Không bằng cấp vẫn thành đạt - Bài 4: Đi trước thời đại

21/07/2013 - 15:20

PNO - PN - 17 tuổi Mary Lyon (trái) đã đứng lớp ở một trường tiểu học, dù chưa hề được đào tạo kỹ năng sư phạm. Walter Smith (phải) phải bỏ dở việc học ở tuổi 16 vì gia đình xảy ra biến cố. Thế nhưng, Mary Lyon là người thành lập...

Khong bang cap van thanh dat - Bai 4: Di truoc thoi dai

Bà Mary Lyon từng xuất hiện trên các con tem 

Những ý tưởng “bất bình thường” trong giáo dục

Mary Lyon lớn lên tại một vùng rừng núi ở miền Tây bang Massachusetts, trong một gia đình có đến bảy người con. Gia đình tuy khó khăn nhưng bốn tuổi cô bé đã được đến trường. Bố của Mary mất sớm, gia đình cô phải chuyển đến một nơi xa hơn. Khi đó, Mary xin mẹ cho mình ở lại chỗ cũ để có thể tiếp tục đến trường. Cô sống với gia đình một người họ hàng và tham gia vào đội đồng ca nhà thờ để có bữa ăn qua ngày.

Mary Lyon bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình từ năm 1814, khi mới 17 tuổi, cũng chỉ nhằm kiếm tiền ăn học. Cô được nhận vào dạy tại một trường tiểu học ở thị trấn nhỏ gần đó dù chưa được đào tạo về kỹ năng sư phạm. Mary hiểu, muốn làm tốt việc dạy học thì trước tiên mình phải học. Năm 1918, Mary tạm ngưng việc dạy học để ghi tên vào Trường cao đẳng Sanderson ở Ashfield.

Thời đó, việc phụ nữ theo học tại các trường cao đẳng là rất hiếm. Với Mary Lyon, mọi việc còn khó khăn gấp bội bởi cô phải làm việc để có tiền trang trải học phí. Kết thúc khóa học vào năm 1821, Mary trở lại nghề dạy học. Ba năm sau, cô thành lập một trường tiểu học tại Buckland. Sau đó, cô dạy ở Trường Ipswich trong sáu năm.

Nhận thấy nhu cầu học hỏi của nữ giới ngày càng tăng cao, Mary Lyon nảy sinh ý định thành lập một trường cao đẳng mà chính mình làm hiệu trưởng. Từ năm 1834, Mary Lyon liên tục đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, gây quỹ thành lập một trường cao đẳng dành riêng cho nữ giới.

Với những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình, Mary Lyon không chỉ muốn cơ sở giáo dục dành cho riêng nữ giới của cô có đầy đủ các môn học như một trường của nam sinh mà còn định hình, đó sẽ là một trường có học phí thấp để mọi cô gái đều có thể theo học. Cô viết những mẩu quảng cáo về kế hoạch thành lập trường, tìm kiếm sự ủng hộ của giới nhà giàu, thuyết phục các nhà giáo dục tham gia. Cô thực hiện nhiều chuyến đi đến các vùng xa xôi khắp nước Mỹ để quảng bá cho ngôi trường của mình.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 4: Di truoc thoi dai

Sau ba năm miệt mài gây quỹ, mơ ước của Mary Lyon cũng trở thành hiện thực. Trường Mount Holyoke mở cửa vào ngày 8/11/1837 với 80 học sinh, tất cả đều phải trải qua một kỳ thi vấn đáp về văn phạm tiếng Anh, toán, lịch sử Hoa Kỳ và địa lý. Bước sang năm thứ nhì, trường có 200 nữ sinh đăng ký học nhưng chỉ 90 em được chấp nhận sau một kỳ thi tuyển. Lúc đó, cả nước Mỹ có 120 trường đại học cộng đồng (college) dành cho nam sinh, Mount Holyoke là trường đầu tiên dành cho nữ.

Mary Lyon là một nhà giáo dục có những suy nghĩ đi trước thời đại. Tại trường Mount Holyoke, học sinh phải học đến bảy môn bắt buộc về khoa học tự nhiên, trong đó có môn toán, mới được xét tốt nghiệp. Đó là vào thời điểm năm 1837, khi các cô gái thường chỉ được dạy về may vá, nấu ăn, thậm chí nhiều trường dành cho nam sinh cũng không dạy nhiều môn khoa học tự nhiên như trường Mount Holyoke. Không chỉ thế, Mary Lyon còn giới thiệu cách học các môn khoa học tự nhiên mà nhiều người lúc đó đánh giá là “bất bình thường”: cho học sinh trực tiếp thực hiện thí nghiệm, thường xuyên đưa họ đi dã ngoại để tìm những mẫu vật có ích cho việc học. Sự quan tâm của Mary Lyon đối với phát triển kiến thức về khoa học cho giới nữ đã trở thành truyền thống của trường Mount Holyoke cho đến tận ngày nay, dù bây giờ trường này đã là một đại học dành cho nữ giới danh tiếng ở Mỹ.

Mary Lyon giữ cương vị hiệu trưởng trường Mount Holyoke suốt 12 năm cho đến khi bà qua đời vào năm 1846, khi mới 52 tuổi. Bà đã chứng minh, trí tuệ của phụ nữ hoàn toàn không kém nam giới. Quan trọng hơn, bà đã tạo ra được một khuôn mẫu mới cho việc giáo dục. Tính đến nay, đã có hơn 33.000 phụ nữ từng được học tại Mount Holyoke College, nhiều người trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, chăm sóc sức khỏe, quản trị, luật, nghệ thuật và khoa học. Mary Lyon được tôn vinh như một nhà giáo dục tiên phong và được đưa vào danh sách những nhà giáo dục kiệt xuất nhất lịch sử giáo dục Mỹ. Quan trọng hơn hết là bà đã khơi gợi được lòng say mê nghiên cứu khoa học của nữ giới vào thời kỳ mà chính họ còn chưa được quyền bỏ phiếu.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 4: Di truoc thoi dai

Tiến sĩ Walter Smith

Cơ hội học tập nào cũng tốt

So với Mary Lyon, Walter Smith có thuận lợi hơn, dù ông cũng phải bỏ dở việc học ở tuổi 16. Lúc đó, nhiều người quen biết ông rất tiếc vì từ nhỏ Walter đã thể hiện sự thông minh và ham học. Cứ ngỡ Walter sẽ không còn cơ hội nối lại được đường học vấn, nhưng khi đang đi làm kiếm sống, ông vẫn âm thầm tự học với mục đích vượt qua kỳ thi GED để có thể được nhận vào học tại một trường đại học.

Ở Mỹ và Canada, kỳ thi GED (General Educational Development) là cơ hội để những người chưa hoàn tất bậc trung học muốn học cao hơn, chẳng hạn vào đại học. Tuy nhiên, với những người đã bỏ học nhiều năm, việc vượt qua kỳ thi GED không hề đơn giản vì thí sinh phải chứng minh được kiến thức trong các môn khoa học, toán, xã hội, đọc và viết tiếng Anh đúng chuẩn. Với Walter Smith, kỳ thi GED không ngờ lại quá dễ dàng vì ông đã kiên trì tự học nhiều năm. Ông đỗ kỳ thi GED khi đã 23 tuổi, nghĩa là bảy năm sau khi rời trường trung học, sau đó ghi tên vào Trường Gibbs Junior College. Tiếp theo, ông lần lượt đạt các bằng cử nhân và thạc sĩ ở Florida A & M University trước khi nhận bằng tiến sĩ ở Florida State University, một trong những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 4: Di truoc thoi dai

Tiến sĩ Walter Smith gần như đã dành trọn cuộc đời mình cho giáo dục, dù là khi làm việc cho chính phủ hay hợp tác với các tổ chức tư nhân, các trường đại học. Cương vị cuối cùng ông đảm nhiệm trước khi về hưu là Chủ tịch Florida A & M University, trường đại học mà ông đã nhận bằng cử nhân nhiều năm trước. Walter Smith cũng là trường hợp hiếm hoi ở Mỹ về việc đạt đến cương vị chủ tịch một trường đại học lớn nhưng lại từng dở dang trung học, phải trải qua kỳ thi GED mới vào được đại học. Chính trắc trở đó đã khiến câu chuyện cuộc đời Walter Smith trở thành huyền thoại.

 THIỆN NGA

Đón đọc kỳ tới: Học không bao giờ là muộn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI