ cùng ai. Đến cơ quan, chị vẫn đóng vai người vợ hạnh phúc. Ai hỏi, chị bảo chồng đi công tác xa. Nhưng nhiều đêm chị không sao ngủ được, người cứ héo hon dần. Bạn bè thân khuyên chị ly hôn nhưng chị vẫn kéo dài cuộc hôn nhân có chồng cũng như không. Chị thở dài: “Vì bao nhiêu năm nay trót làm người hạnh phúc rồi. Giờ biết mình ly hôn do chồng bỏ đi theo gái, người ta cười”.

Ai nỡ trách người ly hôn 

Ngày nay, vẫn có không ít người thiếu thiện cảm với người ly hôn. Nhiều chàng trai gọi đến tư vấn cầu cứu vì gia đình không cho họ lấy cô gái có cha mẹ ly hôn. Lý do là cha mẹ như thế thì con họ cũng sẽ thế. Đó là những quan niệm lỗi thời. Trước hết, phải thấy rằng ly hôn là sự chia tay của những người không đem lại được hạnh phúc cho nhau, trái lại chỉ làm khổ nhau. Cũng có khi cả hai đều tốt nhưng không hợp nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế, có những người chẳng hề ly hôn nhưng sống nhịn nhục hoặc giả dối thì có hay gì. Nếu cứ thấy ai ly hôn đều cho là người “có vấn đề” là không chuẩn xác; cũng như thấy tỉ lệ ly hôn gia tăng rồi kết luận là đạo đức vợ chồng bây giờ không bằng ông bà ta ngày trước là nhầm to.

Hôn nhân ngày trước theo đạo lý “phu xướng phụ tùy” (chồng nói vợ phải theo) bề ngoài luôn tưởng là êm thấm. Ngày nay phụ nữ không chấp nhận cuộc sống “chồng chúa vợ tôi”. Khi phụ nữ tham gia vào công việc xã hội, có thu nhập, họ không chấp nhận cảnh bất công trong hôn nhân. Tất nhiên, xã hội chúng ta không cổ vũ ly hôn nhưng cũng không khuyến khích đã lấy nhau thì cứ phải chung sống hết đời bất kể hôn nhân có hạnh phúc hay không.

Chị Nguyễn Thị H. (31 tuổi) có chồng và đứa con 6 tuổi. Vì luôn bị chồng coi như người hầu nên chị xin đi lao động xuất khẩu thời hạn 3 năm. Chị chia sẻ với chuyên viên tư vấn khi trở về nước: ngồi trên máy bay, nghĩ đến chồng, chị lại buồn. Nhưng chị xác định cố gắng chịu đựng cho con có đủ mẹ cha. Về đến nhà, thấy mặt chồng lạnh tanh, chị ngao ngán. Đi xa lâu ngày không biết giá cả, chị nhờ chồng đi chợ mua thức ăn về làm bữa liên hoan đoàn tụ. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Chồng đi chợ về, chị xăng xái vào bếp làm cơm. Trong lúc thái thịt, chị phát hiện một cục là lạ bằng hòn bi, liền lọc bỏ ra vứt đi. Anh chồng đứng đằng sau thấy vậy liền nói: “Sao phải vứt đi? Mày định ăn theo kiểu Tây hả?”. Quá bất ngờ, nước mắt chị ứa ra giàn giụa.

Mấy năm xa nhà không có ai đối xử với mình như thế nên chị càng thấy tủi nhục khi chồng gọi bằng “mày”. Chị bỏ dao thớt đấy, gạt nước mắt gọi taxi, xách va li, đưa con về nhà mẹ đẻ để tiến hành thủ tục ly hôn, vì không thể tiếp tục sống với người chồng này.

Liệu có ai nỡ trách chị không hay đó là một người có đủ tiềm năng làm vợ, chỉ vì sai lầm trong việc kết hôn mà khốn khổ?

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những cuộc hôn nhân chẳng hạnh phúc gì nhưng người ta tự an ủi rằng mình sống vì con, mình "có đạo đức" và đôi khi cảm giác ấy cũng đem lại một thứ "hạnh phúc" theo cách nghĩ của họ. Cũng có người lần lữa vì phân chia tài sản quá khó. Có người không muốn để cha mẹ già phải lo buồn, có người e ngại xã hội đánh giá…

Nhưng có một thực tế là hầu hết những người đó khi đến tuổi già đều hối hận. Có người tự nhận là nhu nhược, sĩ diện hão, thậm chí đóng giả làm người hạnh phúc che mắt thế gian nên đã phải trả giá bằng cả cuộc đời bất hạnh còn oán trách ai? 

Chuyên viên tâm lý Trịnh Trung Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI