Khi đàn ông yêu

13/10/2015 - 17:50

PNO - Người ta thường bảo "khi yêu, đàn bà dại lắm". Yêu sống yêu chết, yêu mù quáng... Đàn ông yêu thì sao?

Khi dan ong yeu

1. Thằng em họ tôi bảo, nó yêu vợ lắm, cho tới bây giờ vẫn còn yêu nhưng sống chung thì không biết làm sao sống nổi, vì quá ức. Vợ chồng cưới nhau hơn hai năm thôi. Thời gian này em được cha mẹ ruột cho hai công đất nhãn, bản thân có nghề thợ bê.

Ngoài giờ đi làm thì chăm chút đám nhãn, hai năm ba vụ cũng dư hơn trăm triệu. Vợ là con gái duy nhất của gia đình nên mẹ vợ năn nỉ anh chị sui cho con rể ở chung nhà “cho có tiếng đàn ông”, vì thằng em của vợ còn đi học xa. Bác họ tôi đồng ý, với thỏa thuận rằng sau hai năm, con trai sẽ ra riêng, nhà cất trên đất cha mẹ cho, còn tiền cất nhà thì do vợ chồng nó dành dụm từ đám nhãn.

Nhạc mẫu đồng ý. Hàng ngày thằng em tôi đi làm thợ bê, vợ làm công nhân. Lương tháng vợ chồng cộng lại cũng chục triệu; nó bảo vợ, lương anh thì phụ mẹ cơm gạo vợ chồng mình, lương em thì chi xài còn tiền huê lợi từ cây trái thì dành để cất nhà.

Vợ vâng vâng dạ dạ. Cho đến hai tháng gần đây nó quyết định “ra riêng” khi chiếc bụng bầu của vợ đã tròn tròn mà em vợ thì sắp thành hôn. Nhưng bấy giờ vợ mới nói thật: “Tiền anh bảo cất hai năm nay em đã… gửi mẹ rồi. Giờ mẹ trả mới làm nhà được”.

Thằng con rể sắp… phát khùng khi mẹ vợ bảo: một là cho mẹ mượn tiền đó cưới vợ cho em mày, hai là cất nhà nhưng phải cất bằng tuổi của mẹ, vật tư xây dựng tự tay mẹ mua và phải nói mọi người là nhà mẹ vợ cất cho! Chứ không có “phép” nào mà mẹ còn sờ sờ đây, con cái lại tự ý cất nhà.

Em tôi về hỏi ý kiến cha mẹ mình. Cha nó bảo “chuyện đâu còn có đó”, nhưng mẹ thì “không phải dạng vừa đâu” nên sui gia một phen nổi cơn sóng gió, ai cũng thủ lý cho mình.

Bác gái tôi cho rằng đó là tiền mồ hôi nước mắt của con bà, huê lợi cũng trên đất nhà bà thì chị sui gái không lý do gì để “cất nhà” cho con trai của mình. Mẹ vợ nó thì bảo “của chồng công vợ”, không đồng ý thì kêu con trai chị chưng ra bằng chứng đã đưa tiền cho con gái tôi xem nào!

Tất nhiên, thằng em tôi không có bằng chứng về việc đưa tiền vợ cất. Vợ nó thì khóc sụt sùi “mẹ bảo sao em nghe vậy”. Nó ức quá, bỏ về nhà cha mẹ ruột, tuyên bố từ nay “bỏ luôn”, nhưng một ngày, hai ngày “canh me” bà già vợ vắng nhà là mang thức ăn, thuốc bổ, sữa đến cho vợ.

Còn hơn hai tháng nữa vợ sinh, nó đã chọn sẵn bệnh viện, mua hết bao nhiêu là áo quần, tã lót, dầu nóng, khăn sữa… trẻ con. Nhưng bảo vợ về nhà chồng để sinh thì vợ ngùng ngoằng: “Hồi trước anh hứa với mẹ…”. Nó không biết mình sẽ chăm vợ sinh cách nào đây khi cô ấy cứ ở nhà mẹ ruột, mà gặp bà già vợ thì nó… ngán tận cổ.

2. Anh Danh bảo, vợ chồng hai con rồi mà muốn gặp nhau phải hẹn hò như bồ bịch vậy. Hồi hộp và vui lắm. Vì sợ… bà già vợ bắt gặp.

Hồi anh cưới vợ, cũng biết chị là con một, gánh bao trọng trách với mẹ già, nhưng không biết rằng mẹ vợ anh cũng là một tay “quậy số một”. Mặc dù có tiệm tạp hóa tại nhà, bán buôn khá đắt khách, nhưng không bao giờ nghe bà nói dư một đồng mà cứ kêu vợ chồng anh châm vốn vì “bị lỗ”.

Nào gia đình anh có khá giả gì cho cam, cha bệnh nằm một chỗ, mẹ là giáo viên đã về hưu, con cái của các anh chị thì lần lượt ra đời. Vợ anh không đi buôn chuyến nữa, ở nhà mở quán giải khát nho nhỏ để tiện đưa rước con đi học.

Anh thì thuê mấy công đất ở trảng, xen canh quanh năm bầu, bí, dưa, mướp… Mẹ vợ anh ngại sui gia nên không dám tới xin tiền con gái, bà bỏ công “sưu tầm” nhà mấy bạn hàng anh hay bỏ mối bầu, bí, rồi tới… ứng tiền trước.

Khi thì nói thằng Danh hôm nay mắc đưa ba nó đi bệnh viện nên kẹt tiền; khi lại nói con thằng Danh sốt bất tử nên nó nhờ qua tới gặp mấy cháu. Cái thời năm 2000-2003 ấy, điện thoại di động rất hiếm, làm sao chỉ một cú a lô mà xác định thông tin?

Huống chi bạn hàng mấy nay cũng gặp bà ở nhà anh. Vậy là… có đợt, đám bí của anh đã bị mẹ vợ ứng hết tiền từ khi nào chẳng hay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI